Đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đảng

Trên cơ sở các chương trình, đề án của Tỉnh ủy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Bát Xát đã ban hành các đề án, kế hoạch phù hợp với thực tế của địa phương để lãnh đạo thực hiện.Đồng chí Giàng Thị Dung, Bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện ủy xác định hướng mạnh về cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, đồng thời thường xuyên làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Đặc biệt, lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm để lãnh đạo thực hiện, tạo bước đột phá.

Ví như lĩnh vực nông nghiệp, Bát Xát tập trung phát triển rau trái vụ, rau an toàn ứng dụng công nghệ cao; nuôi ngựa hàng hóa và đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Hoặc trong xây dựng nông thôn mới, huyện lựa chọn xã nông thôn mới, thôn nông thôn mới, sau này, cách làm của huyện Bát Xát đã được tỉnh nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh. Nhờ cách làm này, đến hết năm 2018, số xã “về đích” nông thôn mới của Bát Xát đã hoàn thành chỉ tiêu của cả giai đoạn 2015 - 2020 đề ra.

Lãnh đạo Tỉnh ủy thường xuyên nắm tình hình cơ sở để chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Lãnh đạo Tỉnh ủy thường xuyên nắm tình hình cơ sở để chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Hoặc như chương trình giảm nghèo, xã Dền Thàng thuộc diện nghèo nhất huyện Bát Xát (hộ nghèo chiếm trên 70%) đã có đề án riêng, tập trung nguồn lực đầu tư. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn trên 36%. Bát Xát cũng là địa phương duy nhất trong tỉnh hằng năm đều bố trí ngân sách cho nhân dân toàn huyện đón Tết Nguyên đán. Cụ thể, năm 2016 và năm 2017, mỗi hộ được 70.000 đồng; năm 2018 tăng lên 80.000 đồng; năm 2019 là 100.000 đồng/hộ.

Tương tự, tại huyện Bảo Yên, việc lãnh đạo của Huyện ủy trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp được gói gọn trong khái niệm “5 cây, 3 con” để thực hiện tái cơ cấu kinh tế ngành. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thông qua lựa chọn phát triển mạnh “5 cây, 3 con” (gồm: Chè, sả, dâu tằm, quế, hồng không hạt; trâu, gà đồi và vịt bầu) với kỳ vọng trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần nâng giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp lên 71 triệu đồng, tăng 24 triệu đồng so với năm 2015. Đồng thời, giúp Bảo Yên khai thác, phát huy được thế mạnh đất đai, khí hậu và trình độ canh tác của người dân, tạo sức bật mới cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Giá trị gia tăng ngành năm 2019 đạt 995 tỷ đồng, tăng 360 tỷ đồng so với năm 2015 và “về đích” sớm hơn 1 năm so với mục tiêu nghị quyết đại hội. Trên bình diện chung, quy mô nền kinh tế của Bảo Yên sau 4 năm thực hiện các chương trình, đề án của nhiệm kỳ đại hội tăng trưởng gấp 2 lần so với năm 2015.

Theo đồng chí Dương Đức Huy, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện đã xây dựng 4 chương trình, 16 đề án trên các lĩnh vực cụ thể làm “giá đỡ” cho sự phát triển toàn diện của địa phương. Công tác lãnh đạo của Huyện ủy không chỉ bằng các chỉ thị, nghị quyết mà còn đồng hành với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thể hiện qua việc kịp thời giải quyết những vướng mắc tại cơ sở. Cốt lõi chính là thực hiện giao việc, phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với hiệu quả công việc, từ đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đánh dấu nhiều đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Sự đổi mới được thực hiện ngay từ Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đến cấp ủy đảng các cấp. Đơn cử, ngoài việc thực hiện tốt chế độ họp định kỳ hằng tuần theo quy chế làm việc, Thường trực Tỉnh ủy đã lựa chọn những vấn đề quan trọng để giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu, đề xuất, thẩm định và định hướng xây dựng những đề án quan trọng nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, sau đó trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định; chủ động đề xuất với Ban Thường vụ các chủ trương, biện pháp đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc trong sinh hoạt của cấp ủy. Qua đó, đã xử lý kịp thời những công việc hằng ngày của Đảng bộ, tạo sự chủ động trong hoạt động cho các cấp ủy, ban, ngành, đoàn thể; dành thời gian nghiên cứu sâu các vấn đề có tính chiến lược và kiểm tra, chỉ đạo cơ sở; giải quyết kịp thời những vấn đề mới đặt ra, những khó khăn, vướng mắc, không để tồn đọng. Trong chế độ hội họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện giảm thời gian nghe các báo cáo để tập trung thảo luận...

Ngoài ra, Tỉnh ủy đã đổi mới và vận dụng sáng tạo những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bám sát chủ trương, định hướng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết thành các chương trình, đề án trên các lĩnh vực để tập trung triển khai thực hiện, cụ thể là 4 chương trình công tác, 19 đề án trọng tâm gắn với nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2016 - 2020). Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết và ban hành hơn 8.300 văn bản (chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định, chương trình, kế hoạch...) để lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực; sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện hơn 500 văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020; phân công lãnh đạo phụ trách từng chương trình, đề án cụ thể...

Sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp ở Lào Cai những năm qua đã củng cố thêm tinh thần đoàn kết trong Đảng, được nhân dân đồng thuận, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới.

Thành Phú

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/doi-moi-nang-cao-hieu-qua-lanh-dao-cua-cap-uy-dang-z1n20200210085754213.htm