'Đòn bẩy' phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn

Thời gian qua, các cấp, ngành huyện Bù Gia Mập đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, chương trình hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả thiết thực.

“BỆ ĐỠ” CHO TIỂU THƯƠNG PHÁT TRIỂN

Vợ chồng anh Trần Văn Tiên ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập mở tiệm tạp hóa được hơn 5 năm, nhưng chỉ có vài mặt hàng thiết yếu vì thiếu vốn đầu tư. Trong lúc đang khó khăn, năm 2020, vợ chồng anh được hỗ trợ vay hơn 100 triệu đồng từ chương trình vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện. Nhờ đó, tiệm tạp hóa được mở rộng với khá đầy đủ mặt hàng phục vụ nhu cầu người dân nơi đây.

Anh Tiên cho biết: “Sau khi được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay vốn, tôi đã đầu tư mở rộng tiệm tạp hóa, mua thêm nhiều loại hàng nên công việc buôn bán phát triển hơn. Người dân cũng như các tiểu thương buôn bán nhỏ ở vùng sâu, vùng xa này rất khó khăn về vốn. Tôi mong nhiều người dân được tiếp cận vốn chính sách để đầu tư sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống”.

Nhờ được vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiệm tạp hóa của gia đình anh Trần Văn Tiên ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập mở rộng với nhiều mặt hàng, đáp ứng nhu cầu người dân địa phương

Nhờ được vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiệm tạp hóa của gia đình anh Trần Văn Tiên ở thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập mở rộng với nhiều mặt hàng, đáp ứng nhu cầu người dân địa phương

Gắn bó với nghề làm bánh kem ở khu vực chợ xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đã hơn 10 năm, bà Lê Thúy Nga vẫn khá chật vật vì thiếu vốn. Công việc kinh doanh của bà không phát triển được, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống của gia đình hằng ngày.

Từ khi được tiếp cận vốn chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, bà Nga có điều kiện mua thêm nhiều trang thiết bị, nguyên, vật liệu làm bánh. Hai năm qua, công việc kinh doanh của bà Nga phát triển thuận lợi. Bên cạnh làm bánh kem, bà còn làm thêm các loại bánh ngọt, bán đồ chơi trẻ em, quà sinh nhật… thu nhập từ 500-700 ngàn đồng/ngày. Bà Nga phấn khởi chia sẻ: “Tôi được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vay 90 triệu đồng. Số tiền này với nhiều người có thể là nhỏ, nhưng với những hộ sản xuất, kinh doanh như tôi ở vùng khó khăn này rất lớn, có thể làm được nhiều việc. Nhờ số vốn này mà công việc làm ăn của tôi đã phát triển, thu nhập cũng tăng lên 2-3 lần”.

THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Trước đây, để mua một số mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống gia đình hằng ngày hoặc bán một vài kilôgam hàng nông sản, người dân ở thôn Đắk Á phải đi gần 10km ra trung tâm xã Bù Gia Mập. Khi tạp hóa gia đình anh Trần Văn Tiên được đầu tư với cơ bản mặt hàng các loại thì bà con không còn tốn thời gian đi lại mà vẫn mua được đồ dùng cần thiết. Ngoài ra, anh Tiên cũng thu mua một số mặt hàng nông, lâm sản. Từ đó, tiệm tạp hóa của gia đình anh Tiên trở nên nhộn nhịp với các hoạt động mua bán, trao đổi nông sản của người dân địa phương.

Công việc làm và bán kem của bà Lê Thúy Nga ở thôn 2, xã Phú Văn cũng phát đạt do được đầu tư mở rộng

Công việc làm và bán kem của bà Lê Thúy Nga ở thôn 2, xã Phú Văn cũng phát đạt do được đầu tư mở rộng

Bà Thị Phương cho biết: “Trước đây, mình muốn mua hay bán gì cũng phải đi ra trung tâm xã vừa tốn tiền xăng vừa mất thời gian, vất vả lắm. Từ lúc tiệm tạp hóa của anh Tiên bán đầy đủ mặt hàng, bà con ở đây thuận tiện hơn rất nhiều”.

Có thể khẳng định, nguồn vốn cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng đồng bào DTTS và miền núi đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Thông qua đó đã giúp các hộ có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ đó, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, vùng khó khăn, vùng DTTS.

Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập PHẠM SỸ HOÀN

Bình Phước hiện còn 5 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, trong đó huyện Bù Gia Mập có 3 xã. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng khó khăn, vùng DTTS, huyện Bù Gia Mập đã triển khai lồng ghép đồng bộ nhiều chính sách. Trong đó, chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, kinh doanh là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả nhất. Đến nay, nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của huyện đã hỗ trợ 2.212 hộ gia đình với tổng dư nợ hơn 82 tỷ đồng.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa khẳng định: “Trong tổng số 17 chương trình cho vay, thì chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn mang lại hiệu quả nổi bật. Bởi những hộ được tiếp cận vốn luôn có kế hoạch làm ăn và trả nợ đúng hạn. Qua đó, không chỉ giúp họ vươn lên phát triển kinh tế mà còn góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/145925/don-bay-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-kho-khan