Độc đáo tục lệ rước vua giả tại Lễ hội đền Sái

Ngày 20/2, tức 11 tháng Giêng năm Giáp Thìn, tại xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã diễn ra Lễ hội đền Sái với tục lệ đặc sắc - tục lệ chọn người đóng và rước vua Thục Phán.

Tương truyền, đền Sái là nơi vua Thục An Dương Vương bái yết đức thành Huyền Thiên. Đôi câu đối tại đền Sái ghi rõ: "Trên đỉnh núi, lầu gác nguy nga, qui hợp lĩnh, thụy ứng trời nam sinh Thái Đức. Trước ngũ quan, tướng quan triều bái, hùng bưu quỳ lậy, vang truyền đất Bắc tỏ công thần".

Năm nay, ông Lê Vĩnh Nô (76 tuổi) được vào vai chúa (mặt đỏ). Còn ông Trần Tiến Tĩnh (73 tuổi) được phong làm vua giả.

Năm nay, ông Lê Vĩnh Nô (76 tuổi) được vào vai chúa (mặt đỏ). Còn ông Trần Tiến Tĩnh (73 tuổi) được phong làm vua giả.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết: "Bấy giờ, Thục Vương cho đắp thành rộng nghìn trượng hình con ốc nên gọi là Loa Thành để chống trả quân xâm lược Triệu Đà". Hàng năm, vua xa giá về đền bái yết. Sau đó, vua thấy đi lại từ Cổ Loa về đền Sái hao tốn công sức của dân nên cho phép dân làng Thụy Lôi thực hiện việc của thiên tử, xưng quan tước, theo lệ vua mà làm cho quốc thái dân an. Từ đó, làng Thụy Lôi có tục lệ chọn người đóng thế vua, rước vua nên gọi là "rước vua giả" trong lễ hội.

Nhân dân và du khách muôn phương đến tham dự Lễ hội đền Sái.

Nhân dân và du khách muôn phương đến tham dự Lễ hội đền Sái.

Lễ hội đền Sái được dân Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh chuẩn bị rất công phu trong tháng Giêng. Ngày 11, bắt đầu lễ hội. Người được chọn đóng vua tự lên đền Thượng làm lễ tế Đức Thánh Cao Sơn Đại Vương; còn người được chọn đóng chúa lên đền Sái làm lễ thỉnh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ.

Lễ bái xong, vua chúa mới được rước trên kiệu. Đám rước đi trong tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng chiêng trống trầm hùng trang nghiêm mà vẫn nhộn nhịp tưng bừng. Khi đến cánh đồng Chầu, vua làm lễ bái vọng đức thánh Huyền Thiên trên đền Sái rồi cùng các quan trở về đình.

Đình làng trang trí lộng lẫy, cờ xí rợp trời, dinh vua đóng trong sân đình, dinh chúa đặt ngoài đình. Vua ngồi trên ngai sơn son thếp vàng đặt trên một sập cao gần chính giữa đình. Thềm đình bên phải là dinh Quan Đề Lĩnh và dinh Quan Tán Lý. Thềm đình bên trái là dinh Quan Thự Vệ. Phía đầu hồi đình bên phải là dinh Chúa, phía sau dinh Chúa là dinh Quan Trấn Thủ.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động khác như đấu vật cổ truyền, hát dân ca, thi chọi gà... Đặc biệt, sau lễ rước, vua trở về dinh là… nhà mình, ngự trên ngai vàng, bà con làng xóm vui mừng tới dinh vua chúc mừng. Theo các cụ cao niên trong làng, những người được phong vua phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về đức độ, sức khỏe, tuổi tác (trên 70 tuổi)…

Phong tục tốt đẹp này và lễ hội rước vua giả được khôi phục từ những năm 80 của thế kỷ XX, đến nay vẫn được Ủy ban nhân dân xã Thụy Lâm và Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh chỉ đạo tổ chức, duy trì rất đều đặn, đem lại đời sống văn hóa sinh hoạt phong phú, bổ ích, phát huy được giá trị truyền thống văn hóa của nhân dân Đông Anh - Hà Nội và du khách muôn phương đến thăm quan di tích, tham dự lễ hội độc đáo này.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doc-dao-tuc-le-ruoc-vua-gia-tai-le-hoi-den-sai-166523.html