Đòn trừng phạt dầu Nga chia rẽ sâu sắc Mỹ và phương Tây
Nội bộ châu Âu và trong lòng nước Mỹ đều đang chia rẽ về vấn đề cấm vận dầu đối với Nga và các biện pháp ứng phó khi không thể tiếp cận nguồn cung dầu của Moscow.
Trong khi các nước phương Tây không đồng thuận về việc trừng phạt năng lượng Nga, thì tại nội bộ nước Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng phải đối mặt với sự chỉ trích của lưỡng đảng về các thỏa thuận dầu mỏ mới với Saudi Arabia, Venezuela và Iran để bù đắp nguồn cung từ dầu Nga.
Xuất hiện trong cuộc gặp của các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện ngày 7/3, Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steny Hoyer cho biết đạo luật cấm nhập khẩu năng lượng của Nga có thể được đưa ra "trong tuần này."
Trong một tuyên bố quan trọng, bốn nhà lập pháp hàng đầu nước Mỹ cho biết họ đã nhất trí về một thỏa thuận cấm nhập khẩu "các sản phẩm năng lượng" từ Nga. Văn bản đã có chữ ký của Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Massachusetts Richard Neal, Hạ nghị sĩ Cộng hòa từ Texas Kevin Brady, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ từ Oregon Ron Wyden và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Crapo đại diện cho bang. Idaho.
Nước Mỹ trước câu hỏi khó về năng lượng
Và để đối phó với kịch bản bù đắp nguồn cung từ dầu Nga, Tổng thống Joe Biden có ý định tìm kiếm thỏa thuận với các ông lớn dầu mỏ Saudi Arabia, Venezuela và Iran. Tuy nhiên, động thái này đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ.
Khi được hỏi liệu có nên nhập khẩu dầu từ Venezuela hay không, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin nói với CNN: "Dầu của họ sẽ không phải cho chúng ta. Bây giờ còn nhiều quốc gia khác có thể cung cấp dầu, chúng ta không cần phải làm như vậy (nhập khẩu dầu của Venezuela-pv). Chúng ta có thể làm việc với các nước láng giềng, như Canada và Mexico. Rất nhiều quốc gia khác không có cơ hội như vậy".
Ông Manchin cũng nói thêm: "Venezuela là một quốc gia cứng rắn. Và Iran cũng vậy. Saudi Arabia cũng có thể yêu cầu một số điều, cái này, cái kia. Và chúng tôi làm những gì chúng tôi phải làm".
Nói về sự do dự của ông Biden đối với việc dừng nhập khẩu dầu của Nga, Thượng nghị sĩ Mark Kelly nói: "Tôi thì rất quyết đoán về điều này. Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên mua dầu và khí đốt của Nga". Và khi được hỏi về khả năng tiếp cận dầu của Venezuela, Kelly nói: "Ở Mỹ cũng có những cơ hội để tăng sản lượng khí đốt".
Còn Thượng nghị sĩ Rick Scott, người đứng đầu ủy ban vận động Đảng Cộng hòa tại Thượng viện cho biết: "Chúng ta nên ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Và chúng ta không nên sử dụng dầu của Venezuela. … Không biết khi nào chúng ta sẽ không thể dựa vào những bên bất ổn như này?"
Ba thành viên hàng đầu của đảng Cộng hòa trong Hạ viện cũng chỉ trích ông Biden về khả năng tiếp cận năng lượng của những nước trên và kêu gọi Tổng thống thay vào đó tăng cường sản xuất dầu trong nước - điều mà đảng Cộng hòa đã thúc đẩy từ lâu.
Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cũng nói rằng việc ông Biden tìm kiếm dầu từ những quốc gia trên là "sai lầm" và số lượng công việc làm tại Mỹ và an ninh quốc gia sẽ tốt hơn nếu ông Biden mở cửa cho việc khai thác dầu khí của chính Mỹ. "Tại sao ông ấy tiếp tục tài trợ cho những bên liên quan đến bất ổn?" ông McCarthy nói với CNN.
Nhân vật số hai của phe thiểu số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise cũng nói với các phóng viên rằng "đã đến lúc Tổng thống Biden bắt đầu tìm kiếm năng lượng của chúng ta ngay tại đây, tại đất Mỹ". "Đừng thay thế dầu của Nga bằng dầu của Iran. Hãy thay thế nó bằng dầu của Mỹ", ông Scalise nói.
Châu Âu chia rẽ về bước đi trừng phạt năng lượng
Hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông tin với kênh CNN rằng Mỹ "hiện đang đối thoại với các đồng minh và đối tác châu Âu của chúng tôi để xem xét một cách phối hợp" việc cấm vận dầu của Nga.
Thông tin về điều này, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm thứ Hai cho biết việc loại bỏ năng lượng từ Nga là "điều đúng đắn". Ông Johnson nói thêm, các quốc gia cần xem xét làm thế nào để không dính dáng tới năng lượng của Nga một cách "càng nhanh càng tốt".
Tuy nhiên, trong cùng ngày, Đức – nền kinh tế hàng đầu châu Âu và Hungary đã lên tiếng không ủng hộ các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết châu Âu không thể đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của mình nếu không nhập khẩu từ Nga. Trong một bản tin hôm thứ Hai, ông Scholz cho biết năng lượng đã được đưa ra khỏi các vòng trừng phạt trước đó với Nga một cách có chủ đích, đồng thời khẳng định năng lượng của Nga có "tầm quan trọng thiết yếu" đối với cuộc sống hàng ngày nói chung của người dân.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hungary Mihaly Varga cho biết chính phủ của ông sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với năng lượng của Nga.
Trong một video được đăng trên Facebook hôm thứ Hai, ông Mihaly Varga nói về những thiệt hại đáng kể mà các lệnh trừng phạt hiện có đối với Nga đã gây ra đối với nền kinh tế của chính nước này.
"Những người yêu cầu mở rộng các lệnh trừng phạt đang muốn người dân Hungary phải trả giá cho cuộc chiến này", ông Varga nói.
Những bình luận này là dễ hiểu khi Nga cung cấp cho EU 40% nhu cầu khí đốt và khoảng 27% lượng dầu được nhập vào khối này. Trong khi đối với Mỹ, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga chỉ có tác động hạn chế do Nga chiếm chưa đến 2% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này.