Đòi hỏi từ yêu cầu phát triển

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là đòi hỏi khách quan trong quá trình phát triển của nước ta. Từ Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011), cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Về thực chất, cơ cấu lại nền kinh tế là sự thay đổi một cách căn bản việc huy động và phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Còn đổi mới mô hình tăng trưởng là sự thay đổi cách thức, động lực bảo đảm sự tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế được gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bởi không đổi mới mô hình tăng trưởng, mọi sự thay đổi cơ cấu sẽ không có định hướng.

Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng, mô hình tăng trưởng tiếp tục chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Cùng với đó, các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế được cơ cấu lại, đạt nhiều kết quả tích cực; các ngành kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng lên. Kinh tế vùng phát triển theo hướng liên kết; tốc độ đô thị hóa nhanh, bước đầu gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nông thôn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Kết quả tích cực của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới tăng trưởng không chỉ là việc khắc phục những yếu kém nội tại, mà còn đáp ứng được những đòi hỏi phát triển của đất nước, chủ động thích ứng với những thay đổi của bối cảnh quốc tế và khu vực.

Đương nhiên, một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, một mô hình tăng trưởng năng động, bền vững không thể xây dựng trong một sớm một chiều. Đó là quá trình tích lũy những nhân tố tăng trưởng mới, tạo lập vững chắc các nền tảng thể chế, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời phải giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, đặc biệt là việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh…

Thành tựu của việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đánh giá là khá toàn diện, song thách thức ở phía trước còn không ít. Đó là việc phải tăng nhanh hơn nữa năng suất lao động đi đôi với khai thác hiệu quả khoa học - công nghệ; đưa công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu; hình thành được ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt; cải thiện hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước; tăng cường hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân… Hơn hết, cải cách thể chế cần phải thực hiện nhất quán, toàn diện cùng với cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước; dựa trên công nghệ làm khâu đột phá, phải luôn được cập nhật, đổi mới theo yêu cầu phát triển trong quá trình thực hiện. Tin tưởng rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đề ra chủ trương, giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong thời kỳ mới, tạo động lực phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/989718/doi-hoi-tu-yeu-cau-phat-trien