Đổi mới sáng tạo trong ngành y dược: Phấn đấu đến năm 2045 đóng góp trên 20 tỷ USD cho GDP

Việt Nam khát vọng trở thành nước dẫn đầu khu vực về thử nghiệm, nghiên cứu và sản xuất thuốc chất lượng cao, đến năm 2045 đóng góp 20 tỷ USD vào GDP cả nước.

Đổi mới sáng tạo là “liều thuốc” phát triển bền vững

Thông tin tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội vào sáng 25/9 cho thấy: Việt Nam đặt khát vọng trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về thử nghiệm, nghiên cứu và sản xuất thuốc chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2045 đóng góp trên 20 tỷ USD cho GDP cả nước. Theo đó, cách tiếp cận mới để phát triển ngành y dược chú trọng đổi mới sáng tạo, tiến bộ công nghệ và chuyển đổi số được coi là động lực then chốt để thành công, sẽ giúp Việt Nam phát triển và đưa ngành dược lên một tầm cao mới.

Hội thảo Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược do Báo Đầu tư tổ chức (Ảnh: NH)

Hội thảo Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược do Báo Đầu tư tổ chức (Ảnh: NH)

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng biên tập Báo Đầu tư, ông Lê Trọng Minh cho rằng: Mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là mục tiêu chung đặt ra trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/1/2024.

Tại Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong ngành y tế đã và đang giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học và sản xuất dược phẩm.

Song để đổi mới sáng tạo thực sự là “liều thuốc” phát triển bền vững ngành y dược, ông Lê Trọng Minh cho rằng, vẫn đòi hỏi việc giải quyết tổng hòa rất nhiều nhiệm vụ cụ thể, từ việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế có chất lượng cao, đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan.

Cũng đánh giá cao đổi mới sáng tạo trong ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành y tế không chỉ mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển bền vững ngành y tế mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, an sinh xã hội và đảm bảo sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực y dược tại Việt Nam (Ảnh: NH)

Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực y dược tại Việt Nam (Ảnh: NH)

Tăng cơ hội hút vốn đầu tư vào lĩnh vực y dược

Theo các chuyên gia, Hội thảo Đổi mới sáng tạo: Liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược được diễn ra trùng hợp với thời điểm Quốc hội chuẩn bị xem xét biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016. Điều đó càng cho thấy, đổi mới ngành y dược đang là vấn đề được quan tâm tại Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ngày 9/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1165/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các mục tiêu: “Phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới)...”

Ông Lê Minh Sang - Chuyên gia y tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Để đổi mới ngành y dược, Việt Nam cần tập trung vào một số nội dung, bao gồm: Thứ nhất, phải thiết lập môi trường thuận lợi cho những người đổi mới công nghệ thông tin và những người áp dụng công nghệ thông tin, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân.

Thứ hai, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ số để giải quyết các ưu tiên về y tế công cộng, chẳng hạn như các khuôn khổ, nền tảng hợp tác, quy định thử nghiệm, trợ cấp, ưu đãi…

Thứ ba, cần tăng cường sự tham gia và tiếp nhận của người dùng đối với các ứng dụng y tế số, chẳng hạn như cần cải thiện chuyên môn và tổ chức, xây dựng năng lực số cho lực lượng lao động y tế, và kiến thức về công nghệ số trong các nhóm dân số.

Thứ tư, cần duy trì các ứng dụng y tế số, như khả năng tương tác và tích hợp; cơ chế tài chính và hệ thống bồi hoàn; giám sát và đánh giá.

Cũng theo ông Lê Minh Sang, hiện nay, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam đang phát triển, và có một số bài học mà Việt Nam cần tham khảo từ các quốc gia khác. Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu và khả năng tương tác để hỗ trợ các loại luồng thông tin y tế rộng hơn và sâu hơn; đảm bảo việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn của các nhà cung cấp công nghệ thông tin y tế. Cùng với đó, cần tận dụng các nguồn dữ liệu y tế mới nổi để hỗ trợ lập kế hoạch, quản lý, giám sát y tế công cộng. Đặc biệt, cần phải tạo động lực để tích hợp y tế số vào các dịch vụ y tế cốt lõi.

Bên cạnh những giải pháp trên, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành y dược, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.

Trong đó, để thu hút được dòng vốn đầu tư, bà Radhika Bhalla - Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và Các thị trường Liên minh châu Á, Viatris cho rằng: Chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc trong nước trong ngành dược phẩm đã được xác định là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đăng ký và chính sách đầu tư. Do đó, bà Radhika Bhalla cho rằng: Cần thiết có các cải cách pháp lý để tạo môi trường đầu tư nước ngoài rõ ràng và hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm.

“Việt Nam có thể tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho thuốc chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính liên quan đến các mô hình chuyển giao công nghệ có thể thu hút nhiều đầu tư vào chuyên môn hơn từ các công ty đa quốc gia vào Việt Nam và về lâu dài sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước song song với việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu” - bà Radhika Bhalla khẳng định.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doi-moi-sang-tao-trong-nganh-y-duoc-phan-dau-den-nam-2045-dong-gop-tren-20-ty-usd-cho-gdp-348230.html