Đơn Dương: Khẳng định sản phẩm lợi thế từ chương trình mỗi xã một sản phẩm

Trọng tâm của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Tại huyện Đơn Dương - vựa rau chủ lực của tỉnh, chương trình tuy đã bước đầu mang lại kết quả, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các xã, thị trấn trên toàn huyện.

Cơ sở sản xuất bánh tráng Thiên Thảo được đầu tư trang thiết bị, đảm bảo tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP

Cơ sở sản xuất bánh tráng Thiên Thảo được đầu tư trang thiết bị, đảm bảo tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP

Nâng cao giá trị sản phẩm

Trong xưởng bánh tráng được đầu tư máy móc và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, anh Nguyễn Khắc Trường (chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thiên Thảo, thôn Xuân Thượng, xã Lạc Lâm, sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2020) cho biết, mỗi ngày, cơ sở của anh xuất ra thị trường khoảng 7.000 bánh tráng, chủ yếu đưa đi TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. “Mặc dù phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và khó tính hơn của khách hàng, tuy nhiên, OCOP chính là giấy chứng nhận cho uy tín và chất lượng của sản phẩm. Đây cũng là hướng đi để chúng tôi tiếp tục phát triển sản phẩm lớn mạnh và lâu dài hơn” - anh Trường nói.

Tại xã Tu Tra, sản phẩm bột bí Nhật sấy lạnh của Nguyễn Thị Hoài Anh (22 tuổi) ra đời vào năm 2020 - khi dịch COVID-19 diễn ra làm sản phẩm không tiêu thụ được, giá bí giảm khiến nông dân xã Tu Tra thất thu, điêu đứng. Hoài Anh tìm ra công nghệ sấy lạnh và công thức chuẩn cho sản phẩm bột bí để phần nào giải quyết tình trạng này. Tháng 7/2020, sản phẩm Bột bí An của Hoài Anh được Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Đơn Dương đánh giá, chấm điểm là sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Cùng với bánh tráng mắm ruốc của cơ sở bánh tráng Thiên Thảo và bột bí Nhật của cơ sở bột bí Nhật An, năm 2020, huyện Đơn Dương đã thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng cho 2 sản phẩm cấp huyện khác gồm chao ớt (Công ty TNHH thực phẩm Đại Bình Dương, xã Lạc Xuân) và rượu đương quy (HTX Dược liệu Như Ý, xã Đạ Ròn). Hiện đã trình UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, xếp hạng. Trước đó, vào năm 2019, huyện Đơn Dương đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đơn Dương, hàng năm, UBND huyện đã hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các đơn vị có sản phẩm được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Năm 2019, huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim, năm 2020 đã đầu tư 350 triệu đồng cho Công ty TNHH thực phẩm Đại Bình Dương, HTX Dược liệu Như Ý và cơ sở bột bí Nhật An nhằm nâng cấp trang thiết bị, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Lúng túng trong lựa chọn sản phẩm

Theo bà Tou Prong Nai Khoan - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đơn Dương: Quá trình triển khai xây dựng sản phẩm OCOP, địa phương nào có sẵn sản phẩm đặc thù sẽ rất dễ lựa chọn thực hiện, còn đối với những địa phương đang trồng rau, củ, quả đơn thuần như nhiều xã trên địa bàn huyện sẽ gặp khó khăn hơn, vì chưa thể trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương. Ngoài ra, một số sản phẩm chủ lực của huyện đang còn khó khăn trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm và kéo dài thời gian tiêu thụ.

Tại xã Ka Đô, ông Lưu Hoàng Mẫn - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, với đặc thù sản xuất rau, củ, quả, việc người dân sử dụng lượng thuốc hóa học bảo vệ thực vật là không thể tránh khỏi. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến môi trường đất và không khí, điều này gây không ít khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn. Hiện tại, xã Ka Đô đang cố gắng khắc phục hạn chế này để xây dựng sản phẩm măng tây đạt chuẩn OCOP.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đơn Dương, một số cá nhân, doanh nghiệp còn ngại tham gia chương trình vì phải hoàn thiện nhiều thủ tục như các mẫu xét nghiệp, các chứng nhận chất lượng sản phẩm, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường,... Đồng ý với điều này, anh Nguyễn Khắc Trường - chủ cơ sở bánh tráng Thiên Thảo chia sẻ: Mặc dù được UBND xã hỗ trợ nhưng hiện nay gia đình vẫn gặp những khó khăn về giấy tờ, thủ tục để hoàn thiện hồ sơ, nhất là hóa đơn khi mua nguyên liệu hay truy xuất nguồn gốc.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đơn Dương phấn đấu hàng năm, mỗi xã có 1 - 2 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên; đến năm 2025 toàn huyện sẽ có trên 20 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Để làm được điều này, huyện tiến hành tổ chức rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản của địa phương hoặc ít nhất sử dụng 50% nguyên liệu ở địa phương, có tính độc đáo, có gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện tổ chức đánh giá chuỗi giá trị các sản phẩm tiềm năng đạt từ 3 sao trở lên để phân tích rõ điều kiện, khả năng phát triển của sản phẩm, có các biện pháp hỗ trợ theo chuỗi, khâu sản xuất.

VIỆT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202106/don-duong-khang-dinh-san-pham-loi-the-tu-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-3059950/