Đổi mới khen thưởng, kỷ luật và đánh giá học sinh
Ngay sau khai giảng năm học mới 2020-2021, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh tại cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các quy định về khen thưởng, kỷ luật và đánh giá học sinh cũng được Bộ lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện.
Đổi mới khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư mới dự kiến thay thế Thông tư 08/TT ban hành từ năm 1988, được xem đã quá lỗi thời.
Nổi bật là không ghi kỷ luật vào học bạ, không còn khái niệm đuổi học đối với học sinh vi phạm.
Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh phổ thông (gọi tắt là Thông tư) đang soạn thảo đã bãi bỏ quy định phê bình trước lớp, trước toàn trường khi học sinh mắc lỗi (tùy theo mức độ).
Thay vào đó, dự thảo thông tư mới yêu cầu không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh, đồng thời đưa ra các biện pháp được coi là “kỷ luật tích cực” với từng học sinh.
Theo dự thảo thông tư mới, mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho cụm từ “đuổi học” trong quy định hiện hành.
Nếu như thông tư hiện hành áp dụng biện pháp kỷ luật đuổi học ít nhất là 1 tuần và nhiều nhất là 1 năm với học sinh vi phạm các khuyết điểm (tùy mức độ), thì dự thảo thông tư mới nêu: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm”.
Nếu như trong quy định hiện hành giao cho “gia đình học sinh có trách nhiệm quản lý và giáo dục con cái trong thời gian học sinh bị đuổi học”, thì dự thảo quy định mới đưa ra nhiều biện pháp linh hoạt hơn.
Ví dụ, trong thời gian tạm dừng học tập trên lớp, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh,…
Dự thảo thông tư mới được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 31/10/2020 trước khi ban hành chính thức.
Đổi mới đánh giá học sinh từ cấp tiểu học đến THPT
Quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành cho phép giáo viên có thể đánh giá học sinh bằng nhiều cách khác nhau, thay vì chỉ làm bài kiểm tra trên giấy; việc khen thưởng học sinh cũng thay đổi.
Bộ GD&ĐT mới ban hành Thông tư quy định Đánh giá học sinh tiểu học. Thông tư được xây dựng trong bối cảnh từ năm học 2020-2021, Việt Nam triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 cấp tiểu học.
Theo quy định mới, giáo viên có thể sử dụng nhiều phương pháp như: quan sát; vấn đáp; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh; kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Giáo viên đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục của học sinh, về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học trò.
Kế thừa việc khen thưởng theo các quy định hiện hành, Thông tư mới cụ thể hóa việc viết trên giấy khen nhằm khắc phục hạn chế, tiêu cực về việc khen thưởng. Theo đó, vào cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu “học sinh xuất sắc” hoặc “học sinh tiêu biểu” hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh thực sự xứng đáng, được tập thể lớp công nhận.
Việc khen thưởng đột xuất được áp dụng với học sinh có thành tích đột xuất trong năm học. Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng.
Bên cạnh đó, quy định mới về giá học sinh tiểu học bổ sung hình thức “thư khen”trong hoạt động khen thưởng học sinh.
Theo quy định mới ở hai thông tư sửa đổi do Bộ GD&ĐT vừa ban hành, việc đánh giá điểm số cấp tiểu học đến THPT đều thay đổi. Đặc biệt, lần đầu tiên cho phép kiểm tra, đánh giá học sinh trên máy tính.
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, điểm kiểm tra/đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1; điểm kiểm tra/đánh giá giữa kì tính hệ số 2 và điểm kiểm tra/đánh giá cuối kì tính hệ số 3.
Trong mỗi học kì, số điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ của một học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm cả chủ đề tự chọn) được quy định cụ thể hơn. Cùng với đó, có thêm danh hiệu “đạt thành tích nổi bật”.
TS Sái Công Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT), cho biết, điểm mới đáng chú ý của Thông tư 26 là tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây.
Việc đánh giá bằng nhận xét nhằm hiện thực mục tiêu định hướng đánh giá phẩm chất, năng lực người học; hay nói cách khác là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.
Đặc biệt, ở Thông tư 26, ngoài danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến như hiện hành, còn có thêm danh hiệu học sinh đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện.
Điều kiện để được công nhận học sinh giỏi cũng mở rộng khi đưa môn Ngoại ngữ vào vị trí tương xứng với môn Toán, Ngữ văn nhằm đẩy mạnh việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông.
Tăng cường các biện pháp an toàn tại trường học
Tuần qua, một số vụ tai nạn thương tích đã xảy ra tại trường học thuộc một số địa phương. Ngay sau vụ tai nạn sập cổng trường ở Lào Cai, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trong trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Theo đó, ngày 8/9, Bộ GD&ĐT đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố đề nghị lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa nếu cơ sở vật chất trong trường bị hư hại, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Nếu công trình hết niên hạn hoặc không đạt chuẩn, chưa được cải tạo thì không được sử dụng.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc công văn 64 năm 2018 về việc cải tạo, bảo trì cơ sở vật chất trường học, thực hiện đúng an toàn phòng cháy chữa cháy và kiểm tra định kỳ công trình.
Một số vụ tai nạn như sập tường rào, cổng trường, trần lớp học đã xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là trường học được xây dựng từ lâu nhưng không được cải tạo, bảo trì đúng quy định và cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác đánh giá, kiểm tra.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh thành phải rà soát cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho học sinh ngay từ đầu năm học 2020-2021.