'Dọn' web drama trên mạng

Web drama có thể tiếp cận với mọi đối tượng khán giả chỉ với thiết bị kết nối Internet, kiếm tiền quảng cáo tốt, lại không cần kiểm sát gắt gao, chi phí bỏ ra không lớn.

Chỉ với một thao tác đơn giản tìm kiếm các từ khóa như “tiểu tam”, “Sugar-baby”, “ngoại tình”…, không khó để người sử dụng Internet có thể tiếp cận hàng loạt các web drama, clip ngắn với nội dung nhạy cảm, tiêu cực. Có thể hiểu web drama là dạng phim điện ảnh được phát sóng trực tiếp trên mạng mà không cần đến truyền hình truyền thống. Với đặc tính tiện lợi, đa dạng, người dùng có xu hướng chuyển sang giải trí trực tuyến trên internet vì tính tiện lợi và đa dạng, thay vì chỉ bó hẹp với phim truyền hình và điện ảnh như trước đây.

Web drama "Vợ hai" từng gây sốc với nội dung bạo lực

Web drama "Vợ hai" từng gây sốc với nội dung bạo lực

Web drama ra đời và phát triển sinh sôi nhanh chóng chính là kết quả của xu hướng này. Web drama có thể tiếp cận với mọi đối tượng khán giả chỉ với thiết bị kết nối Internet, kiếm tiền quảng cáo tốt, lại không cần kiểm sát gắt gao, chi phí bỏ ra không lớn. Bởi vậy ngoài người nổi tiếng, người làm truyền thông mà đến cả những người nghiệp dư cũng có thể sản xuất web drama, dẫn đến chất lượng không đồng đều.

Rất khó để kiếm được các web drama có chất lượng tốt, giá trị nhân văn, trong khi đó các clip xấu xí, nội dung độc hại, kích động tâm lý, tệ nạn xã hội hay mang định kiến giới lại tràn lan. Ví dụ các trang “Anh em phim”, WaoStars TV... sử dụng những cụm từ nhạy cảm, kích thích trí tò mò của khán giả với các clip liên quan đến chủ đề loạn luân, ngoại tình, tiểu tam, sugar-baby....

Đa số những bộ phim chiếu mạng này từ tiêu đề đến nội dung đều gợi sự đồi trụy, vô cùng phản cảm, bối cảnh đơn giản, hình ảnh dàn dựng sơ sài, dễ dãi, dàn diễn viên có diễn xuất gượng gạo. Việc kết hợp cùng thuật toán nên các sản phẩm độc hại này vẫn dễ dàng leo lên xu hướng của các mạng xã hội như: Youtube, Facebook, TikTok, đạt hàng triệu lượt xem cùng nhiều lượt bình luận, chia sẻ.

Khi việc kết nối Internet dễ dàng như hiện nay, những nội dung độc hại này có thể tiếp cận mọi đối tượng khán giả, đặc biệt là trẻ em khi không có sự giám sát của người lớn. Tiến sĩ Xã hội học Thân Trung Dũng từng chia sẻ với VOV: "Các nội dung web drama chủ yếu khai thác khía cạnh tiêu cực của xã hội, có nội dung trái với thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi con người, hướng con người tới những ý nghĩ và hành vi tiêu cực trong xã hội, đặc biệt nhóm trẻ em thành niên và vị thành niên".

Môi trường phim chiếu mạng: Vàng, thau lẫn lộn.

Môi trường phim chiếu mạng: Vàng, thau lẫn lộn.

Trong khi các phim chiếu rạp bị kiểm duyệt theo luật Điện ảnh, phải cắt bỏ những hình ảnh và nội dung vi phạm các điều cấm, được phân loại rõ ràng, thậm chí không được phổ biến thì phim chiếu mạng lại mang nhiều nội dung phản cảm, hình ảnh dễ dãi và hầu hết không được phân loại dán nhãn cảnh báo theo quy định của luật Điện ảnh 2022 mới ban hành.

Anh Trịnh Văn Phương ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Chỉ cần một lượt tìm kiếm hoặc gõ nội dung nhạy cảm trên các nền tảng mạng xã hội, thì với thuật toán của mạng xã hội, các nội dung tương tự sẽ tự động được giới thiệu với họ. Với trẻ em, việc tò mò và chịu những tác động tiêu cực là hoàn toàn có thể xảy ra”. “Tôi trang bị điện thoại thông minh cho con để thuận tiện trong việc học hành, liên lạc. Tuy nhiên, dù đã để tâm, nhưng tôi vẫn không thể kiểm soát được việc sử dụng Internet của con. Việc truy cập những trang phim với nội dung dung tục quá dễ dàng, và tôi không chắc con mình có bị ảnh hưởng hay không?”, một phụ huynh nói.

Hình ảnh phim Sugar Daddy & Sugar Baby - Ảnh: KT

Hình ảnh phim Sugar Daddy & Sugar Baby - Ảnh: KT

Trước thực trạng đáng báo động của phim chiếu mạng, vừa qua Thứ trưởng Tạ Quang Đông vừa ký Công văn số 923/QĐ-BVHTTDL, ban hành Quyết định về việc thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng. Theo đó, tổ công tác gồm 10 thành viên. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm Tổ trưởng. Hai Phó Cục trưởng: ông Đỗ Quốc Việt là Tổ phó thường trực, bà Nguyễn Thị Thu Hà đảm nhận vị trí Tổ phó. Tổ công tác chịu trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện.

Việc quản lý phim chiếu mạng được quy định tại Luật Điện ảnh năm 2022, Nghị định số 131/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo...

“Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan... Trước khi phổ biến phải đảm bảo thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VHTTDL hoặc cơ quan được Bộ VHTTDL ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 27 của Luật này”, Luật Điện ảnh quy định.

Do vậy, để "dọn" triệt để web drama rác trên không gian mạng, đem lại môi trường nghệ thuật lành mạnh đúng nghĩa, còn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông để nâng cao hiệu quả quản lý. Trường hợp nếu phát hiện những clip ngắn không phải là phim, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ thông báo đến Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý theo quy định pháp luật./.

Minh Minh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/don-web-drama-tren-mang-post1014347.vov