Đơn giản, công khai, minh bạch quy trình thủ tục hành chính

Sở KH-ĐT hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết TTHC thông qua Cổng DVCTT. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Ứng dụng công nghệ thông tin là nhu cầu thiết yếu trong thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, trong đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là giải pháp hiệu quả góp phần đơn giản, công khai, minh bạch quy trình thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Công khai, thuận tiện

Có nhu cầu đăng ký cấp điện mới, thông qua Cổng DVCTT, anh Nguyễn Tấn Hào (xã An Chấn, huyện Tuy An) đăng ký ngay tại nhà thay vì phải đến tận trụ sở điện lực làm hồ sơ như trước đây. Anh Hào cho biết: Trước đây tôi không hiểu rõ về DVCTT.

Gần đây, vì lo ngại dịch bệnh, hạn chế đến nơi đông người nên tôi quyết định tìm hiểu phương thức đăng ký trực tuyến. Sau khi thực hiện một số dịch vụ, tôi thấy cách làm này thực sự tiện ích. Còn theo anh Phạm Thanh Tuấn (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa), qua các kênh truyền thông anh Tuấn biết đến việc cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải qua mạng nên anh vào Cổng DVCTT của tỉnh tham gia ngay.

Phụ trách giải quyết các TTHC liên quan đến đất đai, thường xuyên phải giải quyết phần lớn các công việc nên chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, cán bộ phụ trách Chi nhánh Văn phòng đất đai huyện Tây Hòa không tránh khỏi những quá tải, áp lực. Tuy nhiên, gần đây, nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, áp lực công việc đã giảm bớt, việc giải quyết các thủ tục cho công dân nhanh chóng hơn.

Chị Thảo chia sẻ: Trước đây, biên lai đất đai là phải viết tay, bây giờ nhập vào máy, bớt được công đoạn phải nhập đi nhập lại từng cái. Trên Cổng DVCTT, quy trình cũ không nhập vào cổng DVC nay được nhập trực tiếp trên cổng thì mình kiểm soát được hồ sơ, biết từng công đoạn nào để công dân dễ dàng theo dõi.

Sở Xây dựng là một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai DVCTT với hơn 50 dịch vụ. Nhờ làm tốt công tác cải cách hành chính nên số lượng hồ sơ ở mức độ 3, 4, giao dịch thanh toán phí, lệ phí bằng điện tử ngày một tăng. Ông Trần Xuân Túc, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong thời gian đến, sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, trong đó khuyến khích có nhiều biện pháp rút ngắn thủ tục thanh toán điện tử.

“Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin có thể thấy rõ rệt nhất là việc phát triển mạnh mẽ các DVC. Cổng DVCTT đến nay duy trì hoạt động ổn định, vừa thực hiện chức năng cổng vừa thực hiện chức năng một cửa điện tử, đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và trả kết quả trên hệ thống, giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC. Ngoài ra, cổng DVC tích hợp DVCTT của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung; tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu bưu điện; tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ”, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Góp phần xây dựng Chính quyền điện tử

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết: Thời gian qua, sở đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, trong đó tập trung đẩy mạnh các DVCTT, nhất là cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, 4. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Hướng đến, sở sẽ từng bước chuyển hầu hết các thủ tục lên mức độ 4, để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp. Đây là một điều mà cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm và cùng với tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử theo đúng lộ trình.

Theo Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Trần Thanh Hưng, hiện nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm một cửa điện tử, phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Đến nay, toàn tỉnh đã tích hợp và công khai 2.000 TTHC, trong đó có 36 DVC được gắn mã định danh ngành, lĩnh vực, thủ tục được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia, 126 TTHC mức độ 4 và 223 TTHC mức độ 3. 100% các cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh đáp ứng quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và DVCTT trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, và Thông tư 32 Bộ TT-TT. Qua đó góp phần hoàn thiện cấu trúc Chính quyền điện tử của tỉnh.

“Để tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng DVC, tỉnh đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử; công khai cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Danh mục DVCTT mức độ 3, mức độ 4 và giao chỉ tiêu thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4. UBND tỉnh cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Liên Việt Post bank, Ngân hàng Công thương chi nhánh Phú Yên triển khai thanh toán trực tuyến và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện DVCTT và thực hiện tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích để hạn chế việc tập trung đông người, phòng lây lan dịch bệnh COVID-19. Cổng DVCTT của tỉnh đã hoàn thành kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC lên Cổng DVC quốc gia”, đồng chí Trần Hữu Thế cho biết thêm.

Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin có thể thấy rõ rệt nhất là việc phát triển mạnh mẽ các DVC. Cổng DVCTT đến nay duy trì hoạt động ổn định, vừa thực hiện chức năng cổng vừa thực hiện chức năng một cửa điện tử, đáp ứng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 và trả kết quả trên hệ thống, giúp công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

PHẠM THÙY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/254806/don-gian-cong-khai-minh-bach-quy-trinh-thu-tuc-hanh-chinh.html