Đổi mới sáng tạo trong dạy học và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
Hội thảo khoa học quốc tế về đổi mới sáng tạo trong dạy học và đào tạo/bồi dưỡng giáo viên do Trường ĐHSP Hà Nội và Đại học Southern Cross (Úc) đồng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều nhà khoa học giáo dục đầu ngành trên thế giới, các vấn đề lý thuyết của khoa học giáo dục về phát triển năng lực nói chung và cho giáo viên nói riêng được thảo luận. Từ đó, các phương pháp dạy học, mô hình đào tạo giáo viên cũng sẽ được đi sâu tìm hiểu nhằm tìm kiếm kinh nghiệm và khả năng áp dụng tại Việt Nam.
Với 12 tiểu ban, hội thảo tập trung thảo luận về bồi dưỡng và đào tạo giáo viên trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ: các mô hình nội dung, phương pháp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên theo tiếp cận năng lực nghề; 2các phương pháp dạy học tích cực và phương tiện dạy học hiện đại; năng lực và phát triển năng lực hướng tới nền giáo dục chất lượng; giáo dục vì sự phát triển bền vững; giáo dục STEM; công tác xã hội và tâm lý học đường...
Hội thảo đồng thời tạo diễn đàn trao đổi học thuật, công bố các nghiên cứu lý thuyết cũng như thực tiễn mới về dạy học phát triển năng lực người học; mô hình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá giáo viên (ở tất cả các cấp học) theo hướng tiếp cận năng lực nghề; ứng dụng của công nghệ trong dạy học và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên...
Thông qua đó, đề xuất những hướng đi trong dạy học cũng như đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm phát triển năng lực người học phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ và hội nhập quốc tế.
Công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, vì thế nhiều cơ hội và thách thức mới đặt ra đối với người dạy và người học. Việc đổi mới dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học được chú trọng để nâng chất lượng nguồn nhân lực.
Để thực hiện được điều này, cần thiết phải phải xác định chính xác ngưỡng nhận thức năng lực phù hợp của người học ở từng cấp, bậc và ngành học, từ đó xây dựng nội dung, thiết kế chương trình đào tạo, công cụ kiểm tra đánh giá, sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý…
Đây là yếu tố quan trọng, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, cần có những diễn đàn học thuật tập hợp đông đảo những nhà quản lý, người làm giáo dục trong và ngoài nước để tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất những giải pháp phát triển năng lực người học, đổi mới công tác đào tạo/bồi dưỡng giáo viên theo hướng đi mới trên.