'Đói lũ', nhiều đô thị ở Tây Nam Bộ vẫn ngập, vì sao?
Năm nay nước lũ về muộn, mực nước lại thấp nhưng nhiều đô thị tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: TP Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long… vẫn bị ngập sâu.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng chính việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún đất, thu hẹp không gian chứa lũ khiến hạ nguồn ngập nặng.
Vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11, các đô thị tại ĐBSCL ngập nặng. Điều đáng nói năm nay lũ về thấp nhưng những đô thị trên vẫn ngập sâu, gây khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Giải thích về điều này, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho biết có 4 nguyên nhân gây ngập cho các đô thị ở ĐBSCL.
Đầu tiên về chế độ thủy triều, vùng giữa ĐBSCL chịu ảnh hưởng thủy triều biển Đông, chế độ bán nhật triều không đều, có sự biến thiên theo ngày, tháng và năm. Trong ngày có hai lần nước lên gọi là nước lớn, hai lần nước xuống gọi là nước ròng. Chu kỳ như vậy cứ lặp lại, hôm sau trễ hơn hôm trước 45 phút. Trong một tháng có hai lần nước cao (còn gọi là nước rong) vào gần ngày rằm và 30 âm lịch.
Trong năm nay con nước 30/8 và rằm tháng 9 âm lịch gây ngập. Con nước rong ngày 30/8 gây ngập nhiều nhất, vì lúc đó lực thủy triều từ biển đẩy vào gặp nước lũ sông Mê Kông đẩy xuống, gặp nhau ở vùng giữa đồng bằng từ khoảng quốc lộ 1 ra biển. Nước ở vùng giữa dội lại, dâng cao lên. Riêng con nước rằm tháng 9 âm lịch gây ngập nhẹ vì khi đó nước Mê Kông đã hạ xuống, chỉ còn thủy triều nên ngập ít hơn.
Tiếp đó, ĐBSCL đang lún rất nhanh, với tốc độ trung bình khoảng 1,1 cm/năm, có những nơi đến 2,5 cm/năm. Trong 25 năm qua, TP Cần Thơ nằm trong vùng đã sụt lún tích lũy khoảng 20cm. Vì vậy nếu so sánh thủy triều bây giờ bằng với thủy triều trước đây thì Cần Thơ vẫn ngập sâu hơn khoảng 20cm do sụt lún.
Nguyên nhân tiếp theo là do nước biển dâng. Tốc độ nước biển dâng trung bình khoảng 3 mm/năm, dù chậm nhưng tích lũy. Và nguyên nhân thứ tư là ĐBSCL thiếu không gian cho nước lan tỏa. Nước biển không tràn vào gây ngập nhưng truyền động lực vào nội địa, đẩy nước sông chảy ngược vào, gặp nước sông Mê Kông đổ xuống thì hai lực gặp nhau làm nước vùng giữa dâng lên trong vài giờ nước lớn.
“Những vùng giữa làm đê bao khép kín khắp nơi nên nước thiếu không gian lan tỏa. Vì vậy, nước sẽ ngập ở những nơi mà nó tìm được không gian là các nội ô đô thị, vùng giữa phía dưới quốc lộ 1 như: Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), TP Cần Thơ, Vĩnh Long… và các tuyến giao thông”, thạc sĩ Thiện phân tích.
Theo PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL đang gặp 3 thách thức: Việc xây dựng các đập thủy điện từ thượng nguồn, nước biển dâng và vấn đề nội tại của vùng. Trong vấn đề nội tại, việc khai thác nước ngầm để dùng cho sản xuất, sinh hoạt đang làm vùng sụt lún và hiện tượng này diễn ra nhanh gấp nhiều lần so với nước biển dâng. Chính vì vậy TP Cần Thơ càng ngày càng ngập nghiêm trọng.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH Cần Thơ) nhận định: “Nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, nước thải sinh hoạt. Các tầng chứa nước ở độ sâu khoảng 120 m bị khai thác nhưng khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt, dẫn đến rủi ro cạn kiệt gây sụt lún. Hiện trạng tổng lượng nước ngầm khai thác trên 2 triệu m³/ngày được đánh giá là khai thác quá mức, có thể dẫn tới sụt lún ở ĐBSCL, một trong những nguyên nhân khiến những đô thị ngập nặng”.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH cho rằng việc làm đê bao khép kín đã thu hẹp không gian chứa lũ tại vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, cộng với tác động của thủy triều từ biển Đông gây ra tình trạng ngập tại các đô thị ở đồng bằng. Càng thu hẹp không gian chứa lũ của hai vùng trên thì lũ càng tràn xuống vùng hạ nguồn.
Trước tình hình ngập lụt tại các đô thị, ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, trong ngắn hạn cần nâng cấp những đoạn đường bị ngập hoặc làm đê bao bảo vệ các đô thị nhưng việc này cần cân nhắc về kinh phí và tác dụng phụ. Đê bao sẽ cản được triều từ sông vào nội ô nhưng đồng thời làm khó thoát nước mưa từ nội ô ra sông.
ThS Nguyễn Hữu Thiện cũng lo lắng trường hợp không có triều cường nhưng đô thị lại bị úng khi có mưa lớn vì nước mưa khó thoát. Thêm vào đó, hệ thống kênh rạch tự nhiên trong nội ô đã bị san lấp rất nhiều, khó thoát nước. Về kinh phí cần cân nhắc, bởi vì việc ngập do triều như vừa qua thực tế chỉ xảy ra khoảng hai lần mỗi năm vào kỳ nước rong 30-8 và rằm tháng 9 âm lịch. Mỗi kỳ khoảng 3 ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giờ vào những giờ nước lớn.
Về lâu dài, vấn đề sụt lún của toàn đồng bằng mới đáng lo ngại. Do đó, cần giảm sử dụng nước ngầm, vì càng khai thác nước ngầm thì ĐBSCL càng sụt lún. Thay vào đó cần sử dụng nước sông nhưng để có nước sạch thì cần cải cách nền nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm xả thải ra sông ngòi…
ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng việc thay đổi nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ từ giảm số lượng, tăng chất lượng và giá trị sẽ giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu bảo vệ sông ngòi. Khi cư dân đồng bằng sử dụng được nước sông như trước đây chỉ vài chục năm thì họ giảm sử dụng nước ngầm, hạn chế tình trạng bị sụt lún.
ThS Nguyễn Hữu Thiện thông tin thêm, tình hình nước ĐBSCL từ đầu năm đến tháng 9/2020, mực nước tại các trạm trên sông Mê Kông thấp do hiện trượng El Nino. Nhưng từ tháng 9 trở đi đã chuyển sang La Nina gây mưa nhiều hơn nên nước tại các trạm trên sông Mê Kông đã cao hơn cùng kỳ khoảng 2m.
“Mùa khô sau Tết 2021, vùng bán đảo Cà Mau không lo hạn - mặn vì nước ngọt vùng này chủ yếu là nước mưa, ít chịu ảnh hưởng của nước sông Cửu Long. Đang có hiện tượng La Nina nên năm nay vùng này sẽ đủ nước. Còn lại vùng cửa sông Cửu Long, mặn có thể xâm nhập nhưng sẽ không gay gắt như mùa khô 2020. Tôi ước lượng TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) sau Tết không bị mặn bao vây nghiêm trọng như đầu năm nay”, ThS Nguyễn Hữu Thiện nói.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/doi-lu-nhieu-do-thi-o-tay-nam-bo-van-ngap-vi-sao-619828/