Đối thoại chủ nhật: Tăng cường phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng

Thời gian qua, các đối tượng tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để tạo ra những phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến vô cùng tinh vi. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Phú Lương, Phó giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ Thông tin và Truyền thông để làm rõ tính cấp thiết của việc phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Phóng viên (PV): Thưa ông, tình trạng lừa đảo trực tuyến diễn biến như thế nào trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Phú Lương: 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia ghi nhận tổng cộng gần 10.000 trường hợp phản ánh về lừa đảo trực tuyến đến từ người dùng internet tại Việt Nam. Đối tượng lừa đảo thường áp dụng các thủ đoạn giả mạo cơ quan công quyền (công an, viện kiểm sát, cán bộ đang làm việc tại các bộ, ngành...), đơn vị cung cấp dịch vụ, các tổ chức tài chính, gia đình, bạn bè... để đánh vào nỗi sợ hãi, lòng tham, tình cảm, sự chủ quan của người dân. Trong số các trường hợp phản ánh mà chúng tôi tiếp nhận, không ít vụ việc bị thiệt hại từ vài tỷ đồng tới hàng chục tỷ đồng, chủ yếu là bị dẫn dụ đầu tư trên mạng. Các hình thức lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2024 cũng rất đa dạng và phức tạp, các đối tượng tội phạm luôn biết cách biến tấu, thay đổi chiêu thức tinh vi, khó lường, có sự nghiên cứu về xu hướng các vấn đề nóng trong xã hội để khiến những nạn nhân thiếu hiểu biết, chủ quan dễ dàng mắc bẫy.

 Ông Nguyễn Phú Lương.

Ông Nguyễn Phú Lương.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc các đối tượng tội phạm tận dụng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện hành vi lừa đảo?

Ông Nguyễn Phú Lương: Sự phát triển nhanh chóng của AI và việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang là yếu tố để các tổ chức tội phạm sử dụng thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến. Công nghệ Deepfake cho phép tạo ra các video, âm thanh giả mạo với chất lượng cao, trong khi đó, AI có thể giúp tội phạm mạng phát hiện và khai thác các lỗ hổng trong hệ thống bảo mật, vượt qua các biện pháp phòng thủ truyền thống và nâng cao khả năng tấn công. Khi dữ liệu cá nhân bị lộ, đối tượng lừa đảo có thể sử dụng thông tin này để khiến “con mồi” dễ bị mắc bẫy. Bên cạnh đó, người dùng có thể gặp khó khăn trong việc phân biệt thông tin thật-giả, đặc biệt, khi các công nghệ giả mạo ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn.

PV: Đơn vị đã có khuyến cáo hay biện pháp gì để bảo vệ những người yếu thế trên không gian mạng, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Lương: Hiện nay, mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng đến đang có sự dịch chuyển về nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có thu nhập thấp. Đây là những người có kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo cũng như sự am hiểu về công nghệ còn hạn chế nên có nguy cơ chịu nhiều rủi ro và dễ bị xâm hại.

Chính vì vậy, Cục ATTT đã tăng cường hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng về môi trường mạng cho trẻ em; triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát việc tuân thủ chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung độc hại trên môi trường mạng. Ngoài ra, đơn vị cũng khuyến khích các bậc phụ huynh, giáo viên thường xuyên cập nhật kiến thức, phương pháp để hướng dẫn trẻ em những kỹ năng tự bảo vệ, có khả năng phát hiện và tố cáo các hành vi xâm hại khi hoạt động trên môi trường mạng.

 Hoạt động tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Ảnh: BẢO NGỌC

Hoạt động tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Ảnh: BẢO NGỌC

Đối với nhóm người cao tuổi, Cục ATTT đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền, phổ biến và phát hành cẩm nang “An toàn trực tuyến” với những khái niệm ngắn gọn về cách nhận biết lừa đảo, nguyên tắc phòng tránh lừa đảo, cần làm gì khi đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, Cục ATTT cũng xây dựng một video giả lập các tình huống lừa đảo trực tuyến mà người lớn tuổi thường gặp phải và hướng dẫn cách xử lý. Video có sự tham gia, đồng hành của các nghệ sĩ nổi tiếng giúp lan tỏa thông điệp về phòng, chống lừa đảo trực tuyến đến người dân.

PV: Theo ông, cơ quan chức năng cần có phương án đối phó như thế nào trước thực trạng tội phạm công nghệ đang gia tăng rất nhanh hiện nay?

Ông Nguyễn Phú Lương: Để đạt được mục tiêu phòng, chống lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng, cần có sự phối hợp nhanh, chặt chẽ của nhiều đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan. Về phía Cục ATTT, chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát, ngăn chặn các thủ đoạn của tội phạm mạng. Hiện tại, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia được triển khai và đã xử lý hơn 10.000 tên miền độc hại, trong đó có hơn 2.700 tên miền lừa đảo trực tuyến.

Cục ATTT đã phát triển các phần mềm để đánh giá, xác nhận những website có bảo đảm ATTT mạng, gán nhãn tín nhiệm mạng cho website các cơ quan nhà nước, đồng thời, công bố danh sách những website không an toàn, vi phạm pháp luật và những tài khoản ngân hàng có liên quan đến các vụ lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phát triển và ứng dụng các công cụ hỗ trợ người dân trong việc cảnh báo mã độc và kiểm tra thông tin cá nhân lộ, lọt.

Hoạt động sản xuất chuỗi điểm tin hằng tuần với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo cũng như những khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng đã được Cục ATTT triển khai hiệu quả. Cùng với đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chia sẻ những tài liệu về ATTT cho các đơn vị, địa phương, cơ quan báo chí và truyền thông để phối hợp xây dựng các phương án tuyên truyền phù hợp tới người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG CHUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-tang-cuong-phong-chong-lua-dao-tren-khong-gian-mang-799457