Độc đáo trang phục người Mông

Không dùng chất liệu hay phụ kiện đắt tiền, không phải là sản phẩm của những thương hiệu lớn trong 'làng' thời trang, nhưng những chiếc váy thêu hoàn toàn bằng tay truyền thống của người Mông ở khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn có giá lên tới 3-4 triệu đồng.

Phải mất từ 3-5 tháng, những người phụ nữ Mông mới hoàn thành xong một chiếc váy thêu tay thủ công.

Phải mất từ 3-5 tháng, những người phụ nữ Mông mới hoàn thành xong một chiếc váy thêu tay thủ công.

(baophutho.vn)

- Không dùng chất liệu hay phụ kiện đắt tiền, không phải là sản phẩm của những thương hiệu lớn trong “làng” thời trang, nhưng những chiếc váy thêu hoàn toàn bằng tay truyền thống của người Mông ở khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn có giá lên tới 3-4 triệu đồng.
Người phụ nữ Mông nào cũng biết thêu thùa, may vá. Công việc này không những thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ mà còn là tiêu chí đánh giá tài năng và phẩm hạnh của họ. Trong tủ đồ của phụ nữ Mông luôn có vài ba chiếc váy đẹp được thêu tay kỳ công để mặc trong những dịp quan trọng như du xuân, đi hội, dự đám cưới. Các bé gái khi 9, 10 tuổi sẽ được những người phụ nữ lớn tuổi trong nhà dạy thêu váy.Trước khi đi lấy chồng, cô gái Mông sẽ được mẹ tặng cho một bộ áo, váy đẹp như của hồi môn. Khi về nhà chồng, họ sẽ tặng mẹ chồng, mẹ đẻ mỗi người một bộ váy áo đẹp. Bởi vậy, chiếc váy thêu đẹp trở thành tài sản không thể thay thế của phụ nữ Mông. Nó được làm bằng cả tâm huyết, nhẫn nại và tỉ mỉ, được phụ nữ Mông nâng niu, trân trọng như đồ vật quý giá trong nhà.

Chị Sùng Thị Máy vừa thêu vừa hướng dẫn con gái cách đưa kim trên tấm vải.

Chị Sùng Thị Máy vừa thêu vừa hướng dẫn con gái cách đưa kim trên tấm vải.

Thông thường, phải mất từ 3-5 tháng, những phụ nữ Mông mới hoàn thành xong một chiếc váy thêu tay thủ công. Trước kia, người Mông tự trồng cây lanh, xe sợi, dệt vải, nhuộm rồi thêu tay, cuối cùng mới may vải thành váy, rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Giờ đây, khi cuộc sống đã phát triển hơn, dù không còn phải trồng lanh, dệt vải nhưng người Mông vẫn tự tay thêu hoa văn bằng chỉ màu lên tấm vải mua sẵn, chắp vải họa tiết rồi mới tạo nếp và may thành chiếc váy hoàn chỉnh. Váy phụ nữ Mông là loại váy mở, có nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một vòng bụng và có hai dây để buộc chắc chắn.

Một chiếc váy thêu được hoàn thành.

Một chiếc váy thêu được hoàn thành.

“Con trai Mông lấy vợ phải lấy người biết thêu váy, sau này người mẹ sẽ dạy con gái thêu”. Vừa cười, anh Mùa A Cáng, một người Mông ở khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn vừa chỉ cho chúng tôi chiếc váy mà vợ anh, chị Sùng Thị Máy đang thêu dang dở. Đôi bàn tay chai gầy quanh năm gắn với bếp núc, nương rẫy của chị Máy thoăn thoắt đưa từng đường kim, mũi chỉ trên tấm vải rộng nửa mét, dài gần ba mét. Chỉ bằng kỹ thuật thêu tay đơn giản như thêu chữ x, chữ thập, thêu nối đầu,... nhưng với sự tỉ mỉ và sáng tạo vô biên của người phụ nữ Mông, những họa tiết và hoa văn đẹp mắt đã thành hình.Hoa văn trên váy của người Mông rất mộc mạc, đơn giản, bắt nguồn từ những câu chuyện cổ, thơ ca về cội nguồn dân tộc, thiên nhiên và các loại cây trồng vật nuôi quen thuộc thường ngày như hình hoa mận, hoa mơ, hình tròn, chữ nhật, tam giác,... được kết hợp để tạo nên vẻ đẹp độc đáo trên chiếc váy mà ít khi “đụng hàng” với những trang phục của dân tộc khác.Kỳ công như vậy nên trong một năm, một người phụ nữ Mông chỉ thêu được 2-3 chiếc váy và giá của một chiếc váy hoàn chỉnh không hề rẻ, dao động từ 3-4 triệu đồng. Không đơn giản là một trang phục, chiếc váy là “tác phẩm nghệ thuật” kết tinh của sự khéo léo, đảm đang và tinh tế của người phụ nữ Mông, là khát khao của tuổi trẻ và niềm tự hào của cộng đồng người Mông ở bất cứ địa phương nào.Cho dù hiện nay, những chiếc váy lanh giá rẻ mỏng nhẹ, in hoa văn sẵn hệt như chiếc váy truyền thống của người Mông được bày bán nhiều ngoài chợ, nhưng người Mông vẫn từng ngày gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để mỗi dịp lễ hội hay xuân về, những tấm váy thổ cẩm lại rực rỡ trên hàng rào, trên con đường xuống chợ, tươi tắn như những cánh bướm xinh.

Phan Uyên

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202107/doc-dao-trang-phuc-nguoi-mong-178024