Độc lạ cà phê voi ở Lâm Đồng
Từng nhiều năm chăm sóc đàn thú, bác sĩ thú y Phan Đắc Bảo Đại (43 tuổi, trú xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đã mạnh dạn hiện thực hóa ý tưởng và là chủ một trong những quán cà phê voi đầu tiên ở Việt Nam.
Hiện quán cà phê voi của anh là điểm đến lý tưởng ngay chân đèo Frenn, TP Đà Lạt.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp bác sĩ thú y Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, anh Đại từ quê Phú Yên lên TP Đà Lạt đầu tư trồng hoa, bắp nhưng không thành công. “Cùng với việc làm bác sĩ, tôi làm thêm nhiều công việc khác, năm 2015 tôi bắt đầu làm việc tại vườn thú trên thác Frenn ở Lâm Đồng. Cùng với đó là xây dựng mô hình cà phê voi” - anh Đại cho hay.
Nhờ chuẩn bị kiến thức kĩ càng, mô hình cà phê voi của anh Đại nhanh chóng cho thành quả. “Để hiểu và chăm sóc đàn chồn tốt nhất mỗi ngày tôi dành ra gần 16 tiếng chăm sóc và quan sát tập tính sinh hoạt của chúng” - anh Đại cho biết.
Để làm được cà phê voi phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết phải chọn vườn cà phê chất lượng, không phải cà phê ở đâu cũng có thể làm cà phê voi được. Cà phê phải được trồng ở vùng đất màu mỡ, lượng khoáng chất dồi dào, quả cà phê cho voi ăn phải có cơm dày, ngọt, vỏ mỏng như vậy mới thích hợp để làm cà phê dạng này.
Quả cà phê ngon, đủ tiêu chuẩn sẽ giúp kích thích voi ăn nhiều hơn, như vậy lượng sản phẩm làm ra sẽ nhiều hơn. Trung bình mỗi năm cơ sở của anh Đại sản xuất được từ 3-4 tấn cà phê voi.
Theo kinh nghiệm của anh Đại, để cà phê có hương vị ngon hơn, khi cho voi ăn quả cà phê nên trộn lẫn một số loại hoa quả có mùi thơm khác như: mít, ổi, mía, chuối,... trong quá trình tiêu hóa, các vi sinh vật đường ruột sẽ lên men các loại quả này, đồng thời giúp hương vị của chúng hòa lẫn vào nhau. Trung bình với 100kg quả cà phê, anh Đại sẽ trộn thêm hơn 50kg các loại quả ngọt khác nữa.
“Hạt cà phê sau khi được lấy ra từ phân voi phải được phơi hoặc sấy khô, nếu không hạt cà phê sẽ thâm kim làm biến đổi vị cà phê. Trong quá trình rang cà phê cũng phải để ý nhiệt độ và thời gian rang thích hợp tùy vào nhu cầu của khách hàng” - anh Đại cho hay.
Theo cách làm của anh Đại: “Với thói quen uống cà phê đặc của người Việt tôi sẽ rang cà phê ở nhiệt độ 160 độ trong vòng 20 phút, nhưng với thói quen uống cà phê của khách nước ngoài, thời gian rang sẽ giảm xuống còn khoảng 17 phút”.
Cà phê voi không đơn thuần là sản xuất cà phê ngon, để có những ly cà phê chất lượng nhất, mấu chốt nằm ở những chú voi khỏe mạnh. Quá trình chăm sóc những chú voi phải cực kỳ tỉ mỉ, đặc biệt mỗi khi đến mùa sản xuất cà phê.
Anh Hồ Văn Nhím, 21 tuổi, nhân viên phụ trách chăm sóc voi kể: “Đặc biệt những chú voi lớn tuổi, một ngày phải tắm rửa ba lần. Voi ở đây có độ tuổi từ hơn 20 đến 30 tuổi, mỗi con có một chế độ chăm sóc khác nhau”. Là người chăm sóc voi lâu năm đến giờ anh đã có thể giao tiếp một số điều cơ bản với voi như: quỳ, ngồi, đứng lại,...
Bên cạnh cà phê voi, anh Đại còn sản xuất cà phê chồn với hơn 1 ngàn con. Nhờ có kỹ thuật và cách chăm sóc khoa học đàn chồn của anh Đại sinh trưởng và cho hiệu quả sản xuất cà phê ổn định. Mỗi năm cơ sở của anh thu được từ 2 đến 3 tấn cà phê chồn.
Anh Đại cho biết thêm, quy trình sản xuất cà phê voi và cà phê chồn hoàn toàn giống nhau, nhưng vì sự khác nhau về hệ thống tiêu hóa, hương vị của hai loại cà phê này cho ra hoàn toàn khác nhau: “Cà phê voi có hương vị bay bổng, hương vị của cà phê chồn lại dịu nhẹ, đậm đà, có sự khác nhau này là do hệ tiêu hóa của chồn và voi hoàn toàn khác nhau, voi là động vật ăn cỏ, còn chồn là động vật ăn thịt”.
Không phải thời điểm nào chồn cũng ăn quả cà phê hoặc có những con nó hoàn toàn không ăn quả cà phê nữa, có những người xin mua thịt nhưng tôi chưa bao giờ bán con nào, đối với tôi chồn chính là “ân nhân” vì nhờ chúng mà tôi có công việc, có nghề nghiệp. Tới thời gian chồn không ăn quả cà phê nữa, chúng sẽ được thả về tự nhiên.
Nhờ những ly cà phê chất lượng, cùng với tình yêu dành cho động vật, quán cà phê của anh Đại đã thu hút lượng lớn khách ghé thăm, đặc biệt với những vị khách có tình yêu đặc biệt với cà phê.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/doc-la-ca-phe-voi-o-lam-dong-post424080.html