Đối thoại Đông Nam Á: Đoàn kết hành động ứng phó với thiên tai

Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do vậy, quản lý rủi ro thiên tai là nội dung hợp tác cần phải được ASEAN chú trọng nhiều hơn nữa.

Sự kiện bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 - "Đối thoại Đông Nam Á: Đoàn kết hành động ứng phó với thiên tai" chiều ngày 22/10 tại Quảng Ninh. (Ảnh: PH)

Sự kiện bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16 - "Đối thoại Đông Nam Á: Đoàn kết hành động ứng phó với thiên tai" chiều ngày 22/10 tại Quảng Ninh. (Ảnh: PH)

Nhằm tăng cường kết nối và trao đổi để tìm ra giải pháp đối phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên biển tại khu vực Đông Nam Á - Nam Thái Bình Dương, trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 16, chiều ngày 22/10, tại Quảng Ninh, Học viện Ngoại giao tổ chức sự kiện bên lề: "Đối thoại Đông Nam Á: Đoàn kết hành động ứng phó với thiên tai".

Sự kiện có sự tham dự của các Đại sứ, nhà ngoại giao Việt Nam và quốc tế, các học giả Đông Nam Á và Việt Nam, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao chủ trì sự kiện.

Tại sự kiện, các đại biểu cho rằng, nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á đang phải đứng trước thách thức liên quan đến các rủi ro thiên tai như bão lũ, cháy rừng, hạn hạn... đa dạng, khó lường, hậu quả ngày càng khó kiểm soát.

Các đại biểu chia sẻ bài học về siêu bão Yagi ở Biển Đông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, bao gồm Philippines, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan, Việt Nam.

Hậu quả khủng khiếp của cơn bão Yagi đặt ra những thách thức trong ứng phó với thiên tai, đồng thời cho thấy tính cấp thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với thiên tai, thảm họa cũng như khắc phục hậu thiên tai.

Đông Nam Á được đánh giá là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và dự báo phải đối mặt với các đợt thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ. Do đó, rõ ràng, quản lý rủi ro thiên tai là nội dung hợp tác cần được ASEAN chú trọng nhiều hơn nữa.

Giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: PH)

Giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: PH)

Các đại biểu nhất trí cho rằng, ASEAN cần tăng cường thúc đẩy các cơ chế hợp tác ứng phó với rủi ro thiên tai. Hiện nay, ASEAN đã có Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (Trung tâm AHA), Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM), các cuộc họp ACDM + Trung Quốc, ACDM + Nhật Bản, ACDM + Hàn Quốc, Diễn đàn ASEAN về tăng cường khả năng chống chịu thiên tai...

Nhiều đại biểu Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các quốc gia trong quản lý thiên tai, sẵn sàng gửi các lực lượng cứu hộ tới các nước.

Nỗ lực này từng được triển khai khi Việt Nam gửi lực lượng cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ khi hứng chịu trận động đất lịch sử tháng 2/2023. Các đại biểu nêu bật yếu tố xây dựng lòng tin trong hợp tác chống thiên tai, ứng phó với thiên tai xuyên quốc gia một cách hiệu quả.

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trước thách thức của cơn bão Yagi vừa qua cũng là một trong những bài học thành công về sự phối hợp giữa các quốc gia trước thiên tai.

Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đề cập các vấn đề như vai trò của công nghệ trong cảnh báo sớm thiên tai, tăng cường nhận thức về rủi ro thiên tai, vai trò của một ASEAN đoàn kết, thống nhất trong thúc đẩy hợp tác chung, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, phát triển bền vững...

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doi-thoai-dong-nam-a-doan-ket-hanh-dong-ung-pho-voi-thien-tai-290968.html