Đơn Dương xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp...

Ngày 6/3/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương với mục tiêu chủ đạo đến năm 2025, Đơn Dương trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Sản xuất rau hữu cơ thương phẩm ở Nhà thờ Ka Đơn, với thuốc bảo vệ thực vật làm từ chanh, ớt, gừng, tỏi, rượu...

Sản xuất rau hữu cơ thương phẩm ở Nhà thờ Ka Đơn, với thuốc bảo vệ thực vật làm từ chanh, ớt, gừng, tỏi, rượu...

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh được các nhà khoa học phác thảo, đó là, phát triển trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo. Để phát triển nông nghiệp thông minh, trước mắt cần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để phát triển nông nghiệp thông minh. Có thể ứng dụng kịp thời có chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của thời kỳ cách mạng 4.0 trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng hiệu quả của chuỗi sản xuất và thương mại hóa sản phẩm.

Cụ thể, tại huyện Đơn Dương, các tiêu chí hướng đến gồm 5 nhóm là quy mô sản xuất, kết cấu hạ tầng, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, hiệu quả, bền vững.

Về quy mô sản xuất, sản phẩm nông nghiệp được sản xuất trên quy mô, khối lượng hàng hóa lớn, nằm trong quy hoạch; có các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh với các sản phẩm chủ lực của địa phương; quy mô diện tích các sản phẩm tại vùng sản xuất tập trung đáp ứng đủ điều kiện để đạt tiêu chí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ được đầu tư đồng bộ về giao thông, thủy lợi, điện, kho chứa, điểm tập kết và kết nối nội vùng, liên vùng... Tổ chức sản xuất theo hình thức trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác; hình thành mô hình liên kết theo chuỗi giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã và giữa tổ chức của nông dân với doanh nghiệp, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh thể hiện ở việc thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn chứng nhận được khuyến khích; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong hầu hết các khâu của quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao từ khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến cho đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh áp dụng ít nhất 4-5 yếu tố cần thiết của nông nghiệp thông minh.

Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất; bảo đảm hài hòa các lợi ích xã hội, sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường gắn với thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, rác thải nông nghiệp, bảo vệ cảnh quan, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sản xuất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của thị trường.

Theo lộ trình, đến năm 2020, tại Đơn Dương, có 6/8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Đồng thời, có 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; giá trị sản xuất bình quân đạt 220 triệu đồng/ha; có ít nhất 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, 5 mô hình doanh nghiệp/trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh; mỗi xã có ít nhất 1 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả, gắn với cung cấp dịch vụ đầu vào và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; thu nhập bình quân đạt 75 triệu đồng/người/năm.

Đến năm 2025, tất cả các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thêm 2 xã nữa đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh; 95% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, giá trị sản xuất đạt từ 240-250 triệu đồng/ha, có ít nhất 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có từ 10 mô hình doanh nghiệp/ trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh; mỗi xã có ít nhất 2 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả gắn với cung cấp dịch vụ đầu vào và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả; thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/người/năm; và được công nhận là huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201909/don-duong-xay-dung-huyen-nong-thon-moi-kieu-mau-ve-nong-nghiep-2963758/