Đội ngũ báo cáo viên các cấp: Cầu nối của ý Đảng - lòng dân

Tham gia Hội thi Báo cáo viên giỏi khu vực I năm 2019 từ ngày 22 đến ngày 25/11, 59 thí sinh đã thể hiện kiến thức và kỹ năng, những kinh nghiệm quý báu của báo cáo viên khi làm công tác tuyên truyền miệng, làm cầu nối của ý Đảng - lòng dân.

LIÊN HỆ THỰC TIỄN ĐỂ NÂNG CAO TÍNH THUYẾT PHỤC

Là thí sinh trẻ nhất Hội thi, báo cáo viên Giàng Thị Chư, người dân tộc Mông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chế Tạo, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái thể hiện chuyên đề báo cáo kết quả 5 năm triển khai, thực hiện tiêu chí “3 sạch” trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với 8 tiêu chí được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ năm 2010 trên phạm vi toàn quốc.

“Chuyên đề của tôi báo cáo tới toàn thể cán bộ, đảng viên, trưởng bản, bí thư chi bộ, già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chi hội trưởng phụ nữ xã về những lợi ích, kết quả đạt được từ cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” tại xã Chế Tạo. Những phong tục, tập quán về ăn mặc ở và tâm lý sống, phương thức canh tác trong lao động sản xuất của người Mông được hình thành từ lâu đời. Có những phong tục, tập quán không còn phù hợp trong đời sống hiện nay, nhất là vệ sinh nhà ở, vệ sinh bản làng và vệ sinh thân thể. Tuy nhiên, để thay đổi những tập quán, thói quen là vấn đề lớn, được coi như một cuộc “cách mạng” về nhận thức”. – Chị Giàng Thị Chư chia sẻ.

Báo cáo viên Giàng Thị Chư: Cần phải tìm hiểu tâm lý, phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của người dân

Đặc biệt, trong phần trình bày, chị Giàng Thị Chư đã báo cáo bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc để giúp cho đối tượng người nghe là bà con dân tộc dễ hiểu, dễ tiếp nhận; hiểu đúng; nhận thức đúng.

Theo chị Giàng Thị Chư, các báo cáo viên cũng cần phải tìm hiểu tâm lý, phong tục, tập quán, đời sống văn hóa của người dân; am hiểu tiếng đồng bào thì mới có thể tuyên truyền, vận động bà con thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Ví dụ như với người dân tộc Mông, với đặc tính là thật thà, báo cáo viên phải thân thiện, gần gũi, tôn trọng ý kiến người nghe.

Mỗi báo cáo viên phải có kiến thức sâu rộng, luôn tu dưỡng, rèn luyện để cập nhật kiến thức. Khi chuẩn bị một bài tuyên truyền, một bài nói, báo cáo viên cần phải có phần liên hệ thực tiễn để góp phần nâng cao tính thuyết phục. Khi biên, phiên dịch sang tiếng dân tộc, cần chú ý chính xác đến từng từ, ngữ, tránh hiểu sai về các chỉ thị, nghị quyết.

CHUYỂN NỘI DUNG TRUYỀN ĐẠT THÀNH HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ Ở CƠ SỞ

Với mục đích truyền đạt các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân, thí sinh Vũ Xuân Phúc, Bí thư Đảng ủy phường Phù Liễn, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng đã mang tới Hội thi kết quả chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh tại Đảng bộ thành phố Hải Phòng, quận Kiến An và phường Phù Liễn. Trong đó, anh cũng đưa ra một số gương điển hình tiêu biểu trong việc hiến đất mở đường, góp tiền mở ngõ, mô hình điển hình làm đẹp cảnh quan tại phường Phù Liễn, công tác an sinh xã hội, kinh tế, trật tự an toàn giao thông để minh họa cho bài nói của mình.

Nêu lên những khó khăn, thách thức trong thực hiện chăm lo đời sống nhân dân hiện nay, thí sinh Vũ Xuân Phúc đã định hướng, nội dung công việc cho các chi bộ triển khai sau buổi báo cáo.

“Tôi lựa chọn chuyên đề này để báo cáo trước Hội thi để khẳng định lại một lần nữa, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và nhân dân ta. Năm 2019 cũng là năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; học tập chuyên đề “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Qua phần báo cáo của mình, tôi muốn truyền tải thông điệp, để việc học và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thiết thực, hiệu quả, thì phải trở thành một nhu cầu tự thân, phải chuyển hóa thành việc làm thường xuyên, hằng ngày, cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên và các cấp ủy” - Đồng chí Vũ Xuân Phúc cho biết.

Đồng chí Vũ Xuân Phúc: Mỗi báo cáo viên cần hiểu đúng và trúng, nghiên cứu sâu về các chỉ thị, nghị quyết mình truyền đạt.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng, đồng chí Vũ Xuân Phúc cho rằng, để có một bài tuyên truyền tốt, mỗi báo cáo viên cần phải chuẩn bị kỹ đề cương bài nói chuyện của mình.

Đề cương bài nói thường có 3 phần, mỗi phần có chức năng riêng. Trong đó, phần mở đầu phải nêu được những nội dung: Giới thiệu và làm quen; Thông báo nội dung trình bày; Thông báo thời gian và phương thức tiến hành.

Phần nội dung bài nói được coi là phần quan trọng nhất. Nội dung bài nói có thể đề cập mọi vấn đề của đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Một bài nói tổng hợp, được trình bày trong một buổi (khoảng 3 giờ) không nên đề cập quá nhiều vấn đề, chỉ nên nêu 3-4 vấn đề và nên có phần chuyển ý để gắn kết với nhau.

Phần kết luận là phần tổng kết bài nói nhằm củng cố nhận thức người nghe và cổ vũ hành động. Nội dung phần này cần tóm tắt ngắn gọn nội dung, nhấn mạnh trọng tâm, trọng điểm, cổ vũ hành động và tạo mối giao lưu, tình cảm giữa người nói và người nghe.

Ngoài phần đề cương, mỗi báo cáo viên cần hiểu đúng và trúng, nghiên cứu sâu về các chỉ thị, nghị quyết mình truyền đạt. Trong nội dung tuyên truyền, cần có cách truyền đạt phù hợp đối với mỗi đối tượng khác nhau. Trong đó, cần đưa ra các giải pháp phù hợp với từng địa phương, cơ quan, đơn vị để khi tuyên truyền, đối tượng nghe có thể hiểu được, vận dụng được, chuyển hóa nội dung chủ trương, đường lối của cấp trên vào hành động cụ thể ở cơ sở một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

CÓ THỂ THỰC HIỆN ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI NGHE

Nhận thức tầm quan trọng về việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển, đảo Việt Nam cho đối tượng học sinh và các thầy cô giáo trong trường học, thí sinh Nguyễn Thị Thanh Vân, Đảng bộ trường Trung học phổ thông (THPT) Giáp Hải, Bắc Giang đã mang tới Hội thi báo cáo chuyên đề nội dung của Nghị quyết số 36- NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nội dung này được lồng ghép, tích hợp trong việc giảng dạy kiến thức các môn học Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngữ văn… Hàng năm, Lữ Đoàn Đặc công Hải quân 126 (thuộc Quân chủng Hải quân) phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Giáo dục- Đào tạo, ban tuyên giáo cấp huyện tổ chức tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực xây dựng lực lượng hải quân.

“Bản thân là giáo viên, đảng ủy viên, báo cáo viên của Đảng bộ Thành phố, bên cạnh công tác chuyên môn, tôi đã xác định được trách nhiệm để tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ và chức trách được giao. Tôi luôn tích cực học tập, lĩnh hội các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nắm bắt thường xuyên, liên tục kịp thời tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… của đất nước và địa phương để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và tuyên truyền; luôn trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống gắn liền với rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thường xuyên, liên tục nắm chắc tình hình, theo dõi sát diễn biến thực tiễn để có phương pháp đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng sai lệch và những thông tin trái chiều về biển, đảo Việt Nam” - đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân bày tỏ.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân: Trong quá trình trình bày bài nói, báo cáo viên có thể thực hiện đối thoại với người nghe.

Theo báo cáo viên Nguyễn Thị Thanh Vân, là người truyền đạt thông tin những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, bản thân báo cáo viên phải là người hiểu đúng và nắm chắc những nội dung của các chỉ thị, nghị quyết. Mỗi báo cáo viên phải là người tâm huyết thì mới có thể “truyền lửa” cho đối tượng nghe không bị nhàm chán và nắm được nội dung truyền đạt.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân cũng nhấn mạnh, trong quá trình trình bày bài nói, báo cáo viên có thể thực hiện đối thoại với người nghe. Khi đối thoại cần chú ý, gợi mở và hướng người nghe nêu câu hỏi tập trung vào nội dung và chủ đề tuyên truyền.

Luôn có thái độ cầu thị, tôn trọng, chú ý lắng nghe câu hỏi của người nghe để trả lời rõ ràng, đúng và trúng yêu cầu câu hỏi. Những vấn đề chưa rõ hoặc chưa thể trả lời thì khéo léo đề nghị để trả lời riêng hoặc xin lui vào dịp khác. Không trả lời những vấn đề chưa nắm vững. Nếu có nhiều người nghe nêu câu hỏi, báo cáo viên có thể trả lời từng câu hỏi hoặc có thể để người nghe nêu nhiều câu hỏi, rồi lần lượt trả lời từng vấn đề hoặc theo cụm vấn đề.

Trong tập thể đông, có câu hỏi không đại diện cho số đông, nên đề nghị được trả lời riêng.

Trả lời câu hỏi trong thực hiện đối thoại là một vấn đề khó. Báo cáo viên phải bình tĩnh, ứng xử nhanh, do vậy phải tích lũy kinh nghiệm và rèn luyện kỹ năng trả lời bằng sự hiểu biết rộng và sâu, cả về thực tiễn và kiến thức toàn diện trên các lĩnh vực.

NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI BÁO CÁO VIÊN HIỆN NAY

Đề cập đến một nội dung không mới, nhưng mang tính cấp thiết hiện nay, thí sinh Nguyễn Thị Hồng Hường, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ báo cáo về chuyên đề trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc lựa chọn chuyên đề tham dự Hội thi. Một trong những yêu cầu của Hội thi, cũng như yêu cầu của bài báo cáo là hỏi mang tính thời sự. Trong thời gian qua, Trung ương đã có những quy định về nêu gương, một phương thức lãnh đạo của Đảng; đáp ứng đúng và trúng thực tiễn. Bởi, hiện nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đề cao, chưa thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, kể cả một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Như vậy, đây là quy định đáp ứng trúng và quy định hiện nay.

Để tăng tính thuyết phục bài nói của mình, chị Nguyễn Thị Hồng Hường liên hệ thực tiễn của Đảng bộ Phú Thọ và ngay bản thân mình. “Là một cán bộ, đảng viên có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở cho tỉnh nhà, bản thân tôi luôn nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị; không ngừng học tập để nâng cao trình độ, năng lực công tác. Thông qua giảng dạy để tuyên truyền, phổ biến, góp phần đưa các nghị quyết, quy định, chỉ thị Đảng vào cuộc sống”.

Chia sẻ về những khó khăn và thách thức của báo cáo viên trong bối cảnh hiện nay, chị Hường cho biết, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới đã có những tác động đến người dân và thậm chí là tác động đến các cán bộ, đảng viên. Vì vậy, yêu cầu đối với đội ngũ báo cáo viên phải am hiểu công nghệ thông tin, cập nhật thông tin, cung cấp nguồn tin chính thống, chính xác và thông tin nhanh đến với người dân; phòng, tránh và đấu tranh, phản bác những thông tin xấu, độc. Từ đó, tạo được sự đồng thuận cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hường: Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới đã có những tác động đến người dân và thậm chí là tác động đến các cán bộ, đảng viên.

Song song với đó, thực tế cho thấy, cần phải thường xuyên tập huấn về kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên các cấp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới.

“Tôi thấy, đội ngũ báo cáo viên ở cơ sở rất ít được tập huấn. Trong thời gian tới, cần có sự đào tạo bài bản, có cơ chế, chính sách đãi ngộ nhất định cho đội ngũ báo cáo viên này vì họ là người trực tiếp nhất, thường xuyên nhất và góp phần quan trọng quyết định chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân. Mỗi báo cáo viên cũng cần giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn; trước khi tuyên truyền hay và hấp dẫn, cần phải tuyên truyền đúng các chỉ thị, nghị quyết” - Chị Hường bày tỏ.

Thu Hằng

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/doi-ngu-bao-cao-vien-cac-cap-cau-noi-cua-y-dang-long-dan-125473