Độc đáo hát ống của dân tộc Mông

BHG - Chỉ với những vật dụng thô sơ như ống nứa, sợi tơ mỏng hay sợi chỉ nhỏ, nhưng lại trở thành phương tiện giao lưu tình cảm khá hấp dẫn và thú vị, đó là điệu hát ống của dân tộc Mông ở huyện Hoàng Su Phì.

Chị Sùng Thị Vắng “giao duyên” bằng ống hát.

Chị Sùng Thị Vắng “giao duyên” bằng ống hát.

Dân tộc Mông chiếm 12,6% dân số của huyện Hoàng Su Phì, trong đời sống thường ngày, hát ống là hình thức sinh hoạt văn hóa - âm nhạc khá phổ biến. Với hình thức hát đối đáp, giao duyên, kết bạn, mỗi câu hát thể hiện tài ứng khẩu rất thông minh, dí dỏm, hát đi hát lại nhiều lần. Trong hát ống thường là 1 đôi nữ, 1 đôi nam, 1 đôi nam nữ hoặc 2 đôi nam nữ hát với nhau. Tiếng hát giúp quên đi mệt mỏi sau những ngày lao động mệt nhọc. Cứ như thế, bao nhiêu đời nay mỗi khi vui, lúc buồn người dân nơi đây lại cất cao những lời hát ngọt ngào mà mộc mạc.

Cấu tạo của ống hát rất đơn giản, bao gồm hai ống mai hoặc ống vầu cắt ngắn khoảng 20 cm đường kính 10 cm. Một đầu để hở còn một đầu được bịt kín, có một sợi chỉ lanh chạy xuyên qua hai ống hát để nối với nhau và có tác dụng truyền âm. Khi hát, một bên dùng ống làm loa để hát thì bên kia đặt ống lên tai để nghe, rồi đổi lại. Cứ thế, sợi tơ mỏng manh khẽ rung lên, truyền đi những âm thanh giai điệu ngọt ngào, tựa như phát ra từ loa nhỏ, khiến cả người hát lẫn người xem đều thích thú và say mê.

Chị Sùng Thị Vắng, thôn Nậm Dịch, xã Nậm Dịch chia sẻ: Tôi rất thích những điệu hát ống của dân tộc mình, mỗi câu hát ống thể hiện những ý nghĩa khác nhau, ca ngợi tình người, tình đời, tình yêu đôi lứa... làm cho đời sống tinh thần của mỗi người thêm phong phú hơn.

Hát ống diễn ra ở các lễ hội hay phiên chợ đông người hoặc ngoài trời, trên nương. Ngày nay, giữa bộn bề của cuộc sống, người dân nơi đây vẫn dành thời gian cho nghệ thuật với những câu hát ống ngọt ngào. Qua đó góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc Mông trên mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc.

Bài, ảnh: H.Tính – B.Tài (Hoàng Su Phì)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202204/doc-dao-hat-ong-cua-dan-toc-mong-18e6f3b/