Đòi nợ bằng quan tài ở Đắk Nông: Mong manh ranh giới bị hại thành bị cáo

Theo chuyên gia pháp lý, dẫu biết rằng người cho vay tiền bức xúc nhưng hành động mang quan tài đi đòi nợ rất dễ thiếu kiểm soát, có thể từ bị hại thành bị cáo.

Liên quan đến vụ nhiều người mang quan tài đến nhà đòi nợ hơn 20 tỷ vào chiều 17/11 tại xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng hành vi mang quan tài đi đòi nợ là có dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhóm người mang quan tài đến đòi nợ.

Nhóm người mang quan tài đến đòi nợ.

Theo luật sư Cường, quan tài được sử dụng để khâm liệm người chết, sử dụng để mai táng theo phong tục địa phương. Việc sử dụng quan tài vào mục đích đòi nợ như ở Đắk Nông gây hoang mang, lo lắng cho gia đình người nợ tiền, tác động xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có tính chất đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay nợ nên hành vi này là vi phạm pháp luật không cho phép và cần phải bị xử lý.

Hành vi đòi nợ một cách tự phát theo kiểu tập trung đông người, chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người vay tiền và người thân, gia đình của họ, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Về nguyên tắc thì vay mượn tiền là quan hệ dân sự, nếu người vay tiền không trả nợ đúng hạn thì người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự" - luật sư Cường nói và cho biết trong quá trình đòi nợ thì chủ nợ có quyền nhắc nợ, liên hệ để đòi nợ nhưng việc đòi nợ không được đe dọa, uy hiếp tinh thần của người nợ, không được sử dụng vũ lực, không được xúc phạm danh dự nhân phẩm của người nợ tiền. Hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người nợ tiền để đòi nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản hoặc tội cướp tài sản. Hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người nợ tiền để đòi nợ cũng là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị xử lý về hành vi làm nhục người khác. Việc đòi nợ mà rơi mất an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nhìn chung, việc đòi nợ là một quyền hợp pháp chính đáng của người cho vay tiền.

Tuy nhiên việc đòi nợ phải tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hành vi đòi nợ trái pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp người vay tiền có thủ đoạn gian dối để nhận tiền và không có ý định trả lại số tiền đó thì người vay tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp vay mượn tiền nhưng sau đó sử dụng tiền vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng trả lại số tiền vay hoặc gian dối, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền vay hoặc có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ thì hành vi này là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nếu chiếm đoạt số tiền từ 4.000.000 đồng trở lên thì người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 175 bộ luật hình sự năm 2015.

Trường hợp chủ nợ có căn cứ cho thấy hành vi có dấu hiệu tội phạm thì có thể trình báo sự việc với cơ quan điều tra để được xem xét giải quyết theo thủ tục xác minh tin báo, tố giác tội phạm. Trong trường hợp cơ quan điều tra có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì người tố cáo có quyền khiếu nại đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định pháp luật. Trường hợp thực hiện thủ tục tố cáo, tố giác tội phạm mà kết quả trả lời cuối cùng của cơ quan chức năng là không khởi tố vụ án hình sự (sau khi đã khiếu nại) thì chỉ còn cách đòi nợ hợp pháp cuối cùng là khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên hiện tượng sử dụng quan tài để đòi nợ vì mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, bởi vậy cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, đánh giá mức độ nhận thức của người thực hiện hành vi, làm rõ nguyên nhân sự việc và đánh giá hậu quả đã xảy ra đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp có thể áp dụng chế tài hình sự.

Còn đối với người vay tiền mất khả năng trả nợ, cơ quan điều tra sẽ làm rõ có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không để xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc đã được xem xét làm rõ và không có dấu hiệu tội phạm thì cần hướng dẫn các đương sự khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trường hợp nào cố tình gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để đòi nợ thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Hiểu Lam

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/doi-no-bang-quan-tai-o-dak-nong-mong-manh-ranh-gioi-bi-hai-thanh-bi-cao-1624616.html