Đối ngoại nhân dân chủ động thích ứng cùng những thách thức và cơ hội mới

Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), đối ngoại nhân dân xác định luôn đồng hành, hỗ trợ một cách thiết thực nhất cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đạt được mục tiêu chung của công tác đối ngoại và mục tiêu phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột cấu thành cơ bản của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam. Đối ngoại nhân dân ý thức như thế nào về vai trò của mình, thưa Đại sứ?

Những người làm đối ngoại nhân dân rất tự hào khi được khẳng định vai trò làm trụ cột trong nền ngoại giao toàn diện Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ý thức sâu sắc rằng, trách nhiệm của mình rất nặng nề và cũng trăn trở với một câu hỏi là làm thế nào để có thể làm một trụ cột và thực hiện vai trò trụ cột trong công tác đối ngoại.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: Tuấn Việt)

Đại sứ Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: Tuấn Việt)

Đối ngoại nhân dân có một lợi thế rất lớn là sự linh hoạt, mềm dẻo, có thể tiếp cận với nhiều đối tượng, có bề dày truyền thống. Thực tế, trong quá khứ, chúng ta đã huy động được mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ Việt Nam, có mạng lưới bạn bè và một tình hữu nghị bền chặt với nhân dân các nước. Đây chính là nền tảng và vốn quý cần được tiếp tục phát huy.

Bên cạnh đó, đối ngoại nhân dân xác định luôn đồng hành, hỗ trợ một cách thiết thực nhất cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước đạt được mục tiêu chung của đối ngoại và mục tiêu phát triển đất nước.

Thời gian qua, công tác đối ngoại nhân dân của VUFO đã có những giải pháp sáng tạo gì để linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới, đặc biệt là đại dịch Covid-19?

Có thể thấy, tình hình thế giới và khu vực cũng như trong nước hiện có thuận lợi, khó khăn đan xen. Tương tự như vậy, đối ngoại nhân dân cũng đứng trước những thuận lợi, khó khăn và cả cơ hội mới.

Về thuận lợi, trong nước, Đại hội Đảng lần thứ XIII được tổ chức thành công và xác định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng; thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm và tích cực của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, Đại hội nêu rất rõ nhiệm vụ phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập môi trường và hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam.

Trên thế giới, xu thế chung là hòa bình, ổn định, hợp tác, nên vai trò, tiếng nói của người dân, các tổ chức nhân dân ngày càng được coi trọng và phát huy.

Bên cạnh đó, đối ngoại nhân dân cũng đứng trước những thách thức. Đầu tiên là tình hình quốc tế rất phức tạp, tác động lớn đến mục tiêu, phương thức hoạt động, tính chất của các tổ chức nhân dân. Thế hệ cán bộ làm đối ngoại nhân dân tuổi đã cao, nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cung cấp cho những dự án phát triển nhân đạo đối với Việt Nam đã trở nên eo hẹp hơn.

Thêm nữa, đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức rất lớn đối với công tác đối ngoại nói chung cũng như với đối ngoại nhân dân nói riêng.

Thế nhưng, đại dịch đã khiến các hoạt động của chúng tôi phải thay đổi rất nhiều, đặc biệt là phương thức hoạt động và kết nối để nhanh chóng thích nghi được với tình hình mới. Mặc dù có những khó khăn do dịch bệnh nhưng chúng tôi đã cùng các tổ chức nhân dân khác của Việt Nam triển khai đồng bộ các hoạt động trên mọi lĩnh vực, nhanh chóng sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại, ứng dụng mạng xã hội, nền tảng Internet.

Trong bối cảnh Covid-19, các liên hệ với bạn bè quốc tế đã không bị gián đoạn. Chúng tôi đã tổ chức được hàng trăm hoạt động để kết nối, trao đổi thông tin thông qua các hội thảo, tọa đàm, hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và cùng bạn bè khắc phục các khó khăn do đại dịch.

Không chỉ ở trung ương, các hoạt động của địa phương cũng rất sôi động và đi đầu trong hoạt động hỗ trợ, vận động nhân dân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm... để quyên góp các nguồn lực ủng hộ đồng bào và bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, chúng tôi có nhiều sáng kiến nhằm huy động các nguồn lực quốc tế ủng hộ chúng ta. Đồng thời, đây cũng là thời điểm để thể hiện tình cảm, sự ủng hộ mạnh mẽ với các nước bạn bè truyền thống.

Điểm mới là các hoạt động này không chỉ thực hiện mục tiêu đối ngoại đơn thuần mà còn đưa được vào những nội dung thiết thực như các tọa đàm về phát triển kinh tế, bàn giải pháp công nghệ ứng phó dịch...

Như vậy, trong bối cảnh Covid-19, công tác đối ngoại nhân dân vẫn cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, có nhiều nét khởi sắc với những hình thức mới, sáng tạo và linh hoạt, cả trung ương đến địa phương.

Bên cạnh việc duy trì quan hệ song phương, chúng tôi đã thúc đẩy quan hệ đa phương với việc tham gia tích cực tại Diễn đàn Nhân dân Á - Âu, Diễn đàn Nhân dân ASEAN... và mở rộng sự tham gia vào năm cơ chế mới: các cơ chế Liên hợp quốc và tiểu vùng sông Mekong, Quốc tế tiến bộ, Mạng lưới Hòa bình và Hành tinh, Đại hội Hòa bình thế giới.

Cũng trong bối cảnh khó khăn, các tổ chức phi chính phủ vẫn tiếp tục thể hiện cam kết hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển cộng đồng, giải quyết các vấn đề xã hội.

"Hội nghị Ngoại giao 31 hẳn sẽ có nhiều thảo luận sôi nổi và nhiều ý tưởng mới cùng với sự hội tụ trí tuệ của không chỉ của riêng các nhà ngoại giao, cán bộ ngoại giao, mà cả trong hệ thống chính trị của nước ta. Tôi tin rằng, Hội nghị sẽ là một dấu mốc mới cho sự phát triển của không chỉ ngành Ngoại giao, mà của cả đối ngoại Việt Nam với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân!", Đại sứ Nguyễn Phương Nga.

Trước tình hình trong nước và quốc tế sẽ còn nhiều thời cơ và thách thức, đối ngoại nhân dân xác định những nội dung quan trọng gì trong giai đoạn tới?

Hoạt động của đối ngoại nhân dân nói chung và VUFO nói riêng đều nhằm thực hiện sứ mệnh cao cả là hòa bình và hữu nghị. Bên cạnh đó, chúng tôi xác định trách nhiệm lớn là thực hiện vai trò là một trụ cột trong công tác đối ngoại và phải tham gia rất tích cực vào việc huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Giai đoạn tới rất quan trọng bởi chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều chương trình và chiến lược lớn. VUFO cũng đã tổ chức sớm quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và xây dựng chương trình hành động, tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nội dung và phương thức hoạt động; tập trung mở rộng, củng cố mạng lưới đối tác, đa dạng hóa về lực lượng tham gia hoạt động hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác truyền thống, với các hoạt động thiết thực, đi vào chiều sâu.

Thứ hai, xác định phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm tạo sức sống mới cho hoạt động đối ngoại nhân dân.

Cùng hoạt động song phương, đẩy mạnh các hoạt động tại các diễn đàn đa phương của khu vực và quốc tế nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và ủng hộ của bạn bè quốc tế, giải quyết những mối quan tâm chung của thế giới như an ninh truyền thống, môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, chủ quyền biển đảo...

Bên cạnh, việc tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong việc phát triển kinh tế xã hội, ứng phó thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu..., VUFO sẽ tích cực tham mưu, đóng góp vào xây dựng chính sách đối ngoại, đầu tư vào các sản phẩm thông tin đối ngoại.

Thứ ba, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giải quyết những phức tạp nảy sinh trong quan hệ với các nước, góp phần phát huy lợi thế của đối ngoại nhân dân nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước.

Thứ tư, bảo đảm lực lượng làm đối ngoại nhân dân có đầy đủ năng lực, phẩm chất và bản lĩnh. Bên cạnh sự quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện tổ chức tại trung ương và địa phương để có hệ thống vững mạnh và liên kết chặt chẽ, phát huy hiệu quả hoạt động.

Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia ủng hộ nhân dân Campuchia chống dịch Covid-19. (Ảnh: Tuấn Việt)

Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia ủng hộ nhân dân Campuchia chống dịch Covid-19. (Ảnh: Tuấn Việt)

Kỳ vọng của Đại sứ về Hội nghị Ngoại giao 31?

Hội nghị Ngoại giao năm nay được tổ chức trong một bối cảnh rất mới. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi quan hệ quốc tế, cách tiếp cận đối với những vấn đề mới cùng các thách thức mới nảy sinh đối với ngành Ngoại giao.

Đặc biệt, Hội nghị được tổ chức sau khi chúng ta có đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, khẳng định nhiệm vụ tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, huy động nguồn lực phát triển đất nước và xây dựng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hội nghị cũng được tổ chức sau khi chúng ta đạt được thành công lớn về ngoại giao từ quan hệ song phương, đa phương như hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN, nhiệm vụ hai năm là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc...

Trong bối cảnh ấy, Hội nghị Ngoại giao năm nay được kỳ vọng là sự kiện rất quan trọng để triển khai đường lối đối ngoại trong bối cảnh tình hình mới. Đặc biệt, bên cạnh Hội nghị Ngoại giao, lần đầu tiên có Hội nghị toàn quốc về đối ngoại do Tổng Bí thư trực tiếp chủ trì cùng với sự tham gia của tất cả ban ngành trong cả nước tìm phương hướng mới thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Ngoại giao 31 hẳn sẽ có nhiều thảo luận sôi nổi và nhiều ý tưởng mới cùng với sự hội tụ trí tuệ của không chỉ của riêng các nhà ngoại giao, cán bộ ngoại giao, mà cả trong hệ thống chính trị của nước ta.

Tôi tin rằng, Hội nghị sẽ là một dấu mốc mới cho sự phát triển của không chỉ ngành Ngoại giao, mà của cả đối ngoại Việt Nam với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân!

Xin cảm ơn Đại sứ!

Trọng Vũ (thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-ngoai-nhan-dan-chu-dong-thich-ung-cung-nhung-thach-thuc-va-co-hoi-moi-167725.html