'Đổi giấy lấy cây' - lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường

ĐBP - 'Mỗi cân giấy, vỏ lon, chai nhựa… được tái chế, bạn sẽ được trả lại một mầm cây cho môi trường' là thông điệp của hoạt động 'Đổi giấy lấy cây' do các em Câu lạc bộ (CLB) Môi trường và Cộng đồng, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức trong những ngày hè vừa qua.

Những chậu cây cảnh nhỏ xinh được lựa chọn để đổi lấy sách, báo cũ.

Trong 3 ngày diễn ra chương trình “Đổi giấy lấy cây”, hơn 500 chậu cây cảnh nhỏ xinh đã được trao đến tay các bạn học sinh, thầy cô trong và ngoài trường. Đổi lại là 1 phòng học chứa kín giấy, báo, sách cũ, vỏ lon, chai nhựa. Em Đỗ Mai Trang, Chủ nhiệm CLB Môi trường và Cộng đồng cho biết: Trên thực tế thì trong mỗi gia đình, cá nhân thường ngày đều sử dụng và thải ra nhiều loại chất thải, trong đó có không ít giấy vụn, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa… Nếu vứt ra môi trường sẽ gây ô nhiễm và cũng rất lãng phí. Vì thế, xuất phát từ ý tưởng muốn lan tỏa phong trào trồng cây xanh và bảo vệ môi trường, chúng em đứng ra thu gom, phân loại những phế liệu này, và đổi lại cho mọi người các cây cảnh nhỏ để trồng. Qua đó mong muốn góp phần nâng cao ý thức xã hội trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Hoạt động được tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhưng không bó hẹp trong phạm vi trường mà bất cứ ai có giấy, sách cũ, vỏ chai nhựa… đều có thể đổi cây. Đối tượng tham gia chủ yếu là học sinh, vì thế cây để đổi cũng được lựa chọn phù hợp với tâm lý, sở thích giới trẻ, như: Sen đá, xương rồng, hạnh phúc… Thông tin về chương trình được CLB phổ biến rộng rãi thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là mạng xã hội. Để việc “đổi giấy lấy cây” mang giá trị tương đồng, các thành viên CLB đã tìm hiểu giá cả thị trường, đặt vấn đề trước với cơ sở thu mua phế liệu. Cứ 3kg giấy, bìa, vở viết, chai nhựa, sách sẽ đổi 1 cây nhỏ; 9 - 10kg phế liệu đổi 1 cây to hơn.

“Phế liệu sau khi gom lại được phân loại, đem bán. Số tiền đó chúng em lại trả cho cơ sở bán cây. Nhưng quan trọng hơn, trong quá trình thực hiện, chúng em thu được rất nhiều sách giáo khoa cũ, vở viết chưa sử dụng… Chúng em đã liên hệ với một số trường học vùng khó của huyện Mường Chà, sau khi hoàn tất chương trình sẽ trao số sách, vở có thể sử dụng này cho các trường, để hỗ trợ các bạn học sinh khó khăn” - em Đỗ Mai Trang, thành viên CLB cho biết thêm.

Em Trần Quốc Thành Nam, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cùng em gái là học sinh lớp 7 chở 39kg sách cũ đến đổi cây. Cả 2 anh em đều hào hứng, vui vẻ khi nhận được 4 chậu cây cảnh. Nam chia sẻ: Em thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa nên đã rủ em gái cùng phân loại, gom giấy, sách, báo trong nhà đem đến đổi. Mong CLB tiếp tục duy trì để mô hình này được biết đến nhiều hơn và lan tỏa rộng rãi”.

Các bạn trẻ chọn cây sau khi quy đổi số cân giấy, sách, báo cũ.

Là sinh viên năm thứ 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang nghỉ hè tại Điện Biên, khi biết thông tin chương trình “Đổi giấy lấy cây”, Nguyễn Thanh Hoa đã mang 12kg giấy đến đổi. Hoa cho biết: “Đây là toàn bộ số sách giáo khoa mà em còn giữ qua các năm học. Thấy hoạt động ý nghĩa của các bạn trẻ, em đã mang đến đổi. Em rất vui vì nhận được chậu cây xinh xắn và biết số sách cũ của mình có thể được trao cho các bạn học sinh khó khăn khác”.

Ngay khi vừa tổ chức triển khai, hoạt động đã thu hút sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ trong khu vực thành phố. Trung bình mỗi ngày có hàng chục bạn trẻ mang sách, vở cũ đến đổi cây. Người ít thì 9 - 10kg giấy, báo, sách, nhiều nhất lên đến 42kg. Vì vậy số cây vượt dự kiến ban đầu từ 200 lên 500 cây. Được biết đây không phải là năm đầu tiên việc “Đổi giấy lấy cây” được CLB tổ chức. Trước đó năm 2019, hoạt động được khởi động, đổi hơn 100 cây cảnh. Năm ngoái do dịch bệnh không tổ chức được. CLB dự kiến duy trì sự kiện này hàng năm.

Cô Lê Thúy Hòa, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: Ngay khi CLB Môi trường và Cộng đồng lên ý tưởng hoạt động “Đổi giấy lấy cây”, nhà trường đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các em triển khai thực hiện, hỗ trợ truyền thông cho các em. Vì đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa, nhất là trong việc giáo dục ý thức, trách nhiệm sống vì môi trường và cộng đồng cho học sinh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/giao-duc/188657/%E2%80%9Cdoi-giay-lay-cay%E2%80%9D---lan-toa-thong-diep-bao-ve-moi-truong