Đơn vị duy nhất được giao thí điểm điện gió ngoài khơi, PVN có lợi thế gì?

Chọn PVN thí điểm làm điện gió ngoài khơi, Bộ Công thương đánh giá, sẽ có một số hạng mục, công trình tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi cùng cơ sở dữ liệu sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công thương cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, từ nay đến 2030 không còn nhiều, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện quy hoạch.

Tiềm năng khoảng 512 GW

Bộ Công thương đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong 4 nước của khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất 512 GW.

Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu không thể đảo ngược, Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbonic về không (Net-zero) vào năm 2050 và các nguồn thủy điện lớn trong nước đã khai thác hết, Bộ Công thương khẳng định, cần thiết phải thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có điện gió ngoài khơi, phù hợp với xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh.

Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6 GW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70 GW đến 91,5 GW.

Đến nay, Việt Nam chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện. Đồng thời, theo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, chỉ mới xác định đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ là 2,5 GW, khu vực Trung Trung Bộ là 0,5 GW, Nam Trung Bộ là 2 GW và Nam Bộ là 1 GW.

Việt Nam cũng chưa có bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác về khảo sát tốc độ gió và tiềm năng gió từng vùng, địa phương cũng như tổng thể toàn quốc; hiện trạng địa hình, độ sâu đáy biển…

Còn về suất đầu tư, theo nhận định của nhiều chuyên gia, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5-3 tỷ USD/1 GW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát.

"Như vậy, mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII đạt 6 GW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay", Bộ Công thương nhận định.

Trước thực trạng trên, Bộ Công thương cho rằng, việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi có thể sẽ một mặt tạo cơ sở để hoàn thiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời tạo tiền đề để thực hiện phát triển điện gió; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển điện gió trong Quy hoạch điện VIII và góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng.

PVN hơn gì EVN?

Với việc chọn PVN làm điện gió ngoài khơi, Bộ Công thương đánh giá, sẽ có một số hạng mục, công trình tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi cùng cơ sở dữ liệu (địa kỹ thật, địa vật lý) sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng.

Điều này góp phần đem lại hiệu quả trong sử dụng tài sản hiện hữu, góp phần vào công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, thực hiện quyền chủ quyền trên biển.

Dù vậy, khi chuyển đổi từ lĩnh vực dầu khí, Bộ Công thương lưu ý, PVN sẽ phải có những điều chỉnh, thay đổi cần thiết để có thể đáp ứng được những yêu cầu đặc trưng của ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Các chuyên gia cho rằng, để có thể phát triển điện gió ngoài khơi với quy mô lớn, các tập đoàn dầu khí đa quốc gia đóng vai trò rất quan trọng. Với kinh nghiệm triển khai các dự án dầu khí ngoài khơi (chia sẻ chuỗi cung ứng và công nghệ), sự tham gia của các tập đoàn dầu khí sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc biến điện gió ngoài khơi sớm trở thành một ngành công nghiệp lớn.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chỉ ra rằng, kinh nghiệm chuyên môn của ngành công nghiệp dầu khí có thể chi phối đến 40-45% chi phí của một dự án điện gió ngoài khơi.

Hiện nay, các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi hầu hết là các tập đoàn dầu khí lớn, như: Equinor, Shell, Repsol, Total, BP, Chevron, CNOC, Petronas... Trong đó, có những công ty, như Orsted của Đan Mạch, đã chuyển hoàn toàn sang các dự án năng lượng tái tạo. Orsted hiện có hơn 11.000 MW điện gió ngoài khơi và đặt mục tiêu đạt 50.000 MW công suất lắp đặt vào năm 2030.

Equinor (Na Uy) cũng giảm dần tỷ trọng dầu khí và tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo. Hiện Equinor có gần 12.000 MW điện gió ngoài khơi đang phát triển, trong đó một số dự án đã được đưa vào vận hành.

Ở Đông Nam Á, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) đã lập công ty năng lượng tái tạo Gentari và mua 29,4% cổ phần dự án điện gió ngoài khơi Hải Long tại Đài Loan.

Bộ Công thương trước đó cũng đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện thí điểm. Ưu điểm của EVN là không phải tiến hành đàm phán giá điện (do EVN đồng thời là đơn vị mua điện và bán điện).

Hơn nữa, việc triển khai dự án cũng sẽ thuận lợi khi EVN là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện…

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới nên có những đòi hỏi khác so với các dự án điện truyền thống.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/don-vi-duy-nhat-duoc-giao-thi-diem-dien-gio-ngoai-khoi-pvn-co-loi-the-gi-192241002090755511.htm