Đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế số

Hiện nay, hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, công nghệ số, mạng xã hội phát triển ngày càng nhanh, thị hiếu tiêu dùng có nhiều thay đổi… Điều này đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong thời đại số.

Người dân, doanh nghiệp tham quan các mô hình phát triển khu dân cư, khu công nghiệp thông minh bên lề một hội thảo khoa học trong Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: H.Quân

Người dân, doanh nghiệp tham quan các mô hình phát triển khu dân cư, khu công nghiệp thông minh bên lề một hội thảo khoa học trong Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: H.Quân

Đặc biệt, đối với các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp, yếu tố về ĐMST lại càng đóng vai trò quan trọng, giúp nhiều DN có lợi thế trong bối cảnh kinh tế số phát triển.

* Đối mặt nhiều thách thức

Trong những năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương chủ động, có nhiều nỗ lực trong việc phát triển số hóa, ĐMST trên nhiều lĩnh vực, nhất là hoạt động thương mại điện tử, ngân hàng số, cải cách thủ tục hành chính… tạo tiền đề phát triển nền kinh tế số. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn đến năm 2025. Theo đó, chuyển đổi số được ưu tiên phát triển để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy ĐMST, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế trong bối cảnh kỷ nguyên số. Tại hội thảo ĐMST trong kỷ nguyên số do Sở KH-CN và các sở, đơn vị liên quan tổ chức mới đây, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành Sở KH-CN Lâm Sơn Hà chia sẻ, một trong những hạn chế về ĐMST trong hoạt động sản xuất hiện nay là hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN vẫn chưa tạo được các đột phá lớn, cũng như chưa tạo được sự gắn kết cao giữa DN với DN, giữa DN với các viện nghiên cứu, trường đại học. Từ đó, dẫn đến thiếu thông tin về thị trường KH-CN, cần có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hàm lượng ĐMST và phát triển hệ sinh thái ĐMST trong thời gian tới.

Theo nhiều chuyên gia, yêu cầu ĐMST không chỉ là nội dung cốt lõi mà còn là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành và phát triển
của nền kinh tế số hiện nay.

Tương tự, TS Huỳnh Cao Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin dữ liệu, Trường đại học Lạc Hồng nêu lên các vấn đề được xem là thách thức trong tiến trình chuyển đổi số, ĐMST tại nhiều địa phương, DN gồm: nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở hạ tầng; kỹ năng số; sự phối hợp giữa cơ quan lý, DN và người dân; sự thống nhất trong vận hành các nền tảng dữ liệu, ứng dụng phần mềm…

* Xây dựng các nền tảng về chuyển đổi số

Hiện nay, cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng đang ở trong giai đoạn phục hồi phát triển sau đại dịch Covid-19. Trước những tác động của thị trường thế giới, xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động ĐMST, ứng dụng KH-CN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt hơn cả là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ phân tích dữ liệu.

Trong đó, công nghệ thông tin được xác định là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, ĐMST nhằm cung cấp các công nghệ cơ bản, góp phần thay đổi toàn diện cả về tổ chức, quy trình kinh doanh, văn hóa DN đến sự tham gia của con người trong quá trình thực hiện. Vì vậy, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số là hết sức cần thiết trong thời đại 4.0.

Một gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vào tháng 10-2023

Một gian trưng bày sản phẩm công nghệ tại triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vào tháng 10-2023

Phó giám đốc Trung tâm KH-CN Đồng Nai (Sở KH-CN) Đoàn Hùng Minh cho rằng, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin - nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số có vai trò hết sức quan trọng, là động lực cơ bản đảm bảo triển khai có hiệu quả các công nghệ và dịch vụ của kinh tế số, từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số…

Việc phát triển kinh tế số không thể thực hiện được nếu không duy trì và phát triển một nền tảng sản xuất các sản phẩm - dịch vụ mang tính căn bản. TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, Đồng Nai có nhiều lợi thế về vị trí chiến lược, năng lực phát triển công nghiệp để thúc đẩy các hoạt động ĐMST trong kỷ nguyên số, từ đó phát triển đa dạng các hoạt động kinh tế số. Vấn đề địa phương cần quan tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý, kết nối hạ tầng số, thu hút nguồn nhân lực về công nghệ số. Qua đó, từng bước phát triển phù hợp, hiệu quả các nền tảng (platform) về chuyển đổi số, ĐMST…

Tại hội thảo ĐMST trong kỷ nguyên số, Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông chia sẻ, việc chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình áp dụng các công nghệ mới, công nghệ số góp phần tạo ra nhiều hơn các cơ hội mới, cải tiến quy trình trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất… Thông qua hội thảo về ĐMST sẽ giúp Sở và các đơn vị liên quan cùng nhau trao đổi, thảo luận, đưa ra các sáng kiến mới, giải pháp mới trong việc định hướng, chiến lược ĐMST tại địa phương trong thời gian tới…

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chuyen-doi-so/202310/doi-moi-sang-tao-trong-phat-trien-kinh-te-so-6f87b52/