'Đổi gió' để làm mới mình

SEA Games 31 đã cận kề, nhiều đội tuyển gấp rút thực hiện các giải pháp về chuyên môn nhằm có thể đóng góp tốt nhất vào thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong số này, việc 'đổi gió' để vận động viên (VĐV) làm mới mình đang được thực hiện hiệu quả ở nhiều đội.

Đội Muay Việt Nam tập huấn tại Thái Lan. Ảnh: Ngọc Dương

Đội Muay Việt Nam tập huấn tại Thái Lan. Ảnh: Ngọc Dương

Không dễ xuất ngoại

Năm 2003, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 22, các VĐV Việt Nam đã được tạo điều kiện tốt nhất để tập huấn ở nước ngoài. Hàng loạt VĐV Hà Nội đã tập huấn dài hạn tại Trung Quốc và có đóng góp đang kể vào ngôi vô địch toàn đoàn đầu tiên và duy nhất đến nay của thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games.

Nhưng đến trước SEA Games 31 - năm 2022, khi thế và lực của thể thao Việt Nam đã vững vàng thì câu chuyện tập huấn ở nước ngoài không đơn giản. Dịch Covid-19 tác động mạnh đến thể thao Việt Nam, những ngày cấm trại liên tục để phòng dịch đã gây ảnh hưởng đến tâm lý, không khí tập luyện của VĐV. Thậm chí, có người từng xin rời đội tuyển vì gặp khó khăn về tâm lý khi chỉ quanh quẩn trong phòng tập, nơi ăn ngủ trong nhiều tháng, không thể về thăm gia đình. Hơn nữa, cũng vì dịch Covid-19 nên không ít đội tuyển đành lỡ hẹn với các chuyến tập huấn ở nước ngoài, vốn được xem là khâu quan trọng để nâng cao thành tích cho VĐV.

Ông Phùng Lê Quang, phụ trách bộ môn Đấu kiếm (Tổng cục Thể dục Thể thao) cho hay, dù đã lên kế hoạch kỹ lưỡng từ cuối năm ngoái nhưng do tình hình dịch Covid-19 phức tạp tại Hàn Quốc hay lo ngại về sự an toàn tại Georgia đã khiến chuyến tập huấn của đội tuyển đấu kiếm quốc gia, dự kiến diễn ra trong tháng 4-2022, không thể thực hiện.

Theo ông Lê Huy, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng bàn quốc gia, cũng do dịch Covid-19 nên đội tuyển bóng bàn cũng không thể đi tập huấn tại Trung Quốc, dù đây là nơi có nhiều giải đấu, đối tượng thi đấu phù hợp, giúp các tay vợt Việt Nam dễ nâng trình độ. Tương tự đội tuyển bóng bàn, nhiều đội thường xuyên chọn Trung Quốc để tập huấn như wushu, cử tạ, điền kinh... cũng không thể thực hiện được kế hoạch xuất ngoại. Đó thực sự là điều thiệt thòi đối với các VĐV trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31.

Linh hoạt trong khó khăn

Dù vậy, đã có một số đội tuyển thực hiện được chuyến tập huấn ở nước ngoài nhờ huy động tốt các mối quan hệ quốc tế của những người làm chuyên môn. Đó là đội tuyển bóng đá nữ quốc gia (đang tập huấn tại Hàn Quốc), đội boxing và đội Muay quốc gia (đang tập huấn tại Thái Lan). Thông tin từ các đội này đưa về thực sự tích cực. Đội boxing quốc gia đã giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng tại Giải boxing Thái Lan mở rộng. Cũng ở giải này, tay đấm Hà Nội Nguyễn Thị Tâm ngoài việc giành Huy chương Vàng còn được trao danh hiệu VĐV nữ xuất sắc nhất giải, đồng thời cô cũng có cái nhìn rõ hơn về đối thủ của mình tại SEA Games 31.

Ở những chuyến thi đấu tại nước ngoài, ngay cả thất bại cũng có ý nghĩa. Như việc võ sĩ nam hàng đầu Việt Nam Nguyễn Văn Đương đã thua kỹ thuật trước một tay đấm người Philippines, cho thấy khó khăn đang đợi đội boxing nam tại SEA Games tới. “Nếu chỉ tập huấn trong nước thì sẽ khó nhận ra điều này. Chỉ có tập huấn, thi đấu ở nước ngoài mới giúp VĐV biết mình đang ở đâu” - ông Nguyễn Như Cường, huấn luyện viên đội tuyển boxing nữ quốc gia cho hay.

Với đội Muay quốc gia, chuyến tập huấn tại Thái Lan được thực hiện từ ngày 2 đến 30-4. Đó là chuyến tập huấn đầu tiên của đội kể từ năm 2019. Các VĐV đều hưng phấn khi được chuyên gia Muay hàng đầu của Thái Lan là Sathian Somkhao trực tiếp chỉ giáo. VĐV đội Muay Nguyễn Doãn Long cho rằng, việc được tập huấn tại Thái Lan đã giúp giải tỏa rất nhiều về mặt tâm lý và anh tự tin hơn khi hướng đến SEA Games 31.

Không may mắn được tập huấn ở nước ngoài như nhiều đồng nghiệp, nhiều đội tuyển chọn cách di chuyển đến những địa điểm khác trong nước để rèn tập nhằm giúp VĐV thay đổi môi trường, qua đó có tâm lý tốt hơn. Như đội wushu quốc gia, thay vì đến Trung Quốc tập huấn như nhiều kỳ SEA Games trước, lần này đội tán thủ (đối kháng) nam và nữ đều di chuyển vào Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng để VĐV nâng cao thể lực cũng như tạo tâm lý thoải mái. HLV Phan Quốc Vinh của đội tán thủ nam cho rằng, đây là việc cần thiết để VĐV giải tỏa căng thẳng, thêm hưng phấn trong tập luyện. Tại SEA Games 31, đội tán thủ nam đặt mục tiêu giành tối thiểu 1 Huy chương Vàng.

Trong khi đó, các VĐV chạy ở cự ly trung bình và dài của đội điền kinh quốc gia đã di chuyển vào Huế để thay đổi môi trường tập luyện.

Thực sự, hành trình chuẩn bị cho SEA Games 31 của thể thao Việt Nam không giống với bất cứ đợt chuẩn bị nào trước đây. Như nhận định của ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao thì đây là lúc các VĐV cần chứng tỏ bản lĩnh vượt khó để hoàn thành mục tiêu chung.

Minh An

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/1029426/doi-gio-de-lam-moi-minh