Độc đáo lễ trưởng thành của các thiếu nữ Chăm Bà Ni ở Ninh Thuận

Lễ trưởng thành (lễ Karơh) được các gia đình Chăm Bà Ni tổ chức dành riêng cho thiếu nữ, đánh dấu thời điểm được cả cộng đồng làng, tôn giáo công nhận bé gái đã đến tuổi trưởng thành.

Dân tộc Chăm nói chung, người Chăm Bà Ni ở Ninh Thuận nói riêng, có nhiều nghi lễ được tổ chức hàng năm.

Có những nghi lễ tổ chức ở các lễ hội trong phạm vi cả cộng đồng, hoặc chỉ trong làng hay một tộc họ và có những nghi lễ chỉ dành riêng cho một cá nhân trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Chăm Bà Ni như: Lễ cầu cho mẹ tròn con vuông, lễ đầy tháng cho trẻ mới sinh (lễ Éw praok) để trình báo với tổ tiên; lễ đầy năm (thôi nôi), lễ thành đinh (cho nam), lễ trưởng thành (cho thiếu nữ), lễ cầu an; lễ tạ ơn; lễ cưới (lễ Likhah caga)

Trong đó, lễ thành niên cho nam và lễ trưởng thành cho thiếu nữ là một trong những nghi lễ quan trọng, đặc sắc và ấn tượng bởi khi đó các cô gái được cả cộng đồng làng xóm, được tôn giáo của mình công nhận là người lớn.

 Một thiếu nữ trong trang phục truyền thống chuẩn bị sang làm lễ trưởng thành.

Một thiếu nữ trong trang phục truyền thống chuẩn bị sang làm lễ trưởng thành.

Lễ trưởng thành của thiếu nữ Chăm Bà Ni được các gia đình tổ chức cho các thiếu nữ trước tuổi dậy thì ở độ tuổi từ 9-15 tuổi. Lễ thường do nhiều gia đình trong dòng tộc cùng tổ chức chung. Số thiếu nữ được làm lễ trưởng thành trong một lần, phải chọn số lẻ như 3, 5 hoặc 7 người. Nghi lễ này thường được tổ chức vào các tháng 3, 8 hoặc 10 theo lịch Bà Ni và làm trong 3 ngày đầu tuần.

Trong 2 ngày đầu, các gia đình chuần bị lễ vật, làm bánh trái truyền thống, dựng rạp đãi khách và hai nhà lễ đối diện nhau theo phong cách truyền thống, để làm nơi tổ chức lễ trưởng thành. Cả 2 nhà lễ được trang trí đơn giản với 3 màu trắng, vàng, đỏ cam làm chủ đạo.

 Các thiếu nữ được bà Muk Buh đưa tới nhà làm lễ để chuẩn bị cho lễ trưởng thành.

Các thiếu nữ được bà Muk Buh đưa tới nhà làm lễ để chuẩn bị cho lễ trưởng thành.

Ngày thứ ba là ngày chính của lễ, cũng là thứ Tư của tuần (theo quan niệm của người Chăm đây là ngày tốt, các lễ, đám quan trọng cũng thường chọn ngày này để tổ chức). Vào ngày lễ chính thức, gia đình có con làm lễ trưởng thành, ngay từ sáng sớm đã mang các vật dụng, đồ cúng lễ, ăn mặc đẹp mang tới điểm tổ chức lễ.

 Nghi lễ tắm tẩy trần tại sân nhà.

Nghi lễ tắm tẩy trần tại sân nhà.

Các thiếu nữ trong Lễ trưởng thành được bà Muk Buh (một người phụ nữ Chăm thông hiểu về các nghi lễ) cùng hai người phụ nữ lớn tuổi khác giúp các thiếu nữ Chăm mặc phục trang và đưa các thiếu nữ đi làm nghi thức tắm (tẩy trần) ngoài sân. Các thiếu nữ sau khi làm nghi thức tẩy trần xong, được đưa vào trong nhà dựng sẵn quây kín, để trang điểm, mặc trang phục truyền thống, búi tóc lên cao trên đỉnh đầu và đeo trang sức… để chuẩn bị cho lễ.

 Các thiếu nữ được trang điểm, mặc trang phục truyền thống, búi tóc lên cao trên đỉnh đầu và đeo trang sức… để chuẩn bị cho lễ trưởng thành.

Các thiếu nữ được trang điểm, mặc trang phục truyền thống, búi tóc lên cao trên đỉnh đầu và đeo trang sức… để chuẩn bị cho lễ trưởng thành.

Khi vị Sư cả cùng các chức sắc đã thực hiện xong nghi thức tẩy trần, vào trong căn nhà lễ chính sẵn sàng cho buổi lễ. Lúc này, bà Muk Buh mở rèm đưa các thiếu nữ qua nhà lễ. Vị Sư cả gọi thứ tự từng thiếu nữ lên ngồi đối diện để thực hiện các nghi thức trước khi làm thủ tục cắt tóc nhập đạo.

 Các thiếu nữ trong trang phục truyền thống đang được bà Muk Buh dặn dò trước khi đưa qua nhà lễ.

Các thiếu nữ trong trang phục truyền thống đang được bà Muk Buh dặn dò trước khi đưa qua nhà lễ.

Mỗi thiếu nữ sẽ được vị Sư cả cắt tóc hai lần. Lần đầu tiên cắt ở giữa trán để thể hiện sự biết ơn đối với đấng sinh thành, lần thứ hai cắt hai bên để thể hiện lòng tôn kính đối với thánh Allah.

 Sư cả đang thực hiện nghi lễ cắt tóc cho các thiếu nữ.

Sư cả đang thực hiện nghi lễ cắt tóc cho các thiếu nữ.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nghi lễ này, không thể thiếu có sự chứng kiến của 1 bé trai khoảng 2-3 tuổi gọi là Nưk pô thìh (vì người Chăm quan niệm, bé trai này là người làm chứng linh thiêng nhất với thánh Allah). Bé trai được chọn lựa mặc trang phục truyền thống, để chứng kiến các thiếu nữ khi thực hiện nghi lễ cắt tóc nhập đạo Bà Ni.

Cậu bé Nưk pô thìh là người làm chứng linh thiêng nhất với thánh Allah, cũng được mặc trang phục truyền thống chuẩn bị vào nhà lễ.

Sau khi, các thiếu nữ được các vị chức sắc làm phép, đọc kinh mời thánh Allah về chứng giám sẽ lần lượt lạy các chức sắc, cha mẹ…và từ giờ phút này, họ đã được cộng đồng làng xóm, tôn giáo của mình công nhận là người trưởng thành.

 Bà Muk Buh đưa các thiếu nữ sang nhà lễ.

Bà Muk Buh đưa các thiếu nữ sang nhà lễ.

Lúc này, người nhà chuẩn bị và dọn ra các mâm lễ vật, dâng cúng cho các vị chức sắc theo tuần tự mâm món ngọt trước, mâm món mặn sau. Món ngọt gồm có trái cây, bánh, xôi, chè; món mặn gồm có cơm, canh, thịt dê, gà, cá…

 Trong khi trong nhà lễ đang đọc kinh, ngoài sân các bà, các mẹ đang kính cẩn cầu nguyện.

Trong khi trong nhà lễ đang đọc kinh, ngoài sân các bà, các mẹ đang kính cẩn cầu nguyện.

Các vị chức sắc đọc kinh và cúng lần lượt các mâm lễ, sau đó, các thiếu nữ được phép dùng các món chung với các vị chức sắc và bà Muk Buh để chứng tỏ rằng họ đã là người Chăm Bà Ni trưởng thành.

 Lễ kết thúc, các gia đình dâng cúng các vị chức sắc các mâm ngọt và mặn.

Lễ kết thúc, các gia đình dâng cúng các vị chức sắc các mâm ngọt và mặn.

Buổi lễ kết thúc bằng bữa tiệc thân mật của các gia đình đãi họ hàng, người thân, bạn bè đã tới chung vui chúc mừng con cái họ trưởng thành.

NÚI XANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/doc-dao-le-truong-thanh-cua-cac-thieu-nu-cham-ba-ni-o-ninh-thuan-post752500.html