Độc đáo ngày Tết của người Mường

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới - giao thừa - nhiều gia đình người Mường vẫn còn giữ nguyên tục lệ đánh lên ba hồi chiêng để mời và chào đón tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu.

Giống như nhiều dân tộc khác sống trên đất nước Việt Nam, phong tục đón Tết Nguyên đán của người Mường được coi là một trong những lễ hội lớn của năm. Từ trước Tết rất lâu, người dân đã lên kế hoạch nuôi lợn, nuôi gà, lựa chọn loại gạo nếp, đậu xanh thật ngon, dành dụm đến Tết để đồ xôi, gói bánh, làm đôi ba vò rượu cần mời khách. Cho đến bây giờ, câu “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” đã trở thành đặc sản của người dân xứ Mường.

Không gian thờ cúng tổ tiên được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà sàn, đó cũng là nơi linh thiêng, trang trọng nhất. Ở gian giữa, người Mường dành để tổ chức các nghi lễ và đón khách quý. Những loại hoa trang trí thường có màu đỏ, vì màu đỏ mang đến cho họ sự may mắn. Trên mâm cơm cúng tổ tiên, các món ăn phải để trên tàu lá chuối mà phải là tàu lá ngọn. Thịt thì cho vào lá gọi - lá mang ở bên trên. Tất cả các món ăn đều để trên lá, duy chỉ có canh là để trong bát.

 Đến nay, người Mường vẫn giữ được nhiều phong tục đón Tết độc đáo.

Đến nay, người Mường vẫn giữ được nhiều phong tục đón Tết độc đáo.

Theo bà Bùi Thị Bích Thìn (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) thì theo quan niệm truyền thống của xứ Mường, Tết không bắt đầu vào ngày ông Công, ông Táo như của người Việt. Ngày Xuân chỉ thực sự bắt đầu từ 27 tháng Chạp. Từ ngày này, chợ Tết cũng mới được mở ra. Vào dịp Tết, mỗi gia đình đều mổ một con lợn, dù to hay nhỏ để làm cỗ mời anh em, bạn bè, hàng xóm chung vui.

Người Mường quan niệm ăn thế nào thì thờ cúng thế đó nên trong mâm cỗ để cúng có đủ các món ngày Tết. Các thực phẩm chuẩn bị đón Tết đã được thực hiện một cách chu đáo như: Rượu cần, rượu gạo và hoa trái bày lên bàn thờ cúng mời thổ công, thổ địa, tổ tiên, ông bà. Khấn mời gia súc (trâu, bò…), các dụng cụ nông nghiệp (cày, bừa, cuốc, cối giã gạo…) về hưởng lộc vì đã có công giúp gia chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua.

Đặc biệt, cùng với bánh chưng, mâm cỗ ngày Tết của người Mường không thể thiếu đặc sản: Bánh chéo kheo. Bánh chéo kheo được làm từ bột nếp, có nhân đậu xanh đồ chín trộn với mật. Bánh được gói bằng lá hó (một loại lá cây mọc trên núi) thành hình trụ, dài khoảng 7-10 phân và mỗi lá phải gói hai chiếc bánh, gấp lại thành một đôi, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa thắm thiết, bền chặt.

Ngoài những lễ vật nêu trên, cái Tết của người Mường cũng không thể thiếu được một cành đào và đôi cây mía đặt cạnh bàn thờ. Một cây nêu cắm ở ngoài cổng nhằm xua đuổi tà ma, những điều đen đủi trong năm cũ và đón một năm mới yên lành, hạnh phúc. Khi ăn tết xong, cành nêu này sẽ tự rơi xuống chứ không tháo dỡ.

Ngày mùng 1 Tết, các thành viên trong gia đình chọn cho mình bộ trang phục dân tộc mới nhất, đẹp nhất, ăn bữa cơm sáng rồi đi chúc tết các gia đình trong họ, trong bản. Những ngày sau đó, người dân làng tổ chức vui chơi các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đánh mảng, đánh khăng, bắn nỏ, kéo co, hát đối đáp…

Đặc biệt, vào ngày Tết, tiếng cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng mời ông bà, tổ tiên về đón Tết, vui xuân cùng con cháu. Người Mường gọi nghi lễ này là phường bùa. Phường bùa đi sắc bùa thành hàng và có đủ cả nam lẫn nữ. Phường bùa đến nhà hẹn trước để hát sắc bùa, khi đến cổng, người đi đầu hát bài mở cổng và chủ nhà ra mở cổng chào đón. Phường bùa đi vào sân, vừa đi vừa đánh cồng, sau mỗi bài cồng là người trong phường hát một bài chúc tụng.

Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn

Những ngày Tết ở các gia đình người Mường luôn rộn ràng. Những cánh hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc. Tết của đồng bào dân tộc Mường kết thúc sau ngày mùng 7. Dân làng tổ chức lễ khai hạ (xuống đồng). Bà con bắt đầu làm mùa, bước vào một năm mới với niềm hy vọng tràn trề, rằng năm nay cây cối sẽ tươi tốt, mùa màng sẽ bội thu, bản mường được yên bình hạnh phúc.

Sau phút Giao thừa thiêng liêng, nhà nào cũng có người đi lấy nước mới, đó là phong tục truyền thống của người Mường bởi theo bà con nơi đây lấy nước mới là để cầu mong mọi sự tốt lành khi bước sang năm mới, và để có một năm mới may mắn, sung túc hơn.

Trong thời hiện đại, bên cạnh việc nỗ lực gìn giữ phong tục cổ truyền, bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, người Mường cũng thể hiện sự hội nhập rất nhanh với cộng đồng các dân tộc Việt Nam và cả với xu thế chung của thế giới. Không khép kín không gian văn hóa bản làng như xưa, nhưng cũng không hòa tan, làm mất đi những giá trị, tinh hoa văn hóa mà bao đời đã tạo dựng, vun đắp.

Ngọc Vy

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/doc-dao-ngay-tet-cua-nguoi-muong-d188384.html