Độc đáo siêu thị Việt Nam trên Biển Đông
Giữa Biển Đông sóng nước mênh mông, siêu thị trên đảo Đá Tây A (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là địa điểm lý tưởng cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho ngư dân. Đây cũng là nơi tiếp nhận sửa chữa tàu thuyền hư hỏng và thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân ra khơi
Những ngày này, tiết trời Trường Sa không se lạnh - kiểu thời tiết đặc trưng báo hiệu mùa xuân về như ở đất liền. Thế nhưng khắp các đảo lớn, nhỏ ở quần đảo Trường Sa, sắc xuân đã ngập tràn. Giữa cái nắng hanh hao pha chút mặn chát của biển khơi, những khóm hoa bàng vuông, mù u, muống biển e ấp khoe sắc.
Cuối năm sóng lớn khiến ca nô tiếp cận đảo vô cùng khó khăn. Đặc biệt là những điểm đảo chìm như Đá Tây, người điều khiển ca nô phải vất vả di chuyển qua các rạn san hô đang ẩn mình dưới làn nước xanh ngắt để tránh bị mắc cạn. Chính vì thế ngay khi đặt chân đến đảo Đá Tây A, các chiến sỹ trên đảo đã nhanh chóng giới thiệu cho chúng tôi về những nét đặc biệt nơi đây. "Đá Tây là cụm đảo chìm, chia làm 3 điểm: Đá Tây A, Đá Tây B, Đá Tây C. Đá Tây A có âu tàu là nơi tránh trú bão an toàn cho ngư dân và các tàu đi ngang qua đây. Đây là điểm cứu hộ và tiếp dầu cho các tàu cá Việt Nam", Thượng úy Nguyễn Văn Nam chia sẻ.
Là người dễ xúc động, cứ mỗi lần nhắc đến Tết, đến gia đình, nhất là hai con nhỏ, dù cố gắng nhưng anh Nam vẫn không giấu được sự bồi hồi. Anh khoe với chúng tôi, con gái lớn học lớp 5, rất đam mê đọc sách. Khi anh đi ra đảo làm nhiệm vụ, cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, con gái anh lại lấy chiếc áo của bố mang xuống ôm tưởng tượng như đang có bố ở nhà, thủ thỉ kể những câu chuyện về chú cua, con ốc biển cho mình. Anh Nam còn kể, cháu học ngoại ngữ rất giỏi, sau này khi con lớn lên, anh mong muốn cháu một là sẽ trở thành cô giáo hoặc làm công việc ngoại giao. Nếu làm cô giáo thì sẽ truyền cảm hứng cho các em học sinh yêu quê hương biển đảo Tổ quốc mình. Còn làm ngoại giao thì sẽ mang tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo đến bạn bè thế giới. "Cả cuộc đời của mình gắn bó với sóng biển, với hải đảo quê hương. Con gái mình và những thế hệ sau cũng vậy, sẽ vẫn mãi yêu biển, yêu đảo, bảo vệ nó bằng tất cả lý trí và con tim", người lính hải quân tâm sự.
Vừa trò chuyện, anh Nam vừa đưa chúng tôi đến thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt ngay phía trước âu thuyền. Anh bảo, với người dân đi biển, giữa muôn trùng sóng nước nhiều hiểm nguy, đã lấy đền thờ là chỗ dựa tinh thần vững chắc để như được tiếp thêm sức mạnh vững vàng ra khơi.
Siêu thị giữa đầu sóng ngọn gió
Đá Tây A cũng tạo ấn tượng mạnh với chúng tôi khi phía trước đảo là một âu thuyền mênh mông, yên bình - nơi trú tránh bão, tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nước ngọt của ngư dân suốt dọc vùng duyên hải từ Thanh Hóa đến tận cực Nam Tổ quốc. Chúng tôi cũng là những vị khách đầu tiên của năm Canh Tý đến với siêu thị mang thương hiệu Việt Nam giữa biển khơi. Ở đất liền, việc bước chân vào siêu thị để mua sắm là điều phổ biến và quá dễ dàng, nhưng giữa nơi đầu sóng ngọn gió như ở đây, vào siêu thị mua sắm là một điều ngoài sức tưởng tượng và đầy bất ngờ đối với mọi người.
Siêu thị không quá lớn nhưng cũng khá đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như mỳ gói, nước mắm, nước ngọt, giày dép và đặc biệt là có những chiếc áo màu đỏ sao vàng với dòng chữ "Đảo Đá Tây – Trường Sa".
Anh Phan Viết Tuyết, thợ máy Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây (thuộc công ty một thành viên Dịch vụ khai thác biển Đông) cho biết: "Hàng hóa chúng tôi bán chủ yếu là nhiên liệu (dầu máy và đá lạnh phục vụ ướp cá) cho ngư dân Việt Nam đánh bắt trên biển. Ngoài ra, đây là cũng địa điểm cung cấp miễn phí nước ngọt sinh hoạt cho ngư dân và giúp đỡ mọi người ăn, nghỉ lại Trung tâm khi tránh trú bão. Nhiệm vụ lớn của chúng tôi còn là thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng".
Anh Nguyễn Đình Doãn (SN 1994, quê Nghệ An – thợ máy trẻ nhất của Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây) tâm sự, điều đầu tiên mà anh cảm nhận được chính là tình cảm của chiến sĩ đang công tác tại đây. Anh chia sẻ: "Khi mình đang bồng bềnh trên biển. Thấy đảo thì bỗng thấy thanh thản, yên tâm. Tôi nhớ mãi khi tôi bắt đầu từ xuồng lên đảo thì đã thấy anh em chờ đón, rồi cùng bắt tay nhau vui mừng. Ngoài giờ làm việc, các anh thường xuyên ra cầu tàu, cùng nhau trò chuyện, hát cho nhau nghe, chia sẻ những câu chuyện về gia đình, người yêu, những niềm vui trong cuộc sống".
Với những người lính này, đảo là nhà - biển là quê hương nên xuân về, mỗi người mỗi việc, tất bật chuẩn bị Tết. Vì vậy, chẳng phải ngạc nhiên mà những ngày này, khắp đảo rộn vang tiếng cười nói, các căn phòng, nhà sinh hoạt tấp nập người qua. Hình ảnh những chiến sĩ hải quân trong màu áo trắng - xanh đứng dưới tán bàng vuông, cây phong ba cùng với người dân quây quần gói bánh chưng, chuyện trò rôm rả. Khi trời đêm đổ xuống, những đóa hoa bàng quả vuông bung nở tựa một trời pháo hoa thu nhỏ. Chừng đó cũng đủ thấy, sắc xuân đã ngập tràn giữa biển khơi…
Chỗ dựa tin cậy của ngư dân
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Trung tá Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân chia sẻ: "Trong năm qua, các điểm đảo Đá Tây đã chủ trì, phối hợp với Trạm Biên phòng, Trung tâm dịch vụ hậu cần khám, chữa bệnh cho hàng trăm ngư dân, cấp cứu các ngư dân bị ngộ độc, gặp tai nạn trong quá trình đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, các điểm đảo Đá Tây còn hỗ trợ lương thực, thực phẩm như gạo, mì tôm, đá cây, phụ tùng; tư vấn sửa chữa và sửa chữa miền phí tàu, thuyền cho ngư dân. Vùng 4 Hải quân cũng thường xuyên tuyên truyền, giải thích cho người dân biết rõ chủ quyền biển, đảo. Từ đó, để người dân yên tâm vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.