Độc đáo văn hóa ẩm thực ở Bình Xuyên

Huyện Bình Xuyên hiện còn lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó, không thể không kể đến di sản văn hóa ẩm thực truyền thống với nhiều món ăn ngon, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hầu hết các món ăn được người dân địa phương gìn giữ, lưu truyền cho đến ngày nay.

Gia đình chị Trần Thị Kim Cúc, Khu phố 1, thị trấn Hương Canh sản xuất hàng trăm hộp bánh hòn/ngày để phục vụ nhu cầu người dân. Ảnh: Kim Ly

Gia đình chị Trần Thị Kim Cúc, Khu phố 1, thị trấn Hương Canh sản xuất hàng trăm hộp bánh hòn/ngày để phục vụ nhu cầu người dân. Ảnh: Kim Ly

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, huyện Bình Xuyên có nhiều sản vật nông nghiệp và lâm nghiệp phong phú, được người dân sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng.

Ngoài những món ăn có tính chất tương đồng với cư dân nông nghiệp Bắc Bộ, người dân Bình Xuyên còn có những món ăn mang tính đặc trưng, thể hiện sắc thái ẩm thực riêng biệt của vùng đất này.

Những món ăn đời thường, dân dã qua bàn tay chế biến của người nông dân chân lấm, tay bùn trở thành đặc sản vùng miền níu chân du khách. Văn hóa ẩm thực của người dân Bình Xuyên không chỉ thể hiện ở kỹ năng chế biến mà còn cách thưởng thức các món ăn.

Bánh hòn, cháo se là những món ăn dân dã, bình dị của người dân 3 làng Kẻ Cánh, thị trấn Hương Canh còn được lưu truyền đến ngày nay. Gia đình chị Trần Thị Kim Cúc, Khu phố 1, thị trấn Hương Canh là một trong những hộ dân làm bánh hòn, cháo se để phát triển kinh tế gia đình.

Chị Cúc cho biết: "Để làm được mẻ bánh hòn ngon, trước hết cần phải chuẩn bị các loại nguyên liệu như gạo tẻ ngon, thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, hành lá. Gạo được vo sạch, để ráo nước, sau đó, đem giã nhỏ, rây lấy bột mịn, đổ vào chõ hấp khoảng 15 phút. Khi thấy bột nở thì đổ bột ra mâm sạch, chế với nước, khuấy đều cho thật dẻo.

Chờ cho bột nguội bớt thì nhào thật kỹ đến khi bột đủ độ dẻo, không dính tay là được. Thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, hành lá được băm nhỏ, xào với với gia vị để làm nhân bánh.

Bánh được nặn theo hình tròn, kích thước bằng quả táo con, phần nhân bánh ở giữa. Nặn xong, bánh được cho vào chõ hấp đến khi bánh ngả màu trắng trong, hương thơm tỏa ra ngào ngạt thì bánh chín.

Món cháo se được chế biến khá cầu kỳ. Người dân thường chọn thịt lợn ngon, gà ri hoặc chim câu băm nhỏ, ướp gia vị xào lên rồi cho vào nồi nước đang sôi. Bột gạo tẻ sau khi được nhào kỹ được đặt vào giữa hai lòng bàn tay se thật đều, thật chặt để giữ độ dài cho dòng bột đang chảy liên tục xuống nồi nước đang sôi.

Cháo se là món ăn dân dã đòi hỏi người nấu phải thật tỉ mỉ, khéo léo. Ảnh: Kim Ly

Cháo se là món ăn dân dã đòi hỏi người nấu phải thật tỉ mỉ, khéo léo. Ảnh: Kim Ly

Cứ se được khoảng 3 - 4 nắm bột thì lấy đũa đảo nhẹ cho các sợi bột tán ra không bị quấn rối vào nhau. Khi các sợi bột đều nổi lên là nồi cháo đã chín. Những ai đã từng thưởng thức món bánh hòn, cháo se của người dân Hương Canh thường ấn tượng bởi hương vị đậm đà, dẻo quánh của gạo tẻ, hòa quyện với mùi thơm của thịt, hành lá. Đây là hương vị đặc trưng của món ăn này".

Người dân Bình Xuyên xưa truyền tai nhau câu ca dao “Dứa đồng Chùa, cua làng Láng” như lời khẳng định về hương vị thơm ngon của món đặc sản canh cua làng Láng (thị trấn Thanh Lãng).

So với cua ở những nơi khác, cua làng Láng có màu đen, mai có hình “lục lạc” hoặc hình tròn, khi nấu canh có vị béo, thơm và ngọt. Để nấu được nồi canh cua thơm ngon, cần chọn những con cua già, đen chũi, đủ 8 cẳng 2 càng. Cua bắt về đem thả vào chậu nước vo gạo, thái một vài lát ớt cay cho cua nhả hết bùn.

Sau đó, đem cua đi bóc mai, để riêng phần gạch cua. Phần thịt cua được nêm vào một chút muối hạt, xóc đều rồi đổ vào cối giã cho nhuyễn, cho nước vào khuấy đều rồi chắt lấy phần thịt cua. Nước cua lọc xong đem cho vào nồi nấu, không đậy vung, đun sôi lên mới nêm gia vị.

Tùy theo sở thích mỗi người, có thể cho thêm vào nồi canh hành hoa, dọc mùng, quả tai chua hoặc khế. Phần gạch cua được xào riêng với cà chua, đợi đến khi canh gần chín mới đổ vào. Món canh cua làng Láng có màu vàng, có vị đậm đà, béo, ngọt của gạch cua và mùi thơm của hành hoa.

Ngoài những món ăn kể trên, người dân Bình Xuyên còn lưu truyền nhiều món ăn đặc sản khác như cá bò, cá nheo sông Cánh; bánh tẻ làng Bắc Kế và bánh gio làng Quang Vinh (thị trấn Bá Hiến), làng Can Bi (xã Phú Xuân), làng Tam Lộng (xã Hương Sơn); nộm vó cần (thị trấn Hương Canh)…

Đặc biệt, người dân tộc Sán Dìu ở xã Trung Mỹ có nhiều món ăn ngon độc đáo như xôi trứng kiến, xôi đen, thịt lợn ướp thính, bánh nẳng, bánh con, bánh nghé.

Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bình Xuyên Nguyễn Huy Hùng cho biết: "Văn hóa ẩm thực truyền thống trên địa bàn huyện khá phong phú, đa dạng, được chế biến từ sản vật nông nghiệp ở địa phương. Bên cạnh những món ăn được lưu truyền đến ngày nay, có nhiều món đặc sản đã bị mai một do không được thực hành thường xuyên.

Những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng là sự kết tinh của trí tuệ, tài năng, tình cảm của người dân Bình Xuyên, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt, cần được giữ gìn và phát triển".

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/suc-khoe-doi-song/82299/doc-dao-van-hoa-am-thuc-o-binh-xuyen.html