Đơn Dương: Hình thành nhiều vùng nông nghiệp công nghệ cao

Để tiến tới xây dựng nền nông nghiệp theo hướng thông minh, bước đầu huyện Đơn Dương đã thành lập các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thật sự mang lại hiệu quả cho vùng sản xuất rau Lạc Lâm. Ảnh: H.Yên

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã thật sự mang lại hiệu quả cho vùng sản xuất rau Lạc Lâm. Ảnh: H.Yên

Hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC

Với tình hình thực tế và tiềm năng sẵn có, huyện Đơn Dương đã và đang bắt tay thực hiện nền nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh với 5 nhóm nội dung: về quy mô sản xuất; kết cấu hạ tầng; tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng CNC theo hướng thông minh; hiệu quả và bền vững.

Trước tiên muốn đạt được trình độ đó, huyện đã bắt đầu xây dựng 2 vùng sản xuất rau ứng dụng CNC huyện Đơn Dương giai đoạn 2017-2020 đó là vùng sản xuất rau ứng dụng CNC tại xã Lạc Lâm 120 ha, trên địa bàn các thôn Lạc Thạnh, Quỳnh Châu Đông, Hải Hưng và vùng sản xuất rau ứng dụng CNC tại xã Lạc Xuân 167 ha, trên địa bàn các thôn Lạc Viên A, B. Qua đó, huyện đã vận động và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP…), tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và sau thu hoạch, đặc biệt là công nghệ sinh học trong sản xuất, phòng trừ dịch hại (hệ thống nhà kính, nhà lưới, hệ thống thủy canh, khí canh, tưới tiết kiệm, quản lý dịch hại tổng hợp…), hỗ trợ hình thành các chuỗi sản xuất rau bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm phát thải khí nhà kính…

Việc thành lập các vùng sản xuất rau ứng dụng nông nghiệp CNC đã được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ, đã có doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và hình thành nên chuỗi liên kết giá trị. Người sản xuất trong vùng phần lớn có kinh nghiệm trồng rau nhiều năm nên đã chọn, tạo những giống rau thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng. Ngoài ra, các nông hộ ở đây cũng tương đối mạnh dạn đầu tư về công nghệ mới, một số hộ dân áp dụng CNC đồng bộ, tạo hiệu quả kinh tế và có nhận thức cao trong việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Qua đó, tại những vùng này đã bắt đầu thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng, phát triển các mô hình rau, hoa sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, nhà màng, sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng công nghệ thông minh, tự động hóa, điều khiển từ xa thông qua internet...

Từ nguồn vốn sự nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo cho Trung tâm Nông nghiệp huyện triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông, trong đó có mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong điều khiển tưới tự động trên cây rau và đã có khá nhiều hộ đăng ký thực hiện mô hình. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ…

Đã có nhiều nông dân ở 2 vùng nêu trên mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đầu tư vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Cùng với đó, huyện còn tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn, xây dựng và củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), nhất là các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa;... Từ đó, phát huy vai trò cầu nối trong mối liên kết giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm với cơ sở sản xuất, hộ nông dân để phát huy thế mạnh của mỗi bên, nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh, thương hiệu, uy tín thị trường.

Hướng tới nền nông nghiệp thông minh

Tính đến nay, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản của huyện theo giá so sánh năm 2010 đạt 6.918,5 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt từ 200-500 triệu đồng/ha, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 62 triệu đồng/người/năm.

Với khoảng 80% dân số có nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp với các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của huyện là rau, hoa; Đơn Dương trở thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng.

Theo kết quả thống kê, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn huyện trên 20 nghìn ha, trong đó diện tích đất canh tác do các hộ dân sản xuất gần 19,3 nghìn ha, còn lại do các doanh nghiệp sản xuất rau. Với những thuận lợi về thời tiết, khí hậu, tài nguyên đất, nước phù hợp với sản xuất nông nghiệp; đặc biệt, những năm gần đây, với sự tích cực vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là sự sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm của người nông dân, nông nghiệp CNC của huyện Đơn Dương đã được triển khai thực hiện với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là công nghệ nhà kính, nhà lưới, xử lý môi trường đất, môi trường nước,… giúp Đơn Dương trở thành một trong những điển hình tiêu biểu của cả nước về nông nghiệp CNC, huyện nông thôn mới.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, trong thời gian qua, nhiều sản phẩm làm ra chưa gắn với nhãn hiệu sản phẩm, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa nhiều, Nhân dân quan tâm chưa nhiều đến việc đăng ký sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, công nghệ chế biến sau thu hoạch còn hạn chế. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu là thị trường tự do, việc liên kết và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng chưa được nhiều… Xuất phát từ tình hình trên, việc xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng CNC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất là nhu cầu bức thiết để tiến tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ở nông thôn, từng bước xây dựng hoàn chỉnh giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, ao hồ chứa nước và hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cải thiện, nâng cao đời sống sinh hoạt của dân cư nông thôn, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phát huy hiệu quả các nguồn lực xã hội trong sản xuất ứng dụng CNC.

Bà Tou Prong Nai Khoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương cho biết, để nông nghiệp huyện phát triển đồng bộ và toàn diện, các ban ngành chức năng đã tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể như: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; xây dựng và củng cố các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất rau, hoa,; tăng cường đầu tư, ứng dụng CNC trong sản xuất, chế biến; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ứng dụng CNC và nông nghiệp thông minh; xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh... Với sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo huyện cùng những giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể cùng sự tích cực hưởng ứng của người dân, sẽ là cơ sở, là tiền đề quan trọng để huyện Đơn Dương thực hiện và phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201911/don-duong-hinh-thanh-nhieu-vung-nong-nghiep-cong-nghe-cao-2972051/