Đổi mới cơ chế, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao

Ngày 16/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 911/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 18/10 vừa qua, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch quan trọng này.

Hình minh họa

Hình minh họa

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong những năm qua đã từng bước được hoàn thiện

Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra phương hướng phát triển mạng lưới trung tâm văn hóa ở trong nước.

Cụ thể: Một là, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực và kinh phí hoạt động để bảo đảm 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa-thể thao; 100% thôn, bản và tương đương có Nhà văn hóa-Khu thể thao. Các Trung tâm văn hóa cấp tỉnh, Trung tâm văn hóa-thể thao cấp huyện, xã và Nhà văn hóa-Khu thể thao thôn, bản và tương đương đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hai là, đổi mới phương thức tổ chức, quản lý, vận hành, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả sử dụng của các trung tâm văn hóa ở trong nước phù hợp với tình hình thực tiễn của các ngành, các địa phương, theo hướng đa năng, tổng hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Ba là, quan tâm hỗ trợ, đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao của tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, viên chức, người lao động, thanh thiếu nhi và Nhân dân trên địa bàn.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, với mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia nói chung, mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói riêng đồng bộ, hiện đại, bản sắc,... đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; đảm bảo công bằng trong tham gia, hưởng thụ của nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ... Cục Văn hóa cơ sở đã khái quát thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về thực trạng, Cục Văn hóa cơ sở cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, toàn quốc hiện có 42 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao. Có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm văn hóa, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh,...); 689/705 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà Văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 97,7%; 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỷ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp... có Nhà Văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%). Có 56 đơn vị Cung, Nhà Thiếu nhi, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi cấp tỉnh và 106 Nhà Thiếu nhi cấp huyện. Hệ thống công đoàn có 50 thiết chế văn hóa, thể thao.

Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong những năm qua đã từng bước được hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động; cơ chế, chính sách đối với nguồn nhân lực được quan tâm, kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bất cập, hạn chế như: việc xây dựng và đầu tư thiết chế thuộc tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên chưa đạt mục tiêu đặt ra; chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao của các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của sự phát triển kinh tế-xã hội; đội ngũ cán bộ tác nghiệp văn hóa, thể thao cơ sở ở một số địa phương còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn do công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chưa được quan tâm đúng mức; một số địa phương chưa quan tâm phân bổ đúng mức đối với nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; công tác tuyên truyền về vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên; việc xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được quan tâm đúng mức...

Đổi mới cơ chế, triển khai các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao

Từ thực tiễn nêu trên, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho rằng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Một là, đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát tổng thể, sửa đổi, bổ sung theo quy định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Bố trí các nguồn lực cho phát triển văn hóa, thể thao bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu được xác định cụ thể thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các dự án, đề án... về phát triển văn hóa, thể thao.

Tăng cường phân cấp, phân quyền về đầu tư, tài chính trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao. Quan tâm các thiết chế phục vụ thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người lao động tại các khu công nghiệp. Ưu tiên đầu tư cho các vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện mục tiêu từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của Nhân dân ở các vùng, miền, khu vực trong cả nước.

Đổi mới cơ chế, triển khai các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức, cá nhân.

Hai là, đối với cơ quan trung ương các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, bà Ninh Thị Thu Hương cho rằng, cần nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao về xây dựng các dự án đầu tư, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, viên chức, người lao động, thanh thiếu nhi...

Chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương phối hợp đồng bộ với ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức hiệu quả hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn Lao động các địa phương phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thể dục thể thao cho công nhân, người lao động tại thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo Đoàn thanh niên cơ sở tại xã, thôn chủ động và hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, sinh hoạt Câu lạc bộ...tại thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn.

Ba là, đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cần tiếp tục hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp theo quy định tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.

Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tỉnh; bố trí đủ quỹ đất theo quy định và ngân sách để đầu tư xây dựng, hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật và công năng sử dụng; đầu tư, mua sắm, trang thiết bị, cơ sở vật chất, phương tiện chuyên dùng đồng bộ; đảm bảo kinh phí hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; rà soát, đánh giá quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp để điều chỉnh theo quy định về vị trí, quy mô và cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đảm bảo tính kịp thời, công bằng và có sự động viên, khích lệ./

Bảo Trân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/doi-moi-co-che-huy-dong-nguon-luc-xa-hoi-cho-dau-tu-xay-dung-quan-ly-van-hanh-thiet-che-van-hoa-the-thao-20241024153352417.htm