Đông Âu nỗ lực 'cai' năng lượng của Nga

Nga đang nỗ lực đa dạng hóa các tuyến đường xuất khẩu khí đốt tới châu Âu nhưng chính ở các nước Đông Âu - vốn phụ thuộc rất lớn vào khí đốt của Nga, lại đang tích cực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình.

Thách thức từ những người “anh em” cũ

“Dòng chảy phương Bắc” đã khai dòng, “Dòng chảy phương Nam” vừa mới khởi công xây dựng, kế hoạch “gọng kìm” với 2 hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Nga nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với thị trường khí đốt châu Âu và đặt nền móng cho một cơ chế đảm bảo an ninh năng lượng tại châu Âu xem ra rất có tương lai. Tuy nhiên, những thành tựu của ngành công nghiệp khí đốt toàn cầu, với cuộc cách mạng khí đá phiến ở Mỹ và sự phát triển của khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), giúp khí đốt có thể được vận chuyển đi khắp nơi trên toàn thế giới đã tạo nên một cú hích trên thị trường khí đốt giao ngay ở châu Âu – nơi nhập khẩu 25% nhu cầu khí đốt từ Nga và đặt ra những thách thức với quyền lực khí đốt của Kremlin.

Tháng 9/2012, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành điều tra chống hành vi độc quyền với các cơ sở của Gazprom ở Trung và Đông Âu. Nhân cơ hội này, các nước Đông Âu - vốn phụ thuộc rất lớn vào khí đốt ở Nga đã lập tức đòi sửa đổi hợp đồng dài hạn với Tập đoàn khí đốt Gazprom – nhà độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga. Trong số đó, phải kể đến Ba Lan và đặc biệt là Ukraine, Lithuania – vốn là “anh em” cũ trong Liên Xô (cũ).

Cùng với “Dòng chảy phương Bắc”, hệ thống đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” được hy vọng sẽ giúp Nga tăng cường kiểm soát thị trường khí đốt châu Âu

Cùng với “Dòng chảy phương Bắc”, hệ thống đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” được hy vọng sẽ giúp Nga tăng cường kiểm soát thị trường khí đốt châu Âu

Mặc dù đang phải nhập khẩu toàn bộ khí đốt và trở nên phụ thuộc hơn vào Nga sau khi đóng cửa một nhà máy điện hạt nhân thời Liên Xô hồi năm 2009 nhưng tháng 10/2012, Lithuania đã “mạnh dạn” đâm đơn kiện Gazprom đòi bồi thường 2,5 tỉ USD với cáo buộc công ty này đã tăng giá không công bằng. Các quan chức Lithuania cho biết quy mô của khoản bồi thường bao gồm số tiền mà nước này đã trả “hớ” để có khí đốt kể từ năm 2004, khi Gazprom tiếp nhận cổ phần lớn tại Lieutuvos Dujos, công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất Lithuania và thay đổi công thức định giá. Trong khi đơn kiện của Lithuania đang được Tòa án trọng tài kinh tế ở Stockholm xem xét thì Nga và Ba Lan - nước nhập khẩu khoảng 70% khí đốt và 90% dầu thô từ Nga đã đạt được thỏa thuận về giá mới bán khí đốt, chấm dứt cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài cũng tại tòa án này.

Theo Giám đốc Tập đoàn Khí đốt PGNiG của Ba Lan, bà Grazyna Piotrowska-Oliwa, thỏa thuận được ký giữa PGNiG và Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga tại Warsaw thống nhất “thay đổi công thức tính giá” của thỏa thuận năm 2010 theo giá khí đốt của thị trường. Theo đó, Nga sẽ giảm khoảng 550USD/1.000 m3, tức trên 15% giá khí đốt xuất sang Ba Lan. Hợp đồng có hiệu lực “ngay lập tức” và giúp Ba Lan tiết kiệm khoảng 1 tỉ USD mỗi năm, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Mikolaj Budzanowski cho biết.

Mối quan hệ khí đốt giữa Ukraine và Nga còn cam go hơn bởi từ lâu giữa họ đã tồn tại một cuộc chiến chính trị - khí đốt. Tranh cãi bắt đầu nổ ra khi Nga muốn tăng giá khí đốt lên mức tương đương trên thị trường quốc tế. Việc “thay đổi nhiệt độ” đột ngột đã khiến người Ukraine “sốc”. Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko tuyên bố mức giá mới là không hợp lý và yêu cầu trên của Kremlin có động cơ chính trị. Mối quan hệ giữa 2 nước trở nên căng thẳng kể từ khi xảy ra cuộc Cách mạng Cam tại Ukraine năm 2004 dẫn tới sự ra đời của chính phủ thân phương Tây của Tổng thống Viktor Yushchenko. Bằng chứng thuyết phục nhất là Nga vẫn áp dụng mức giá rất thấp đối với một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) như Belarus, Armenia và Gruzia.

Nghi ngờ ngày càng tăng khi Gazprom ký hợp đồng mua 30 tỉ m3 khí đốt với Turkmenistan - nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Ukraine nhằm hạn chế sự lựa chọn của nước này. Và đỉnh điểm của những lần “ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa những người từng là “anh em” này là những lần châu Âu “rét run” vì thiếu khí đốt từ Nga như hồi năm 2006, 2009,... do Moskva cắt giảm lượng khí đốt bán cho châu lục này trung chuyển qua đường ống xuyên Ukraine. Cho tới giờ, mọi việc mới gọi là tạm ổn khi kế hoạch giảm phụ thuộc vào đường ống dẫn khí qua Ukraine của Nga đi vào thực hiện với sự “thành hình” của “Dòng chảy phương Bắc” và “Dòng chảy phương Nam”. Còn Ukraine thì cũng thuyết phục thành công Điện Kremlin chấp thuận cho giảm lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Những bước đi đầu tiên

Không chỉ đấu tranh với Nga về giá khí đốt mà các nước Đông Âu còn bắt tay ngay vào kế hoạch tăng cường đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và cắt giảm sự phụ thuộc vào Moskva. Cuối tháng 11/2012, Ba Lan đã công bố một kế hoạch đầu tư năng lượng “hoành tráng” phục vụ cho mục tiêu trên. Theo Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, chính phủ nước này sẽ đầu tư 100 tỉ zloty (24 tỉ euro) vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân vào năm 2020.

Bên cạnh đó, với nguồn dự trữ than đá dồi dào, Ba Lan sẽ xây dựng mới 8 nhà máy điện, với một nửa chạy bằng than, một nửa chạy bằng khí đốt tự nhiên. Các nhà máy điện này có tổng trị giá 40 tỉ zloty, sẽ đóng góp 17% nhu cầu năng lượng hằng năm của Ba Lan. Ngoài ra, chính phủ Ba Lan dự kiến sẽ đầu tư vào nhà máy năng lượng lớn nhất nước là Kozienice, xây dựng các tuyến đường ống dẫn khí kết nối với Littva và các quốc gia khác.

Đặc biệt, Ba Lan sẽ đẩy mạnh thăm dò khí đá phiến nhằm đạt sản lượng 10 tỉ m3 vào năm 2020. Không chỉ giúp Ba Lan không còn lệ thuộc vào khí đốt từ phương Đông, dự án thăm dò khí đá phiến này còn được kỳ vọng là một trong những giải pháp tốt nhất cho ngành năng lượng châu Âu. Chính phủ Ba Lan sẽ dành 5 tỉ zloty cho chương trình thăm dò phát triển khí đá phiến trong nước, ước có trữ lượng lên tới 1.920 tỉ m3. Trữ lượng này được cho là đứng thứ 3 châu Âu, sau Na Uy và Hà Lan. Tổng vốn đầu tư thăm dò và phát triển lĩnh vực này của các công ty trong và ngoài nước tại Ba Lan có thể đạt 12,5 tỉ euro.

Nếu như Ba Lan chủ yếu trông cậy vào trữ lượng khí đá phiến thì giải pháp của Ukraine lại dựa vào than đá và các dự án hợp tác thăm dò khí đá phiến, dầu khí ngoài khơi vừa ký với ExxonMobil và Shell. Trong ngắn hạn, Ukraine dự định chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ khí đốt sang than trong bối cảnh “nhiên liệu xanh” ngày càng trở nên đắt đỏ.

Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine, ông Yuri Boiko khẳng định, việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu từ khí đốt sang than sẽ tiết kiệm được gần 6 tỉ m3 khí đốt mỗi năm cho Ukraine, quốc gia hiện đang phải mua khí đốt từ Nga với giá 420-430 USD/1.000m3. Bên cạnh đó, Kiev đã quyết định giảm lượng “nhiên liệu xanh” nhập khẩu của Nga từ mức 52 tỉ m3/năm trước đây xuống 27 tỉ m3 năm 2012 và 18 tỉ m3 năm 2013.

Ngoài ra, Ukraine cũng đang xem xét khả năng nhập khẩu khí đốt từ các nước châu Âu, châu Phi và Trung Đông, đồng thời đã bắt đầu tái nhập “nhiên liệu xanh” của Đức trên biên giới Ukraine/Ba Lan và Ukraine/Hungary với giá 320-330 USD/1.000m3. Để thực hiện dự án trên, Tập đoàn Dầu khí Naftogaz của Ukraine đã vay Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc khoản tín dụng gần 3,7 tỉ USD trong thời hạn 19 năm (2012-2031). Đương nhiên, một khi nỗ lực “cai” năng lượng Nga của các nước Đông Âu thành công, quyền lực năng lượng của Điện Kremlin cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Linh Phương

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/dong-au-no-luc-cai-nang-luong-cua-nga-78823.html