Đông Bắc Á 'nóng' lên vì Fukushima

Bất chấp lời khẳng định của cơ quan giám sát hạt nhân Liên Hợp quốc rằng kế hoạch xả nước phóng xạ đã qua xử lý của Tokyo vào đại dương là an toàn và là lựa chọn tốt nhất, các nước láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc và Trung Quốc đang có những phản ứng gay gắt.

Nhà máy Fukushima thời điểm gặp sự cố. Ảnh: Getty Images

Nhà máy Fukushima thời điểm gặp sự cố. Ảnh: Getty Images

IAEA: Không có lựa chọn nào tốt hơn

Nhật Bản sẽ xả nước thải vào mùa hè này, một động thái gây tranh cãi 12 năm sau sự cố nhà máy hạt nhân Fukushima. Kế hoạch trên được thúc đẩy sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) – cơ quan giám sát hạt nhân cao nhất của Liên Hợp quốc (LHQ), khẳng định kế hoạch này “tuân theo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế” và “có rất ít tác động tới môi trường hay sức khỏe của con người” bởi trước tiên nước sẽ được xử lý để loại bỏ các chất ô nhiễm có hại nhất và được thải ra dần dần trong nhiều năm với số lượng rất loãng.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trong chuyến thăm Tokyo hôm 5.7, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi khẳng định những kết luận của IAEA là có cơ sở vững chắc. “Chúng tôi đã xem xét lựa chọn này trong hơn hai năm. Chúng tôi đã đánh giá nó dựa trên những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất hiện có”.

Chính quyền Nhật Bản cho biết, việc xả thải là cần thiết vì họ sắp hết chỗ để chứa lượng nước bị ô nhiễm. Thảm họa năm 2011 đã khiến các lõi lò phản ứng của nhà máy bị quá nóng và làm ô nhiễm nước trong bị ô nhiễm phóng xạ ở mức độ cao. Kể từ đó, nước mới đã được bơm vào để làm mát các mảnh vụn nhiên liệu trong các lò phản ứng. Đồng thời, nước ngầm và nước mưa rò rỉ vào trong, tạo ra nhiều nước thải phóng xạ cần được lưu trữ và xử lý. Lượng nước thải đó hiện đo được là 1,32 triệu tấn – đủ để lấp đầy hơn 500 bể bơi cỡ Olympic.

Nhật Bản trước đó đã nói rằng “ngoài việc thải ra đại dương, nước này không có lựa chọn nào khác”. Còn ông Grossi thì khẳng định, không phải là không có phương pháp nào – Nhật Bản đã xem xét tổng cộng 5 phương án, bao gồm giải phóng hydro, chôn lấp dưới lòng đất và giải phóng hơi nước, tức là nước thải sẽ được đun sôi và thải vào khí quyển. Tuy nhiên, những giải pháp đó đều tỏ ra kém hiệu quả hơn. Ví dụ, việc giải phóng hơi có thể khó kiểm soát hơn do các yếu tố môi trường như gió và mưa, có thể mang chất thải trở lại trái đất, ông nói. Trong khi đó, lựa chọn xả nước ra biển một cách có kiểm soát thường được các nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới, bao gồm cả những nhà máy ở Hoa Kỳ, áp dụng.

IAEA cũng cam kết sẽ duy trì hoạt động trong nhiều năm tới, với một văn phòng thường trực mới được thành lập tại Fukushima, để giúp theo dõi tiến trình.

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi trong chuyến thị sát Fukushima ngày 5.7. Ảnh: AP

Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi trong chuyến thị sát Fukushima ngày 5.7. Ảnh: AP

Phản ứng gay gắt của láng giềng

Tuy nhiên, nhiều quốc gia láng giềng của Nhật Bản, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc một số nước thuộc quần đảo Thái Bình Dương đã phản ứng gay gắt về quyết định này.

Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Ngô Giang Hạo, trong cuộc họp báo ngày 4.7, đã nhấn mạnh sự phản đối của Bắc Kinh đối với kế hoạch trên, nói rằng “việc nước bị ô nhiễm từ mộ sự cố hạt nhân được thải ra biển là điều chưa từng có”.

Đại sứ Ngô Giang Hạo cho biết, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu tất cả thực phẩm từ 10 quận ở Đông Bắc Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi sự cố tại ba lò phản ứng của nhà máy Fukushima sau trận động đất và sóng thần vào tháng 3.2011. Ông ám chỉ lệnh cấm nhập khẩu có thể được mở rộng ra cả phần còn lại của đất nước Nhật. “Những hành động mà Trung Quốc sẽ thực hiện và chúng tôi sẽ làm như thế nào trong giai đoạn tiếp theo phụ thuộc vào diễn biến với kế hoạch xả thải của Nhật Bản”, ông Ngô cảnh báo.

Hàn Quốc mới đây cho biết họ sẽ tiến hành một đợt thanh sát nghiêm ngặt chưa từng có đối với hải sản nhập khẩu. Người dân nước này đã xuống đường để phản đối kế hoạch. Nhiều người mua sắm còn tích trữ muối và hải sản vì sợ những sản phẩm này sẽ bị ô nhiễm khi nước thải được xả ra. Các chính trị gia đối lập của Hàn Quốc đã tập hợp tại Quốc hội trong ngày 6.7 để phản đối quyết định của Tokyo. Đảng Dân chủ Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch cho một cuộc biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội vào ngày 8.7.

Chủ nghĩa hoài nghi quốc tế

Các nhóm môi trường cũng đã thẳng thắn phản đối kế hoạch này. Tổ chức Hòa bình Xanh cáo buộc Tokyo vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển. Tổng thư ký của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, một nhóm liên chính phủ của các quốc đảo Thái Bình Dương bao gồm Australia và New Zealand, cũng đã xuất bản một bản op-ed vào tháng 1 bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng”, nói rằng cần có thêm dữ liệu.

Các nhà khoa học quốc tế cũng bày tỏ lo ngại rằng không có đủ bằng chứng về sự an toàn lâu dài, cho rằng việc giải phóng có thể khiến tritium - một đồng vị hydro phóng xạ không thể loại bỏ khỏi nước thải - tích tụ dần trong hệ sinh thái biển và chuỗi thức ăn - một quá trình được gọi là tích lũy sinh học.

Ông Hajime Matsukubo, Tổng thư ký của Trung tâm Thông tin hạt nhân công dân có trụ sở tại Tokyo, bày tỏ lo ngại về việc xả thải nước và nói rằng có một số giải pháp thay thế khả thi mà Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, có thể áp dụng.

“Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với quyết định này và chúng tôi tin rằng có nhiều lựa chọn tốt hơn dành cho chính phủ”, ông Matsukubo nói với DW. Ông nói thêm: “Không có lý do gì khiến nhiều bể chứa không thể được xây dựng tại địa điểm này, các hồ chứa ngầm có thể được xây dựng và các hệ thống xử lý tốt hơn có thể được đưa vào để loại bỏ nhiều phóng xạ hơn”. “Thay vào đó, họ đã chọn phương án dễ nhất và rẻ nhất. Việc xả nước sẽ luôn ít tốn kém hơn so với các giải pháp thay thế”, ông nói.

Ông Matsukubo cho biết chính phủ Nhật Bản đang sử dụng thái độ ủng hộ của IAEA để thúc đẩy việc xả thải và ông đặt câu hỏi về tính độc lập của IAEA, chỉ ra rằng cơ quan này được tài trợ bởi các quốc gia sản xuất điện hạt nhân và về cơ bản có nhiệm vụ thúc đẩy năng lượng nguyên tử. “Với những thất bại của ngành hạt nhân Nhật Bản, đặc biệt là tại nhà máy Fukushima, người ta cũng phải đặt câu hỏi về tính xác thực của thông tin do TEPCO và chính phủ Nhật Bản cung cấp” - ông nói thêm.

Vị chuyên gia này đặt câu hỏi: "Chính phủ khẳng định rằng hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) giúp loại bỏ các hạt nhân phóng xạ khỏi nước để có thể pha loãng và sau đó thải ra đại dương. Nhưng chưa có thử nghiệm độc lập nào về nước, vậy làm sao chúng tôi có thể chắc chắn?”.

Một báo cáo do chính TEPCO đưa ra vào đầu tháng 6 cho thấy hơn 70% lượng nước dự kiến được thải ra không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý về khử nhiễm phóng xạ, ngay cả sau khi được xử lý bằng hệ thống ALPS. Công ty này đã trấn an những lo ngại vào thời điểm đó, nói rằng nước sẽ trải qua quá trình làm sạch cho đến khi đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết.

Yếu tố chính trị?

Mặc dù Giám đốc IAEA Grossi cho biết ông xem xét những phản đối này một cách nghiêm túc, nhưng ông nói thêm rằng “không thể loại trừ” khả năng một sự phản đối bị thúc đẩy bởi yếu tố chính trị hơn là khoa học.

Ông Grossi cũng bác bỏ thông tin trên các phương tiện truyền thông rằng IAEA đã chia sẻ bản thảo báo cáo cuối cùng với chính phủ Nhật Bản trước khi công bố. “IAEA là cơ quan giám sát hạt nhân về an toàn và an ninh hạt nhân. Khi chúng tôi đi đến kết luận, đó là kết luận độc lập của chúng tôi”.

Và rộng hơn, tương lai của hạt nhân như một nguồn năng lượng thay thế phụ thuộc vào sự thành công của việc giải phóng Fukushima, ông nói. Mặc dù gần đây công chúng ngày càng lo lắng về các nhà máy hạt nhân – chẳng hạn như liên quan đến nhà máy Zaporizhzhia ở Ukraine – “vấn đề nằm ở chiến tranh, vấn đề không phải nằm ở năng lượng hạt nhân”, ông Grossi nói.

Ông nói thêm: “Nếu có một bài học nào cần rút ra rõ ràng sau tai nạn Fukushima, thì đó là các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân cần được tuân thủ đến từng chữ cái. “Nếu tất cả chúng ta tuân thủ điều đó, khả năng xảy ra những gì như ở Fukushima là cực kỳ thấp”.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/dong-bac-a-nong-len-vi-fukushima-i335335/