Độc đáo mô hình kinh doanh thời trang ký gửi
'Mua của người chán, bán cho người cần' chính là phương châm của hầu hết các cửa hàng thời trang ký gửi. Đây là những cửa hàng thời trang đặc biệt, nơi người bán cũng là người mua.
Đẩy mạnh hình thức kinh doanh online
Năm 2019, Nguyễn Thương (sinh năm 1996) đã quyết định mở cửa hàng ký gửi quần áo Sale It tại Q. 6, TP. HCM, với mong muốn kéo dài tuổi thọ cho quần áo cũ. Sau thời gian nghiên cứu thị trường, Thương đánh giá cao tiềm năng của mô hình kinh doanh “mua của người chán, bán cho người cần” này. Cô cho biết, các bạn trẻ thường không muốn diện lại những bộ quần áo đã chụp hình đăng Facebook hoặc mặc đi chơi vài lần. Khi đó, họ có thể thanh lý chúng để “giải phóng” tủ đồ quá tải của mình, giúp người cần mua lại với mức giá rẻ hơn và có thêm tiền để mua những món đồ mới.
Những sản phẩm của cửa hàng đa số mang phong cách trẻ trung, hiện đại bởi vì đối tượng khách hàng chính là phụ nữ từ 18 - 25 tuổi. Giá sản phẩm dao động từ 15.000 - 180.000 đồng, trong đó cửa hàng thu phí từ 5.000 - 40.000 đồng mỗi sản phẩm. Sau khi khách hàng gửi hình sản phẩm, Thương sẽ kiểm tra các tiêu chí phù hợp rồi nhận sản phẩm trực tiếp tại kho hoặc thông qua các đơn vị vận chuyển.
Đa số các mặt hàng thời trang đều dành cho phụ nữ từ 18 - 35 tuổi.
Từ khi dịch bệnh bùng phát, Thương đã đóng cửa cửa hàng tại Q. 6 và chuyển hẳn sang hình thức kinh doanh online. Bởi vì đây không phải là công việc chính nên Thương không quá áp lực về doanh thu trong mùa dịch. Hơn nữa, thời trang ký gửi là mặt hàng giá rẻ nên không bị ảnh hưởng quá nhiều, lượng khách hàng ủng hộ Sale It vẫn duy trì như trước dịch. Sắp tới, Thương sẽ tiếp tục duy trì hình thức bán hàng online bởi dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn qua đi. Cô chia sẻ: “Bán hàng online cũng không có quá nhiều yêu cầu, chỉ cần duy trì chất lượng sản phẩm tốt và tư vấn tỉ mỉ hơn để khách hàng yên tâm mua sắm”.
Ba bên cùng vui
Năm 2018, Phạm Thị Kim Kiều (sinh năm 1989) rất ấn tượng với một cửa hàng thời trang tái sử dụng ở nước ngoài. Nhận thấy mô hình thời trang ký gửi tại thời điểm đó đang phát triển ở Việt Nam, cô quyết định mở cửa hàng You&Me Exchange tại Q. Bình Thạnh, TP. HCM và bước chân vào thị trường thời trang “cũ người, mới ta” này.
Theo Kiều, mô hình này đem đến lợi ích cho cả ba bên tham gia. Người ký gửi vừa giải quyết được những món đồ không dùng đến vừa nhận được tiền, người mua sẽ được mua lại những món đồ có giá rẻ hơn 50 - 80% so với giá gốc còn các cửa hàng thì có thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, khách hàng của ngành thời trang ký gửi khá hẹp, đa phần là phụ nữ từ 18 - 35 tuổi nên vẫn còn nhiều người chưa biết đến mô hình này.
Sau giãn cách, cửa hàng You&Me Exchange có nhiều khách ghé mua sắm trở lại.
Cũng như nhiều cửa hàng thời trang khác, cửa hàng của Kim Kiều đã phải đóng cửa hơn hai tháng do dịch bệnh. Hiện, cửa hàng đã mở cửa trở lại và hoạt động bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chia sẻ về "bí kíp" kinh doanh trong ngành thời trang ký gửi, Kim Kiều cho biết, điều quan trọng nhất là sự nhiệt tình và tỉ mỉ, hết lòng với tất cả khách hàng. Trong tương lai, cô dự định sẽ mở rộng kinh doanh bởi tiềm năng của mô hình thời trang ký gửi sẽ ngày càng gia tăng.
Phan Thị Minh Hạnh (sống tại TP. HCM) là một trong những khách quen của cửa hàng You&Me Exchange. Là một cô gái trẻ có sở thích mua sắm quần áo, Hạnh thường xuyên ký gửi những món đồ không còn dùng và mua lại những món đồ cũ ở đây. Cô chia sẻ: “Hầu như mình không mặc nhiều nên quần áo đều mới 90%. Để quần áo của mình không bị lỗi thời, cũng như kiếm thêm thu nhập, mình ký gửi quần áo cũ và mua những món đồ mới hợp thời trang hơn”.
Mô hình kinh doanh ký gửi quần áo này đáp ứng mong muốn bắt kịp xu hướng nhưng không muốn lãng phí quần áo cũ của các "tín đồ" thời trang. Với phương châm “cũ người, mới ta”, các cửa hàng thời trang ký gửi đang là điểm hẹn mua sắm đầy triển vọng của giới trẻ.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/doc-dao-mo-hinh-kinh-doanh-thoi-trang-ky-gui-post1395534.tpo