Đổi mới vì sự hài lòng của người dân

Huyện Như Thanh hướng đến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) là 'Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ'. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có nhiều giải pháp mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cũng như mức độ hài lòng của tổ chức, công dân.

Người dân quét QR Code thanh toán lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả UBND xã Hải Long (Như Thanh).

Người dân quét QR Code thanh toán lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả UBND xã Hải Long (Như Thanh).

Bám sát các kế hoạch, chương trình, đề án và mục tiêu lớn mà tỉnh đề ra trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, huyện luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong 9 tháng năm 2024, UBND huyện Như Thanh đã ban hành 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về CCHC. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn cũng được lãnh đạo huyện chỉ đạo thực hiện hằng năm nhằm đánh giá những kết quả đạt được và chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép tại các hội nghị tập huấn, treo pano, áp phích, thông qua các trang mạng xã hội như zalo, facebook, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trên trang thông tin điện tử của huyện và các xã, thị trấn. Đặc biệt, năm 2024, huyện Như Thanh đã tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về CCHC nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), huyện Như Thanh thường xuyên rà soát, đánh giá các TTHC đang áp dụng nhằm phát hiện những thủ tục không còn phù hợp để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ. Đã có 78 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và 20 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã được rà soát và cắt giảm thời gian giải quyết trong 9 tháng năm 2024. Kết quả rút ngắn thời gian giải quyết được thông báo công khai để tổ chức, cá nhân biết và giám sát quá trình thực hiện của cán bộ, công chức. Hiện nay, 282 TTHC cấp huyện, 229 TTHC cấp xã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của huyện, xã và niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Toàn bộ thông tin, hồ sơ TTHC của tổ chức, công dân được tiếp nhận, lưu trữ trên môi trường điện tử và chuyển liên thông qua hệ thống phần mềm quản lý để giải quyết. Kết quả giải quyết TTHC được niêm yết công khai để tổ chức, công dân theo dõi, nắm bắt.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, huyện Như Thanh tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và hiện đại. Các phòng, ban, ngành của huyện, UBND các xã, thị trấn đều được kết nối hệ thống mạng Internet băng thông rộng; UBND huyện đã lắp đặt hệ thống mạng LAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng và được nâng cấp, bảo trì thường xuyên nên việc truy cập Internet luôn được thông suốt. Toàn bộ việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn được thực hiện trên môi trường mạng. Hiện nay, 100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, giúp cho quá trình xử lý công việc được thuận lợi và nhanh chóng. Năm 2024, UBND huyện Như Thanh đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh IOC; triển khai phần mềm theo dõi nhiệm vụ đối với các phòng, ban, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, thị trấn. Như Thanh cũng là huyện đầu tiên thực hiện khảo sát tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, tài khoản ngân hàng để thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC.

Với hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, cán bộ, công chức đã khai thác dữ liệu, ứng dụng các phần mềm, xử lý công việc công khai, minh bạch, hiệu quả hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Vì vậy, chất lượng giải quyết TTHC ngày càng được nâng lên. 9 tháng năm 2024, bộ phận “một cửa” UBND huyện Như Thanh và UBND các xã, thị trấn đã tiếp nhận 6.352 hồ sơ của tổ chức, công dân. Trong đó, số giải quyết đúng hạn là 5.966 hồ sơ, số đang xử lý trong hạn là 386 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 ở cấp huyện đều đạt tỷ lệ 100%, ở cấp xã đạt trên 95%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Trên địa bàn huyện không có công chức, viên chức vi phạm, không có đơn thư phản ánh công chức, viên chức gây phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết công việc cho tổ chức, công dân.

Những kết quả đạt được trong CCHC là nền tảng quan trọng để Như Thanh tiếp tục đầu tư các nguồn lực, phấn đấu hết năm 2024 có 100% số xã, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số theo bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Minh Khôi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-moi-vi-su-hai-long-nbsp-cua-nguoi-dan-226953.htm