Đòn bẩy cho HTX nông nghiệp

Bắc Giang hiện có hơn 1,1 nghìn hợp tác xã (HTX), trong đó hơn 65% là HTX nông nghiệp. Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích HTX thuộc lĩnh vực này.

Hơn 100 lượt HTX được hỗ trợ

Để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, năm 2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.

Được hỗ trợ kinh phí mua dây chuyền ép dầu, HTX Nông nghiệp Quang Duy đã nâng công suất từ 80 lít trước đây lên 600 lít/ngày.

Được hỗ trợ kinh phí mua dây chuyền ép dầu, HTX Nông nghiệp Quang Duy đã nâng công suất từ 80 lít trước đây lên 600 lít/ngày.

Nội dung hỗ trợ gồm: Tập trung đất đai; xây dựng nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất. Sau gần 5 năm triển khai, cả tỉnh đã có hơn 100 lượt HTX được nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Chưa kể, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX do Liên minh HTX tỉnh quản lý đến nay đạt hơn 21 tỷ đồng, đang cho vay thực hiện 27 dự án với số tiền gần 10 tỷ đồng…

Những chính sách hỗ trợ kể trên đã góp phần tạo động lực cho HTX nông nghiệp chú trọng hơn đến khâu thiết kế, in ấn, cải tiến nhãn mác, mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

HTX Nông nghiệp Quang Duy, xã Đồng Lạc (Yên Thế) được thành lập từ năm 2019 với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nông sản với thương hiệu dầu lạc, dầu gấc, dầu mè Đại An và các sản phẩm lạc rang nguyên củ, lạc hạt thành phẩm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX cho biết: “Nguồn lực của phần lớn các HTX nông nghiệp đều rất hạn hẹp, cộng thêm phải cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, vì vậy nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó đi lên. Nhờ được hỗ trợ mua máy móc, HTX đã nâng công suất ép dầu từ 80 lít trước đây lên 600 lít/ngày, chất lượng sản phẩm nâng cao rõ rệt”.

Để có bước phát triển như hôm nay, năm 2020, HTX Nông nghiệp Quang Duy được Sở Công Thương hỗ trợ 50% kinh phí mua dây chuyền ép dầu. Từ năm 2021 đến nay, HTX được Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tem, bao bì, nhãn mác, tổ chức nhiều đợt trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại… Nhờ đó, thương hiệu dầu ăn Đại An ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, trong đó một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, doanh thu của HTX năm 2023 đạt hơn 3 tỷ đồng.

Thúc đẩy HTX phát triển bền vững

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, các HTX nông nghiệp đã làm tốt vai trò liên kết nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đơn cử như HTX Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang) duy trì trồng hơn 80 ha dứa. Trước đây, đường vào HTX nhỏ hẹp, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn, việc đi lại, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Năm nay, với nguồn hỗ trợ gần 1 tỷ đồng của Sở Nông nghiệp và PTNT, HTX đã được đầu tư xây dựng gần 1 km đường bê tông vào khu vực sản xuất.

Đường bê tông vào HTX Dứa sạch Hương Sơn vừa được Sở Nông nghiệp và PTNT đầu tư xây dựng.

Đường bê tông vào HTX Dứa sạch Hương Sơn vừa được Sở Nông nghiệp và PTNT đầu tư xây dựng.

“Nhờ đường đi thuận lợi nên việc tiêu thụ dứa và một số nông sản khác cùng vận chuyển phân bón của các thành viên HTX thuận lợi hơn. Sản phẩm được công nhận OCOP và tiêu thụ tại nhiều thị trường trong nước. Ngoài hỗ trợ làm đường, HTX còn được hưởng một số chính sách ưu đãi về phân bón, tập huấn kiến thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP…”, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc HTX cho biết.

Bắc Giang hiện có khoảng 120 HTX nông nghiệp tham gia hoạt động liên kết bằng hợp đồng ổn định. Đồng thời là đầu mối thu mua, đưa sản phẩm ra thị trường, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Vai trò của HTX trong Chương trình OCOP ngày càng được khẳng định, trong đó có khoảng 85% sản phẩm OCOP là của các HTX.

Theo Liên minh HTX tỉnh, Bắc Giang hiện có khoảng 120 HTX nông nghiệp tham gia hoạt động liên kết bằng hợp đồng ổn định. Đồng thời là đầu mối thu mua, đưa sản phẩm ra thị trường, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Những HTX nông nghiệp tiêu biểu như: Rau sạch Yên Dũng, Nông nghiệp Phú Thịnh (Yên Dũng); Nông nghiệp Hạnh Phúc (Việt Yên); Nông nghiệp Huyền Trang Ngọc Lý, Vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên); Lục Ngạn Xanh…

Bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số khó khăn như nguồn lực của các HTX hạn chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX nhiều nhưng dàn trải, phân tán, một số chính sách không có tính khả thi, hiệu quả chưa cao. Cùng đó, bản thân một số HTX chưa đáp ứng đủ tiêu chí để được hưởng cơ chế chính sách, còn thiếu năng động, trông chờ, ỷ lại hoặc chưa phát huy tốt các nguồn hỗ trợ”.

Quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ cho thấy chưa có HTX nào được hỗ trợ lãi suất. Nguyên nhân là do đa số HTX nông nghiệp không có tài sản thế chấp để vay vốn từ ngân hàng thương mại. Ngoài ra cũng chưa có HTX nào được hỗ trợ thuê đất nông nghiệp, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích tối thiểu từ 10 ha tập trung trở lên (mặc dù đã có một số HTX đăng ký nội dung này).

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, khi đối chiếu với điều kiện thì các HTX không đáp ứng được yêu cầu, do thời gian thực hiện thuê đất trước thời điểm Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành; một số HTX không chứng minh được việc thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân (do thuê lại đất công ích)... Để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời phát huy hơn nữa hiệu quả chính sách, tạo thêm những đòn bẩy quan trọng giúp HTX phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đã tham mưu, đề xuất với tỉnh sửa đổi, bổ sung một số quy định.

Theo đó, đề xuất bãi bỏ nội dung “Hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp” vì Nhà nước đang có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các HTX có thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản.

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất là thành viên HTX. Đối với nội dung hỗ trợ tập trung đất đai, quy định giảm diện tích thuê đất tối thiểu phù hợp với từng vùng (5 ha đối với trung du và miền núi; 7 ha đối với đồng bằng) và nâng mức hỗ trợ lên tối đa không quá 20 triệu đồng/ha/năm để tương đồng với mức hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 của HĐND tỉnh Quy định cơ chế chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/415980/don-bay-cho-htx-nong-nghiep.html