Độc đáo quán cà phê trả tiền bằng sách
Nếu không có tiền, chỉ cần mang đến một quyển sách cũ bất kỳ, khách vừa có thể lựa chọn một loại thức uống, vừa được đọc một cuốn sách khác trong quán cà phê 'Sài Gòn năm xưa'. Nhưng để duy trì hình thức kinh doanh độc đáo này, chàng trai trẻ Lê Bá Tân phải đánh đổi rất nhiều. Trên hết, tình yêu sách níu chân anh ở lại.
“Sài Gòn năm xưa” vốn là tiệm sách cũ được cải tạo thành quán cà phê để mọi người có không gian trao đổi, đọc sách. Nằm ở đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1, TP Hồ Chí Minh, quán sở hữu không gian yên tĩnh, xanh mát. Ở tầng trệt là những chiếc kệ với hàng ngàn cuốn sách mới, cũ thuộc mọi lĩnh vực để mọi người tha hồ lựa chọn. Không gian tầng một dìu dặt nhạc Trịnh và các bức họa gợi lại chốn thị thành xa xưa đầy hoài niệm. Do đó nơi đây thích hợp để các bạn trẻ tụ họp, vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa đắm mình trong trang sách.
Để lan tỏa tình yêu đọc sách, cuối tuần quán có hoạt động “uống cà phê, trả tiền bằng sách”. Mọi người có thể mang đến một quyển sách bất kỳ, kể cả truyện tranh, sách giáo khoa để trả. Những cuốn sách ấy được chủ quán tỉ mỉ phân loại, sắp xếp theo từng lĩnh vực để khách dễ dàng tìm đọc. Cũng vào chủ nhật hàng tuần, trước quán còn bày những kệ sách nhỏ để tặng sách cho khách và người qua đường. Ai có nhu cầu đổi sách đã đọc lấy sách chưa đọc cũng có thể ghé kệ sách mini này.
Chủ nhân của tiệm cà phê độc đáo đó là chàng trai 8X Lê Bá Tân. Anh vốn là thầy giáo dạy Sử và là con mọt sách chính hiệu. Nhưng lương bổng của nghề giáo không đủ trang trải cuộc sống. Dạy vài năm, thầy giáo trẻ đành từ giã bục giảng.
Năm 2016, Tân khăn gói lên TP Hồ Chí Minh để tìm cho mình hướng đi mới. Nhưng dò dẫm mãi giữa phố phường xa lạ, anh vẫn loay hoay không biết mình nên làm gì bởi những kỹ năng, chuyên môn anh có lại không phù hợp với những công việc mới. Đang bế tắc, thất chí, Tân được một người bạn tặng hai tủ sách để đọc cho khuây khỏa. Khỏi nói anh mừng như thế nào khi những ngày tháng đơn độc ấy có sách làm bạn.
Nhưng sách nhiều quá, căn gác trọ chật hẹp không đủ chỗ để nên anh muốn bán bớt rồi lấy tiền mua kệ. Anh lên các trang rao vặt trên facebook, vừa rao bán, vừa chia sẻ thêm nội dung và hiểu biết của mình về cuốn sách đó. Nhờ cách làm này, cuốn sách nhanh chóng có chủ mới.
Anh chia sẻ: “Ngay khi bán được cuốn sách đầu tiên, tôi như bắt gặp ánh sáng cuối đường hầm. Rõ ràng, đây là nghề rất phù hợp với mình vì nó phát huy được sở trường, sở thích của bản thân. Đó chẳng phải là đam mê sao? Tôi cứ lâng lâng như trên mây khi người mua đón nhận cuốn sách một cách rất trân trọng, khi kiến thức của mình chia sẻ cho đúng người cần nó. Thế là tôi dốc hết tiền túi, quyết tâm mở tiệm sách và dần phát triển thành mô hình cà phê sách như bây giờ”.
Mô hình cà phê sách vốn không phải là hình thức mới mẻ ở các thành phố lớn. Nhưng “Sài Gòn năm xưa” của Lê Bá Tân vẫn có dấu ấn riêng biệt bởi ông chủ trẻ là người có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa xã hội, văn chương… Khách đến quán không đơn thuần chỉ gọi cà phê rồi ngồi đọc sách mà có thể giao lưu, trò chuyện với chủ quán, cùng bàn về các đề tài thú vị xoay quanh trang sách.
Tuy vậy, ông chủ trẻ vẫn cảm thấy buồn lòng khi lượng người yêu thích sách khá khiêm tốn. Cách đây một năm, một người bạn gợi ý Tân làm chương trình “uống cà phê, trả tiền bằng sách” vào dịp cuối tuần để khuyến khích, nhân rộng văn hóa đọc cho mọi người. Anh ngẫm nghĩ một ly cà phê không đáng giá bao nhiêu tiền, trong khi tri thức là kho tàng quý giá, nên sẵn sàng thử nghiệm mô hình này.
Thật không ngờ, vừa mới khởi động, chương trình đã được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Nhiều người từ các tỉnh lân cận cũng lặn lội tìm cho bằng được quán cà phê sách độc đáo này để trải nghiệm. Ngoài những vị khách mang sách đến mua cà phê còn có những người sẵn lòng bỏ thêm tiền để quyên góp hay mua sách cũ để anh có thêm thu nhập duy trì chương trình ý nghĩa này.
Song số tiền từ việc bán cà phê lẫn sách cũ không đủ cho quán có nguồn thu ổn định. Quán lại gánh thêm chương trình “mua cà phê, trả tiền bằng sách” nên ai cũng thắc mắc, làm cách nào để anh Tân có kinh phí vận hành quán khi tiền mặt bằng ngày càng đắt đỏ. Thật ra, không ít lần chàng trai quê Thanh Hóa ấy tính dẹp tiệm, trả lại mặt bằng vì khó khăn chồng chất.
Anh tâm sự: “Nhiều người thường hỏi tôi tại sao khó khăn như thế, quán đìu hiu như thế thì làm sao tôi có tiền cho quán vận hành được? Động lực để tôi duy trì quán là vì những người yêu quý mình, vì niềm đam mê của mình.
Tôi không muốn những vị khách quen mất đi điểm hẹn tri thức quen thuộc, mất đi niềm vui của họ. Đó cũng là niềm vui, niềm tự hào của tôi khi gây dựng được một không gian để mọi người lan tỏa tình yêu sách. Nên dù chông gai thế nào, tôi phải cố gắng hết sức vượt qua.
Để có thêm tiền trang trải, tôi nhận làm thêm nhiều công việc khác như viết bài review (đánh giá, nhận định - PV) sách cho các trang báo, review sách trên mạng xã hội TikTok, tư vấn cho những ai muốn mở mô hình cà phê sách... Tiếng là công việc tay trái, công việc phụ nhưng thật ra nó lại là nguồn thu nhập chính”.
Việc review sách trên TikTok đến với Tân cũng tình cờ. Anh biết TikTok đã lâu nhưng luôn nghĩ rằng nó là nơi hội đủ trò nhí nhố của tụi “trẻ trâu”. Khi một đứa em gợi ý: “Anh thử lên đó nói chuyện về sách xem sao. Người ta làm này làm kia được thì mình làm sách chắc chắn có người quan tâm”, anh trợn mắt: “Trên đó nhí nhố thế thì ai người ta quan tâm đến sách”. Anh bỏ ngoài tai lời khuyên của đứa em một thời gian dài.
Đến khi dịch COVID-19 bùng phát, quán ế quá, rảnh rỗi không biết làm gì nên Tân mò mẫm lên TikTok làm thử vài clip. Biết gì thì anh nói đó. Đầu tiên anh nói chuyện về cách đọc sách như thế nào cho hiệu quả, cách bảo quản sách ra sao cho bền đẹp rồi lan man đến những điều chưa biết về ca dao, tục ngữ, review những cuốn sách mà mình đã đọc… Bọn trẻ trên mạng xúm vào nghe, hào hứng gọi Tân là “ông chú uyên bác”.
Kênh TikTok không những mang lại cho anh niềm vui được chia sẻ kho tàng tri thức với giới trẻ, mà còn giúp anh tự hoàn thiện mình. Công việc này buộc anh phải đọc nhiều, biết nhiều để làm nội dung clip. Cũng nhờ làm clip trên TikTok mà các bạn trẻ biết đến quán cà phê nhiều hơn.
Bây giờ, Lê Bá Tân là cái tên thân thuộc với giới mọt sách. Thậm chí, với nhiều bạn học sinh, sinh viên, anh là thần tượng bởi những nhận định, đánh giá sắc sảo về các vấn đề, nội dung trong sách. Vì hâm mộ thần tượng, hễ có thời gian rảnh rỗi là cô sinh viên Trần Thị Hải Yến lặn lội từ Bình Dương lên TP Hồ Chí Minh để gặp gỡ, trò chuyện với chủ quán. Sau cuộc trò chuyện, lần nào cô cũng chọn cho mình những cuốn sách được thần tượng giới thiệu là khá hay, hữu ích để leo lên căn gác yên tĩnh ngồi đọc.
“Tôi vốn mê văn học nên hay lùng tìm cuốn sách hay của các nhà văn. Sinh viên không có nhiều tiền thì mình chỉ còn cách “săn” sách cũ. Nhờ anh Tân, tôi biết sách nào mình nên đọc, hợp với sở thích, tính cách của mình”- Yến cho biết.
Đến nay, dù vẫn gặp không ít trắc trở nhưng quán dần tạo được lượng khách hàng ổn định. Ngoài chuỗi sự kiện trả tiền cà phê bằng sách, “Sài Gòn năm xưa” còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tìm hiểu về văn hóa đọc, văn hóa dân tộc, cộng đồng, các khóa học kỹ năng…
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/doc-dao-quan-ca-phe-tra-tien-bang-sach-628250/