Đòn then chốt của lực lượng Phòng không - Không quân, Phòng không nhân dân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

PTĐT - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã đi qua 46 năm, nhưng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, nhất là về xây dựng thế trận tác chiến của lực lượng Phòng không, Không quân, Phòng không nhân dân trong đòn then chốt, then chốt quyết định.

Niềm vui của Phi đội Quyết thắng sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/0975 về hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Rang (Ảnh tư liệu)

Những kinh nghiệm đó đã và đang được Bộ đội Phòng không - Không quân và Phòng không nhân dân, các địa phương, đơn vị tiếp tục vận dụng sáng tạo trong điều kiện hoàn cảnh mới, phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Bộ đội Phòng không - Không quân ra đời, phát triển từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã tham gia trực tiếp hầu hết các chiến dịch trên khắp các chiến trường nên có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng; hoạt động tác chiến trong chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng.Tuy vậy, trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, do quy mô quá lớn, không gian tác chiến phòng không - không quân rộng, tính cơ động và biến động rất cao, phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ khác nhau, nên thành công của Bộ đội Phòng không - Không quân có nhiều nhưng cũng còn hạn chế.Rút kinh nghiệm chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, đến chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng pháo cao xạ phòng không luôn đi theo đội hình cùng các mũi đột kích vào đánh chiếm nội đô, tổ chức phối hợp cùng các tiểu đoàn làm đơn vị chiến thuật, có tiểu đoàn cao xạ đi trước đội hình, có tiểu đoàn cao xạ đi trong đội hình binh chủng hợp thành.Tổ chức như vậy, lực lượng pháo phòng không luôn bám sát đánh địch trên không, đánh địch ở mặt đất, bảo vệ các binh đoàn chủ lực cơ động thọc sâu trên các hướng, mũi trong suốt quá trình hành quân từ ngoài vào đánh chiếm các mục tiêu quan trọng chiến lược trong các thành phố.Sau khi mất Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, quân địch bị đẩy vào tình thế tuyệt vọng, suy sụp về tinh thần, tan rã về tổ chức, bế tắc về chiến lược. Theo dõi chặt chẽ diễn biến trên chiến trường, ngày 31-3-1975 Bộ Chính trị khẳng định: “thời cơ lớn đã xuất hiện” và hạ quyết tâm huy động tổng lực thực hiện đòn chiến lược Tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định với phương châm “Thần tốc, táo bạo, chắc thắng”.Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, các lực lượng cơ động chiến lược của Bộ từ các hướng thần tốc tiến về hội quân bao vây quanh Sài Gòn. Bộ đội Phòng không - Không quân cũng bắt đầu thực hiện các chuyến bay vận tải thần tốc từ miền Bắc vào Huế, Đà Nẵng và các địa bàn chiến lược.Ngày 5-4-1975, chuyến bay vận tải đầu tiên mang phù hiệu Quân giải phóng từ miền Bắc vào hạ cánh xuống sân bay Phú Bài. Trong tháng 4-1975, không quân ta đã thực hiện 163 chuyến bay vận tải từ Bắc vào Nam, vận chuyển 120 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật và 6.250 cán bộ, chiến sĩ bổ sung cho chiến trường. Cùng với các lực lượng cơ động chiến lược của Bộ, Bộ đội Phòng không - Không quân cũng nhanh chóng đưa lực lượng vào tham gia trận quyết chiến chiến lược.Ngày 17-4-1975, Sư đoàn phòng không 367 nằm trong đội hình chiến đấu Quân đoàn 1 từ miền Bắc vào đã tập kết lực lượng ở khu vực Đồng Xoài. Sư đoàn phòng không 365 cũng từ miền Bắc vào triển khai bảo vệ khu vực duyên hải miền Trung. Sư đoàn phòng không 375 đang bảo vệ vùng giải phóng Trị - Thiên cũng được lệnh cấp tốc cơ động vào triển khai bảo vệ thành phố Đà Nẵng.Thực hiện quyết tâm của Bộ Tổng tư lệnh, trong cuộc Tổng công kích vào Sài Gòn - Gia Định đã huy động đầy đủ các quân chủng, binh chủng tham gia. Quân chủng Phòng không - Không quân đã nhanh chóng chuẩn bị cho các binh chủng Không quân, Tên lửa, Ra-đa, Pháo cao xạ vào trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.Tiểu đoàn 8 Ra-đa, gồm 4 đại đội hành quân thần tốc trên đường Trường Sơn và đêm ngày 24-4-1875 đã triển khai trong đội hình quản lý toàn bộ không gian tác chiến chiến dịch. Trong 3 ngày cuối cùng của cuộc Tổng tiến công chiến lược, Bộ đội Ra-đa đã phát hiện 218 tốp máy bay địch, trong đó có 111 tốp bay di tản.Tình báo trên không của Bộ đội Ra-đa phòng không giúp cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh nắm chắc mọi hoạt động trên không của địch, nhất là các tốp máy bay di tản của Mỹ - ngụy để chỉ đạo chính xác hoạt động tiến công. Tiếp theo Tiểu đoàn 8 Ra-đa ở phía trước, Trung đoàn Ra-đa 290 cũng được lệnh chuyển dịch vào phía Nam, triển khai từ Quảng Trị đến Phan Thiết để khép kín toàn bộ trường ra-đa quản lý và bảo vệ vùng trời các tỉnh miền Nam.Bộ đội Tên lửa cũng nhanh chóng đưa 4 trung đoàn vào chiến trường. Trung đoàn tên lửa 267 trong đội hình Sư đoàn phòng không 375 bảo vệ Đà Nẵng. Trung đoàn tên lửa 275 trong đội hình Sư đoàn phòng không 365 bảo vệ Nha Trang, Cam Ranh, Trung đoàn tên lửa 274 lúc đầu dự kiến làm lực lượng dự bị, được lệnh hành quân theo đường quốc lộ số 1 qua các thành phố lớn, vừa tạo niềm tin cho nhân dân vùng giải phóng, vừa tạo thế răn đe đối với địch.Sau khi khẳng định Mỹ sẽ không dám sử dụng không quân trở lại chi viện cho quân ngụy sắp đến ngày tận số, Trung đoàn tên lửa 274 được lệnh hành quân vào chiến trường miền Đông, chiều ngày 30-4, Trung đoàn 274 đang trên đường hành quân vào Nha Trang thì chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn.Trung đoàn tên lửa 263 nằm trong đội hình của Sư đoàn phòng không 673 có mặt ở Trị Thiên từ tháng 3-1975, sau đó tách ra làm lực lượng dự bị tiến sâu vào mặt trận miền Đông. Ngày 18-4, Trung đoàn tên lửa 263 đã có mặt ở Phước Bình, tới ngày 28-4, Trung đoàn dồn ghép khí tài cho Tiểu đoàn 43 triển khai ở Bến Bàu, sẵn sàng chiến đấu.Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, do quán triệt sâu sắc quyết tâm của chiến lược sử dụng không quân trong trận đánh cuối cùng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân đã trực tiếp tổ chức chỉ huy biên đội “Quyết thắng”.Có 2 đợt ta sử dụng lực lượng không quân (bằng biên đội 5 máy bay chiến đấu A-37 thu được của địch) để tiến công, làm cho chúng hết sức bất ngờ, hoảng loạn: Đợt 1, ta sử dụng không quân tổ chức mũi tiến công từ trên không bí mật, bất ngờ đánh vào cơ quan đầu não - Dinh Độc Lập (ngày 08-4). Đợt 2, ta sử dụng lực lượng không quân đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất (ngày 28-4), căn cứ quân sự lớn của địch, với mục tiêu kiềm chế sự hoạt động chiến đấu của không quân địch, đập tan những ảo tưởng “tử thủ”, chặn đường rút chạy bằng đường không của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn.Trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, làm cho địch hoảng loạn, sụp đổ về tinh thần, đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam. Trận đánh “táo bạo, bất ngờ” đó của Không quân ta đã góp phần tạo thế cho chiến dịch phát triển nhanh, giành thắng lợi trong thời gian ngắn, ít tổn thất nhất.Thắng lợi của trận đánh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng không quân, lựa chọn mục tiêu, thời cơ tiến công và nghệ thuật tổ chức phối hợp hiệp đồng tác chiến cùng các lực lượng trong chiến dịch. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cần được vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai.Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đi qua 46 năm nhưng còn để lại những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu trong việc tổ chức, sử dụng lực lượng Phòng không - Không quân tham gia tác chiến chiến dịch quân, binh chủng hợp thành quy mô lớn.Đến nay, Bộ đội Phòng không - Không quân vẫn tiếp tục tổ chức đầu tư nghiên cứu, học tập những bài học kinh nghiệm phong phú về tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng Phòng không - Không quân trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975, làm cơ sở vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiền
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202104/don-then-chot-cua-luc-luong-phong-khong-khong-quan-phong-khong-nhan-dan-trong-chien-dich-ho-chi-minh-lich-su-176669