Đón Tết vùng Kinh Bắc tại Bảo tàng Dân tộc học

Trong hai ngày mùng 7 và 8 Tết (tức ngày 28 và 29 Dương lịch), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình 'Vui Xuân Quý Mão: Sắc thái văn hóa Bắc Ninh'.

Trình diễn quan họ của các liền anh, liền chị.

Trình diễn quan họ của các liền anh, liền chị.

Độc đáo tục kéo dây lấy lửa

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Bắc Ninh là một trong những tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ nhất cả nước, nhưng có tới 547 lễ hội. Số lượng lễ hội trên phân bố dày đặc và đều khắp ở các huyện và thành phố trong tỉnh. Lễ hội ở Bắc Ninh có những giá trị độc đáo, gắn với lịch sử, vị trí, đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo của vùng đất.

Trong chương trình “Vui Xuân Quý Mão: Sắc thái văn hóa Bắc Ninh” sẽ có các hoạt động trình diễn bao gồm: dựng cây nêu, gói bánh chưng, in tranh Đông Hồ, hát quan họ, trình diễn chạy ró, viết thư pháp, chơi các trò chơi dân gian gắn với Tết...

Đặc biệt, khán giả tham gia trải nghiệm có cơ hội tìm hiểu tục kéo dây lấy lửa độc đáo trong lễ hội làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong được tái hiện qua hoạt động trình diễn kéo lửa với những con thằn lằn rơm của người dân địa phương.

Tương truyền rằng, tục kéo dây lấy lửa độc đáo có nguồn gốc từ một ông tướng trên đường hành quân qua vùng đất Kinh Bắc đã hạ trại cho quân nghỉ ngơi, nấu nướng và cách làm ra lửa độc đáo cũng được lưu truyền từ đây.

Dụng cụ để thực hiện tục kéo dây lấy lửa bao gồm con thằn lằn bện bằng rơm. Ở phần đầu con thằn lằn có thanh gỗ, mùn gỗ và dây kéo bằng tre cật để dễ đánh lửa nhờ động tác kéo dây tạo ma sát mạnh vào thanh gỗ.

Khi kéo lửa, sẽ có hai người thực hiện bao gồm người dẫm lên thanh gỗ để giữ chặt và kéo dây trẻ cật để tạo ma sát, người đứng trước đầu thằn lằn chúm môi thổi hỗ trợ cho ngọn lửa bùng lên.

Tục kéo dây lấy lửa độc đáo trong lễ hội làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong.

Tục kéo dây lấy lửa độc đáo trong lễ hội làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong.

Lúc ngọn lửa bùng lên từ con thằn lằn rơm, không ai bảo ai, những người đứng xem xung quanh đều đồng loạt vỗ tay, reo mừng. Ngọn lửa lung linh hắt ánh sáng trên gương mặt những người thực hành tục như một lời cầu chúc cho năm mới sắp đến tốt lành.

Cùng với cơ hội tìm hiểu tục kéo dây lấy lửa trong lễ hội của làng Yên Vỹ, huyện Yên Phong khán giả sẽ được trải nghiệm nét đặc sắc trong chương trình là hoạt động trưng bày chuyên đề Tinh hoa văn hóa quan họ Bắc Ninh và trình diễn quan họ (hát canh, hát hội) của các liền anh, liền chị đến từ Bắc Ninh.

Từ giai điệu, ca từ, trang phục đến lề lối, lễ nghĩa của người quan họ đều được giới thiệu tại không gian này. Công chúng thích khám phá sẽ được trải nghiệm mặc thử trang phục quan họ, têm trầu cánh phượng và nghe các nghệ nhân, anh hai, chị hai chia sẻ những câu chuyện.

Bên cạnh các hoạt động mang đậm sắc thái văn hóa Bắc Ninh, cái hồn Tết Việt cũng là một phần không thể thiếu của chương trình thông qua nghệ thuật viết thư pháp, làm hoa giấy, nặn tò he, nặn mâm ngũ quả...

Góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa các địa phương

Lễ dựng cây nêu ngày Tết cũng là một trải nghiệm thú vị thu hút sự chú ý của khách tham quan có mong muốn tìm hiểu thêm về nét đẹp của ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Theo tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa âm và dương hay sự không tách rời giữa động và tĩnh… cây nêu còn gắn với truyền thuyết dân gian ngăn ngừa không cho quỷ ở biển Đông vào đất liền, bén mảng tới nơi con người cư trú làm ăn, sinh sống.

Theo thời gian, từng địa phương phong tục, tập quán ở mỗi dân tộc, ý nghĩa của trồng cây nêu ngày Tết trải rộng hơn, đa dạng hơn. Thời gian dựng cây nêu cũng khác, ví như người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, để ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công - ông Táo lên chầu trời.

Những vật treo trên cây nêu hướng về bảo vệ, tạo lập hạnh phúc cho con người như chiếc khánh đồng âm với khánh có nghĩa là phúc, đem lại hạnh phúc cho gia đình; chiếc vòng đỏ tượng trưng cho mặt trời; giỏ đựng thóc, lúa tượng trưng cho sự cầu mong sung túc…

Lễ dựng cây nêu của người Kinh.

Lễ dựng cây nêu của người Kinh.

Nói về sự phối hợp giữa hai Bảo tàng để mang đến cho khách tham quan dịp trải nghiệm độc đáo trong Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Trọng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Bảo tàng mang đến những nét văn hóa đặc trưng nhất của tỉnh để giới thiệu đến người dân ở Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi mong muốn tạo ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các nghệ nhân dân gian với công chúng cũng như các nghệ nhân ở vùng miền khác. Hy vọng chương trình sẽ là cầu nối giới thiệu di sản văn hóa Bắc Ninh đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước để bản sắc văn hóa của địa phương có sức lan tỏa và góp phần giáo dục thế hệ trẻ”.

Theo TS. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn quan tâm tạo điều kiện để giới thiệu bản sắc văn hóa của các dân tộc trong các hoạt động. Hằng năm, chúng tôi thường tổ chức một chủ đề gắn với mỗi một vùng miền, dân tộc. Tính đến nay, Bảo tàng tổ chức các hoạt động đã hơn 20 năm và Bảo tàng trở thành một điểm du xuân của công chúng vào dịp năm mới. Hoạt động năm nay được tổ chức đa dạng hình thức và nội dung không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, mà còn giúp du khách nâng cao hiểu biết về giá trị văn hóa. Điều này góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/don-tet-vung-kinh-bac-tai-bao-tang-dan-toc-hoc-post465253.html