Độc đáo canh bồi của người S'tiêng

Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng. Đối với người S'tiêng ở Bình Phước, ngoài gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc như trang phục, tiếng nói… thì việc lưu giữ các món ăn truyền thống được đồng bào quan tâm, đặc biệt là món canh bồi.

Canh bồi theo tiếng gọi của người S’tiêng là canh spa pê. Để nấu được món canh bồi ngon, đúng vị của người S’tiêng thì phải tìm được đủ nguyên liệu, như: lá rau đơn tính, lá miếp - va (lá lúa lép), lá nhau và lá cây tình yêu. Ngoài ra, còn có thêm gạo nương, quả mít non, xương heo, gia vị muối và bột ngọt. Tất cả loại lá này đều lấy từ những cây mọc tự nhiên trong rừng hoặc trên vườn rẫy. Đồng bào thường chọn hái lá non, bóng mướt vào lúc tinh mơ. Lá hái về được nấu ngay để giữ vị tươi ngon. Chị Điểu Thị Hà ở ấp 8C, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, cho biết: “Trước đây việc tìm nguyên liệu rất đơn giản vì trong rừng còn nhiều cây rau, nhưng nay hiếm lắm nên rất khó để nấu được món canh bồi đúng vị. Vì vậy, đồng bào thường phơi khô dự trữ một số lá có thể sử dụng làm nguyên liệu nấu canh như lá nhau”.

Chị Điểu Thị Hà, ấp 8C, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) giã gạo cùng lá nhau để chuẩn bị nấu món canh bồi truyền thống của người S’tiêng

Chị Điểu Thị Hà, ấp 8C, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) giã gạo cùng lá nhau để chuẩn bị nấu món canh bồi truyền thống của người S’tiêng

Khi nấu, đồng bào chọn xương heo tươi ngon rửa sạch, hầm kỹ cùng mít non băm nhỏ. Gạo nương được đãi sạch, ngâm nước khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó để ráo. Các loại rau đem rửa sạch và vớt ra để ráo nước. Trong thời gian chờ hầm xương heo và mít non chín nhừ, đồng bào sẽ giã gạo với lá nhau. Lá nhau sau khi rửa sạch phải lau khô từng lá, bởi nếu còn ướt sẽ rất dính và không thể giã nhuyễn được. Chị Điểu Thị Hà chia sẻ, dù hiện nay có máy xay nhưng đồng bào vẫn giã gạo bằng phương pháp thủ công để món canh mang hương vị truyền thống. Khi xương hầm kỹ thì cho các loại rau và gạo giã nhuyễn cùng lá nhau, mắm bò hóc (loại mắm làm bằng cá lóc của người Khơme) vào. Nấu thêm khoảng 15 phút với lửa vừa rồi nêm gia vị vừa ăn là được. Đặc biệt, người S’tiêng không dùng gia vị nào khác ngoài muối trắng và bột ngọt. Canh bồi ăn lúc nóng là ngon nhất, có thể ăn cùng cơm hoặc làm món ăn thay cơm.

Trước đây, canh bồi là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của đồng bào S’tiêng, nhưng hiện nay vì nguyên liệu khó tìm đủ nên chỉ dành dịp đón khách quý hoặc khi có đám tiệc, tết, lễ. Dù là món ăn truyền thống song do khẩu vị của từng vùng miền, từng gia đình khác nhau nên người S’tiêng đã biến tấu nhiều cách để nấu món canh bồi, như nấu từ củ măng cây lồ ô và ngọn, trái mướp; nấu từ nguyên liệu đọt mây với rau chải; trái cà đắng, măng chua, đọt mây, mắm bò hóc hoặc nấu từ các nguyên liệu đọt mây, xơ mít và lá rau đơn tính... Quả thật, khi nếm món canh bồi nóng hổi, thơm lừng tôi cảm nhận được vị ngọt từ xương heo, vị bùi của mít non, vị hơi đắng, chan chát nhưng sau đó vị ngọt thanh của các loại lá rừng lan nhanh nơi đầu lưỡi. Đúng như giới thiệu ban đầu của chị Hà, canh bồi là món canh truyền thống rất được yêu thích không chỉ đối với đồng bào S’tiêng...

“Canh bồi là món ăn rất ngon và bổ dưỡng nhưng nếu đối với phụ nữ sức khỏe đang yếu hoặc mới sinh, khi nấu không nên cho lá rau đơn tính, vì rau này sẽ làm chậm quá trình hồi phục sức khỏe và khiến phụ nữ sau sinh có cảm giác buồn nôn” - chị Điểu Thị Hà lưu ý.

Lâm Anh

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/doc-dao-canh-boi-cua-nguoi-stieng-92415