Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng trong nhà trường

'Chúng em kể chuyện Bác Hồ' là mô hình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống khá mới mẻ, hiệu quả và thú vị mà trường THPT Lạc Sơn (Lạc Sơn) triển khai từ năm học 2019 - 2020. Mỗi tuần, một câu chuyện về Bác sẽ được chuyển tải đến thầy trò nhà trường qua hình thức sân khấu hóa, được đánh giá là dễ nhớ, dễ hiểu, thấm sâu hơn so với hình thức truyền thống là 1 học sinh, hoặc thầy, cô giáo đứng kể chuyện.

Thử nghiệm tự động chuyển đổi văn bản thành tiếng nói Tiếng Việt (Viettel)

Your browser dose not Support the audio Tag

Mô hình "Chúng em kể chuyện Bác Hồ" là cách làm mới mẻ, hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức cách mạng của trường THPT Lạc Sơn (Lạc Sơn).

Mô hình "Chúng em kể chuyện Bác Hồ" là cách làm mới mẻ, hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức cách mạng của trường THPT Lạc Sơn (Lạc Sơn).

Cùng với trường THPT Lạc Sơn, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã có những đổi mới mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao hiệu quả việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HS, SV).

Cô giáo Đinh Thị Thanh Tươi, Hiệu trưởng trường THPT Lạc Sơn cho biết: Nhà trường hiện có 24 lớp, với 879 học sinh. Cùng với việc nâng cao chất lượng chuyên môn dạy và học, vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho HS luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, với sự bùng nổ của các thiết bị thông tin giải trí, thì cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp mới mang lại hiệu quả. Nếu chỉ đơn thuần là những bài giảng, kể chuyện khô cứng, đơn điệu sẽ khiến cho HS nhàm chán, không hứng thú, hiệu quả không cao.

Do đó, nhà trường nhận thấy sân khấu hóa là một hình thức phù hợp. Mỗi tuần, 1 lớp (1 chi đoàn) có nhiệm vụ chuẩn bị một câu chuyện về Bác, để chuyển tải đến HS toàn trường vào sáng thứ 2 đầu tuần, thông qua hình thức sân khấu hóa. Để dàn dựng một câu chuyện, các em sẽ phải tìm hiểu, cùng nhau bàn bạc về việc xây dựng kịch bản, phân vai và luyện tập. Sau hơn 1 học kỳ triển khai cho thấy, các em rất hào hứng, tích cực tham gia; cách làm này cho thấy hiệu quả hơn hẳn so với việc kể chuyện truyền thống.

Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV, những năm qua, Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng nội dung, hình thức đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học. Các trường tiểu học, THCS, THPT triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung dạy học các môn Đạo đức, Giáo dục công dân của chương trình giáo dục hiện hành. Lựa chọn nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa có giá trị, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và sự phát triển của HS, của xã hội, thời đại. Các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp chuyên nghiệp chú trọng bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống, lòng tự hào dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật; lối sống nhân ái, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội.

Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, tạo môi trường để HS, SV thể hiện năng lực, phẩm chất cá nhân. Qua việc tham gia các hoạt động tập thể, các em có cơ hội rèn luyện những tố chất cần thiết, phát hiện những nhân tố mới, từ đó có nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp, hiệu quả giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục.

Vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm như Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12)…, các nhà trường tổ chức những hoạt động sinh hoạt ngoại khóa bổ ích, ý nghĩa như: hội trại, hái hoa dân chủ thi tìm hiểu kiến thức về lịch sử và cách mạng, mời các cựu chiến binh đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu đến nói chuyện… Giờ chào cờ đầu tuần cũng được các nhà trường sáng tạo tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa, bổ ích, có tính giáo dục cao như "30 phút vàng” (trường PT DTNT THPT tỉnh)… Các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức cho học sinh thi trực tuyến tìm hiểu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: Việc đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục đã tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng được tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Tạo sự chuyển biến căn bản về đạo đức, nếp sống văn hóa, phát triển toàn diện, ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế... Thông qua đó cũng tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của mỗi cán bộ, viên chức, giáo viên; tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được nâng lên; lề lối làm việc được cải thiện; hiệu lực, hiệu quả công việc các nhà trường ngày càng cao.

Dương Liễu

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/141071/doi-moi-cong-tac-tuyen-truyen,-giao-duc-ly-tuong-cach-mang-tr111ng-nha-truong.htm