Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ y tế dự phòng theo hướng hội nhập quốc tế
Đội ngũ bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ làm công tác dự phòng đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng. Vì vậy, việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng ngày càng phải nâng cao để đáp ứng tình hình mới
Những năm qua, lĩnh vực y tế dự phòng đã có nhiều kết quả đáng mừng. Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, như: dịch SARS năm 2003, dịch Cúm A/H5N1, H1N1 năm 2009... và đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19. Ngoài ra, ngành y tế dự phòng cũng đã thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt; giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin; duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%...
Tại Hội thảo về công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng do Bộ Y tế tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y Tế đã phát biểu rằng, công tác đào tạo, sử dụng nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ y học dự phòng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như chưa xác định rõ vai trò, vị trí việc làm; chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám, chữa bệnh; điều kiện làm việc còn khó khăn... Vì vậy làm cho số sinh viên học bác sĩ y học dự phòng và chọn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm.
Có được thành tích lớn lao trong công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng và các lĩnh vực dự phòng bệnh nói chung, chúng ta không thể quên công tác đào tạo nhân lực khối y tế dự phòng. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện đáp ứng khoảng 42% nhu cầu nhân lực cần có.
Hàng năm có một số lượng lớn nhân lực y tế dự phòng được đào tạo, tốt nghiệp, tuy nhiên số lượng nhân lực cán bộ làm trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực ở cả trung ương và địa phương do một số bác sĩ sau khi tốt nghiệp làm trái ngành nghề đào tạo, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế làm trong lĩnh vực dự phòng còn chưa thỏa đáng với khối lượng và tính chất công việc…
Nguồn nhân lực y tế dự phòng vừa thiếu vừa yếu, nhiều bác sĩ hệ y tế dự phòng từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy. Chương trình đào tạo chưa có sự thống nhất, chậm đổi mới. Cơ sở vật chất trang thiết bị cho đào tạo còn thiếu và lạc hậu…
Theo quy định của Chính phủ, hiện không còn bằng bác sĩ y học dự phòng. Dù đào tạo 6 năm lại chưa được quy định văn bằng bác sĩ y học dự phòng trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP (tại Điều 15 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù chỉ có bằng: bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học học cổ truyền, bằng dược sĩ). Việc không còn quy định bằng bác sĩ y học dự phòng dẫn đến nguy cơ các sinh viên đang theo học ngành bác sĩ y học dự phòng tại các cơ sở đào tạo từ năm 2020 đến nay sẽ có thể không được cấp bằng sau khi tốt nghiệp.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, trong bối cảnh tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng, tình trạng già hóa dân số, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực y tế dự phòng phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Điều này đòi hỏi đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nước ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo y tế dự phòng bằng cách thu hút người học, vạch rõ lộ trình phát triển nghề nghiệp, cơ hội việc làm sau khi đào tạo xong. Từ đó người học sẽ yên tâm học và phát triển nghề nghiệp. Cùng với đó có chế độ đãi ngộ, nguồn đầu tư thỏa đáng vào nhân lực y tế dự phòng.