Đối thoại thanh niên chống lại bạo lực giới

Ngày 3-12, UN Women và UNESCO Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách về thanh niên nói chuyện về nghiên cứu, trao đổi và chia sẻ. Đây là một phần của Chiến dịch 16 ngày Hành động chống lại bạo lực giới.

7 nhóm nghiên cứu do thanh niên làm trưởng nhóm đã thực hiện những nghiên cứu về một loạt những đề tài bao gồm: sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, đa dạng giới (LGBT – cộng đồng đồng tính, song tính, chuyển giới), lao động tình dục, dân tộc thiểu số, học sinh – sinh viên với bạo lực tình dục và các nguy cơ về sức khỏe trong đó có HIV/AIDS, STIs (bệnh lây truyền qua đường tình dục) và mang thai ngoài ý muốn.

Nói về sự tham gia của giới trẻ trong phát triển chính sách, kết quả nghiên cứu cho thấy có 48,03% người được khảo sát cho biết chưa bao giờ học về quy trình hoạch định chính sách; 16,49% cho biết có học ở trường; 5,3% cho biết có học ở nơi làm việc…

Đáng nói, 79,85% số thanh niên được hỏi cho biết chưa tham gia vào quá trình hoạch định chính sách vì thiếu thông tin; 69,17% cho biết vì không có tổ chức cùng đồng hành và 61,48% cho biết do thiếu kiến thức và kỹ năng.

Các nhóm nghiên cứu thảo luận về kết quả nghiên cứu. Ảnh: P.Thảo

Các nhóm nghiên cứu thảo luận về kết quả nghiên cứu. Ảnh: P.Thảo

Vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng Luật Thanh niên sửa đổi cần xây dựng một cơ chế pháp lý được hỗ trợ tốt giúp thu thập và phản hồi các ý kiến của thanh niên và được thiết kế sao cho phản hồi thu được đạt mức tối đa. Đồng thời, Chính phủ nên làm việc với các tổ chức và hiệp hội thanh niên, trường học… để cập nhật các chương trình giáo dục về luật pháp các chính sách cho giới trẻ. Tổ chức các diễn đàn thanh niên nhằm thu hút họ tham gia thảo luận chính sách và đối thoại với các nhà lập pháp.

Nhóm nghiên cứu về lao động tình dục đã chia sẻ nhiều câu chuyện của những nhân vật làm nghề bán dâm. Qua đó cho thấy, có những người chọn con đường này do hoàn cảnh xô đẩy, và cuộc sống của họ đối mặt với nhiều khó khăn khi bị ngay cả gia đình, người thân kỳ thị. Vì vậy, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các cơ quan truyền thông cần nhân văn hơn khi thông tin, đồng thời, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hỗ trợ họ học nghề để họ có thể tìm kiếm một công việc khác.

Nhóm nghiên cứu “Đánh giá hiểu biết của thanh niên Việt Nam về đồng tính, song tính và chuyển giới (LBGT)”, cho biết đã khảo sát với các thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi tại địa bàn TP Hà Nội, TP HCM và Buôn Mê Thuột.

Qua nghiên cứu cho thấy có 99,4% người được hỏi lựa chọn đúng đáp án khi hỏi về khái niệm người đồng tính; 60,8% chọn đúng đáp án khi hỏi về khái niệm người chuyển giới; 59,4% lựa chọn đúng đáp án khi hỏi về người liên giới tính. Hơn 50% cho rằng tỷ lệ người đồng tính trung bình ở mỗi quốc gia là 3-5% trở lên.

Các thông tin liên quan đến cộng đồng LGBT phần lớn qua các kênh thông tin dễ tiếp cận hoặc ít bị kiểm soát về nội dung như mạng xã hội, báo mạng, website, forum hay phim truyện. Tuy nhiên, các thông tin này rất ít đươc nhắc đến tại các buổi ngoại khóa trong nhà trường hay trong giáo trình giảng dạy, sách giáo khoa.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, chương trình giáo dục hiện tại, đặc biệt là giáo dục về giới cũng như kiến thức về LBGT chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của thanh niên. Có 90% số người được khảo sát đồng ý toàn bộ hoặc một phần với nhận định “trẻ em quá nhỏ và thiếu kiến thức để nói rằng mình có phải một người LGBT hay không”;

77% đồng ý cho rằng các kiến thức về LGBT nên bắt đầu từ khi trẻ bắt đầu biết nhận thức; 89% đồng ý cho rằng giáo dục tình dục toàn diện trong đó bao gồm các kiến thức về LBGT nên là một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục; 27% thường xuyên thấy rất thường xuyên “nhìn thấy hoặc được chứng kiến người khác trêu chọc, miệt thị một cách công khai/trực tiếp hướng tới cộng đồng LGBT hoặc cá nhân một người LGBT”; 51% thường xuyên tới rất thường xuyên “lắng nghe các từ ngữ mang tính chất miệt thị từ người khác khi nhắc đến hay ám chỉ một người nào đó là LGBT”;

10% người được khảo sát cho biết thường xuyên tới rất thường xuyên cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi nhìn thấy một cặp đôi đồng tính hay hai người cùng giới nắm tay, thể hiện tình cảm nơi công cộng; 11% thường xuyên tới rất thường xuyên cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi nhìn thấy một người nam mặc quần áo sặc sỡ hoặc một người nữ để tóc ngắn, mặc đồ dành cho nam giới.

Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ khi xây dựng các Nghị định, văn bản luật… cần đưa ra định nghĩa về LGBT cũng như các khái niệm để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người LGBT và đáp ứng được nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử; ghi nhận một cách trực tiếp nhóm LGBT trong các văn bản pháp luật bao gồm của Luật Thanh niên.

Đồng thời, thông qua Dự thảo Luật chuyển giới để hỗ trợ người chuyển giới được thu hưởng các quyền cơ bản của công dân; thông qua điều khoản công nhận hôn nhân bình đẳng với các cặp đôi đồng tính trong Luật Hôn nhân và gia đình; chủ động xây dựng các đối thoại chính sách, trong đó có sự tham gia của người LGBT nhằm tìm hiểu khó khăn của người LGBT.

Đồng thời, thống kê về người LGBT vào chương trình thống kê dân số và nhà ở quốc gia như một chỉ tiêu cơ bản nhằm ước tính số lượng người LGBT tại Việt Nam. Xây dựng bộ luật chống phân biệt đối xử, với các điều khoản nghiêm cấm phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người LGBT cũng như tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận văn hóa, chính trị, xã hội…

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doi-thoai-thanh-nien-chong-lai-bao-luc-gioi-172400.html