Dồn điền đổi thửa ở Hải Nhân, Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Nảy sinh khiếu kiện vì đi chệch mục tiêu

Cách đây hơn 1 năm, Huyện ủy Tĩnh Gia 'khởi động' lại cuộc vận động chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn từng thực hiện gần 15 năm trước. Bước đầu thí điểm ở 2 xã Hải Nhân và Các Sơn. Đến thời điểm này, các địa phương trên đã cơ bản thực hiện xong việc thí điểm.

Kỳ I: Chủ quan, duy ý chí

Có thể nói, việc thí điểm đã thành công nếu không "lộ" ra vụ bất ổn tại thôn Thượng Nam, xã Hải Nhân là bỏ qua thành quả đã đạt được từ cuộc vận động trước, gò ép đến mức nảy sinh khiếu kiện nhưng không giải quyết. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện sai phạm, yêu cầu chấn chỉnh thì địa phương chần chừ không thực hiện, đổ lỗi cho đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới; tạo hiềm khích trong nội bộ dân chúng, gây tư tưởng hoài nghi vào sự lãnh đạo của cơ quan cấp trên...

Sau cuộc vận động DĐĐT năm 1998, từ 4 mảnh ở 4 xứ đồng khác nhau, gia đình ông Tâm đã được dồn, đổi thành 1 mảnh có diện tích 1.000m2, nằm ngay phía sau nhà. Năm 2011, UBND huyện Tĩnh Gia cũng đã cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Tâm trên mảnh đất nông nghiệp này. Nếu đánh giá trên mọi phương diện, trường hợp gia đình ông Tâm là hoàn thiện nhất xã. Vậy mà, vẫn chỉ thị ấy, mục tiêu ấy, nay xã Hải Nhân lại bắt gia đình ông phải đưa đất vào bốc thăm, để lấy mảnh đất khác có diện tích nhỏ hơn, xa hơn.

Nguồn cơn

Đầu tháng 3/2013, Thanh tra Chính phủ (TTCP) nhận được đơn khiếu nại khẩn cấp của bà Lê Thị Hà, thường trú tại thôn Thượng Nam, xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa trình bày việc ông Lê Hữu Tuấn (Chủ tịch UBND xã Hải Nhân) tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi 1.000m2 đất của gia đình giao cho gia đình khác quản lý, sử dụng. Thửa đất này gia đình bà Hà đã được UBND huyện Tĩnh Gia cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hợp pháp, sử dụng đúng mục đích, không mua bán, tranh chấp với ai. Lý do của cuộc cưỡng chế là gia đình không đồng tình với việc ép buộc đưa đất vào thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) do xã triển khai.

Bà Hà trình bày, sở dĩ gia đình không thực hiện cuộc DĐĐT đợt này vì sau khi dồn 4 mảnh ở nhiều xứ đồng khác nhau vào năm 1998, gia đình được xã đổi cho thửa đất này theo đúng mục tiêu đặt ra của công cuộc DĐĐT. Do vậy, việc thôn và xã yêu cầu gia đình đưa đất vào bốc thăm lại là không cần thiết và không thỏa đáng. Cũng chính trong cuộc cưỡng chế này, bà Hà đã bị lực lượng chức năng hành hung tới mức phải nhập viện. Gia đình đã có đơn kêu cầu nhiều nơi nhưng không được xem xét, giải quyết...

Xét vụ việc có tính chất phức tạp, TTCP đã có Văn bản số 1226/TTCP-C.II gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chỉ đạo UBND huyện Tĩnh Gia và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết đơn bà Hà theo đúng các quy định của pháp luật.

Sau khi làm việc với Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, nghiên cứu hồ sơ và kiểm tra thực địa, ngày 6/6/2013, Thanh tra tỉnh có Văn bản 561/CV-TTTH báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Chỉ thị số 13/CT-TU về DĐĐT và thực tế diễn ra ở Hải Nhân, với cụ thể trường hợp gia đình bà Hà, việc Chủ tịch UBND xã Hải Nhân tổ chức đo đất, giao cho gia đình khác là vi phạm QSDĐ hợp pháp của hộ bà Lê Thị Hà, cần được xử lý.

Thanh tra tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia chỉ đạo UBND xã Hải Nhân trả lại 1.000m2 đất tại thửa đất số 199, tờ bản đồ số 20B mà gia đình bà Hà đang sử dụng ổn định hợp pháp, phù hợp với Chỉ thị số 13/CT-TU của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Đồng thời, kiểm tra làm rõ sai phạm của Chủ tịch UBND xã Hải Nhân và các cá nhân liên quan vì đã để xảy ra sai phạm trên.

Sau báo cáo này của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có ý kiến đồng thuận và có Văn bản số 4175/UBND-TD chỉ đạo UBND huyện Tĩnh Gia thực hiện (như ý kiến của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa), báo cáo TTCP trước ngày 25/6/2013.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, TTCP vẫn chưa nhận được văn bản nào từ Thanh Hóa như tinh thần Văn bản 4175 nêu trên. Ngược lại, chỉ là những thông tin đề nghị giúp đỡ từ phía gia đình bà Hà tiếp tục bị o ép, thậm chí là tẩy chay trong sinh hoạt ở khu dân cư…

Sai tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa

Ngày 3/9/1998, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 13 CT/TU về cuộc vận động thực hiện DĐĐT, tạo điều kiện cho hộ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Mục đích được đưa ra là: Xóa bỏ tình trạng ruộng đất phân tán, manh mún, tạo điều kiện cho hộ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc chuyển đổi ruộng đất phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện của các hộ nông dân... Sau chỉ thị này, toàn tỉnh Thanh Hóa đã cho triển khai cuộc vận động tới từng thôn, xóm và đã đạt được những kết quả nhất định (DĐĐT đợt 1).

Kế thừa những kết quả của cuộc DĐĐT lần 1, đầu quý II/2012, Ban Thường vụ Huyện ủy Tĩnh Gia đã họp và đi đến quyết nghị thống nhất chủ trương DĐĐT (đợt 2). Thực hiện chỉ đạo này, Đảng ủy xã Hải Nhân đã có Nghị quyết số 06-NQ/ĐU về vận động nông dân thực hiện chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn năm 2012. Mục tiêu được đưa ra rất rõ ràng: "Chuyển đổi ruộng đất lần này mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa. Phấn đấu đạt 60% hộ nông dân chỉ có 1 thửa và 40% hộ nông dân có 2 thửa...".

Nhiệm vụ của Nghị quyết 06 nêu ra cũng cơ bản đi đúng tinh thần của Chỉ thị 13 của Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng như yêu cầu của Thường trực Huyện ủy Tĩnh Gia là "quá trình triển khai phải bảo đảm dân chủ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân...". Tuy nhiên, Nghị quyết 06 đã sáng tạo thêm là: "... để xem xét và quyết định theo đa số". Thậm chí, còn khẳng định rõ: “Trong trường hợp khi thôn tổ chức bốc thăm một số hộ chống đối không đến tham gia bốc thăm, nhân dân thảo luận và quyết định việc có giao đất cho hộ đó hay không và nếu giao bằng hình thức nào do nhân dân quyết định”. Chính sự sáng tạo này đã làm mất đi tính cơ bản, xuyên suốt trong chỉ đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa của việc DĐĐT là "vận động". Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự vụ tai tiếng mà chúng tôi đã dẫn ở phần trên.

Thực hiện Nghị quyết 06, UBND xã Hải Nhân đã có Phương án 113/PA-UBND ngày 26/5/2012. Theo đó, các bước tiến hành thực hiện ớ các thôn được hướng dẫn là tổng hợp diện tích đất chia cơ bản tại thời điểm năm 1993 theo Nghị định 64 cũng như số nhân khẩu chia tại thời điểm năm 1993. Ở đây, xã Hải Nhân đã bỏ qua các thành quả đã đạt được của cuộc DĐĐT lần 1 mà làm lại từ đầu. Chính vì vậy, nhiều hộ từng được giao nhiều mảnh đã được đổi, dồn thành 1 mảnh, tiện canh, tiện cư từ cuộc dồn điền đợt 1 cũng bị đưa vào dồn lại lần này, cho bốc thăm lại. Điển hình như trường hợp gia đình ông bà Nguyễn Ngọc Tâm, Lê Thị Hà.

Do việc chỉ đạo lệch hướng này, nên khi triển khai xuống thôn Thượng Nam, mặc dù nhiều hộ đã có ý kiến xin không tham gia (vì cuộc DĐĐT đợt 1, gia đình họ đã thuộc diện đạt được mục đích của cuộc vận động), nhưng thôn không cho. Thậm chí, gia đình bà Hà có đơn đề nghị, nhưng cũng bị bác bỏ. Sau này, thôn tổ chức bốc thăm, gia đình bà Hà không tham gia; thửa đất nông nghiệp của gia đình bà Hà được gia đình ông Nguyễn Trọng Hùng bốc thăm được và đã được thôn Thượng Nam (dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Chủ tịch xã Hải Nhân, có sự hỗ trợ của lực lượng công an viên xã) tổ chức bàn giao. Việc bàn giao này được diễn ra giống như một cuộc “cưỡng chế”, như trình bày trong đơn bà Hà đã nêu ở phần trên.

Xin được nói thêm rằng, UBND xã Hải Nhân đã không thực hiện triệt để cuộc DĐĐT lần 1 vào năm 1998. Theo chỉ đạo của Chỉ thị số 13, sau khi DĐĐT xong, “ngành Địa chính có trách nhiệm làm tốt công việc hướng dẫn và chỉ đạo nghiệp vụ, hoàn thiện hồ sơ địa chính; lập sổ, cấp GCNQSDĐ đến từng thửa cho hộ nông dân theo quy định”. Nhưng, Hải Nhân đã không thực hiện chỉ đạo này.

Năm 2011, gia đình bà Hà, ông Tâm đã đề nghị UBND xã làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho thửa đất 1.000m2. Sau đó, Chủ tịch UBND huyện đã cấp GCNQSDĐ số BE 183768 cho ông Tâm, bà Hà. Đây là trường hợp duy nhất của xã Hải Nhân được cấp GCNQSDĐ sau cuộc DĐĐT năm 1998. Do vậy, hiện nay Hải Nhân xảy ra tình trạng khá phổ biến: Các GCNQSDĐ nông nghiệp (cấp cho dân năm 1994) không còn giá trị thực tế (vì cuộc chuyển đổi năm 1998 đã làm thay đổi diện tích, vị trí hoàn toàn) nay vẫn tồn tại trong dân.

Điều này nguy hại vô cùng, nếu các GCN được người dân đưa đi mua bán, cầm cố, thế chấp… Ngay trên mảnh đất mà gia đình ông Tâm, bà Hà được cấp GCNQSDĐ số BE 183768, còn tồn tại 3 GCNQSDĐ khác được cấp năm 1994, nay không còn giá trị thực tế (đáng lẽ ra phải bị hủy bỏ trước khi cấp mới cho gia đình bà Hà, ông Tâm). Việc ép buộc dân đưa đất vào DĐĐT của Hải Nhân đã làm mất đi tính nhân văn của Chỉ thị 13 do Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành. Nay, Chỉ thị này tiếp tục được hiểu một cách méo mó tại địa phương, nhằm đổ lỗi cho Thanh tra tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh này chỉ đạo không khách quan, dân chủ, làm hỏng công lao, thành tích của cuộc DĐĐT năm 2012.

Theo Báo Thanh tra

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/don-dien-doi-thua-o-hai-nhan-tinh-gia-thanh-hoa-nay-sinh-khieu-kien-vi-di-chech-muc-tieu.html