Đồng bằng sông Cửu Long: GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,12%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 6,12%. Một số địa phương trong vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%.

Ngày 1/7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cà Mau. Hội nghị có chủ đề: Báo cáo tình hình triển khai Quy hoạch Vùng, báo cáo sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội vùng, rà soát cơ chế, chính sách đặc thù Vùng, tiến độ triển khai một số dự án liên Vùng và Kế hoạch điều phối Hội đồng Vùng năm 2024.

Hoàn thành 5 dự án quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị đã hoàn thành 4/26 nhiệm vụ gồm các nhiệm vụ lớn trong đó trọng tâm là phê duyệt quy hoạch tỉnh của 13/13 địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, hoàn thành 5 dự án quan trọng kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Nghị quyết 108 của Chính phủ về vay 2,53 tỷ USD để đầu tư hệ thống đường ven biển và các dự án quan trọng của vùng. Các dự án còn lại đang được các Bộ, ngành và địa phương xây dựng lộ trình nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; thiên tai, sạt lở diễn biến phức tạp nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng có nhiều kết quả khả quan.

Tốc độ tăng GRDP 6 tháng đầu năm 2024 toàn vùng ước đạt 6,12%. Một số địa phương trong vùng đạt mức khá như Trà Vinh tăng 10,27%, Hậu Giang tăng 8,04%, Cà Mau tăng 6,96%.

Đối với công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng, các Bộ, ngành đã nỗ lực tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho vùng.

Cụ thể, Nghị quyết số 106 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ trong đó 7 dự án quan trọng của Vùng được áp dụng; Nghị quyết số 111 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với 8 chính sách đặc thù,...

Về triển khai thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch vùng đã được ban hành sớm nhất so các vùng trên cả nước; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch Vùng tại Quyết định số 816/QĐ-TTg ngày 07/7/2023.

"Đây là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của vùng trong thời kỳ quy hoạch," Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Với tổng số 363 chương trình, dự án của quy hoạch được xác định, đây là những dự án lớn, quan trọng, có tính chất dẫn dắt, có tác dụng lan tỏa sẽ ưu tiên tập trung đầu tư trước, đầu tư dứt điểm và đưa vào sử dụng để làm mồi dẫn thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong đó hạ tầng giao thông được xác định là một trong những khâu đột phá chính cho phát triển kinh tế - xã hội vùng nói chung và thúc đẩy liên kết vùng nói riêng với tổng số 116 dự án.

"Qua 2 năm thực hiện quy hoạch vùng, các bộ, ngành đã tích cực chủ động phối hợp với các địa phương liên quan để triển khai thực hiện. Lãnh đạo các địa phương đã kịp thời chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới, từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới, từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới toàn vùng," báo cáo đánh giá.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ trì hội nghị. Ảnh: MPI

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ trì hội nghị. Ảnh: MPI

Đề xuất một số chính sách áp dụng riêng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long

Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, trên cơ sở đề xuất của các địa phương trong vùng rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp.

Sau khi rà soát, ngoài các chính sách có thể áp dụng chung các vùng khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số chính sách áp dụng riêng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể:

Thứ nhất, cơ chế, chính sách về cho lĩnh vực nước sạch, nước sinh hoạt cho người dân, hỗ trợ những khu vực khó khăn, khan hiếm nguồn nước sạch. Cơ chế hỗ trợ nghiên cứu, đầu tư các hệ thống hồ chứa với quy mô lớn (khoảng 30ha/hồ) trữ nguồn nước ngọt dự phòng.

Thứ hai, ban hành chính sách phát triển nông lâm ngư nghiệp, trong đó ưu đãi đặc biệt cho người trồng lúa nhằm ổn định vùng sản xuất lương thực lớn của cả nước. Các địa phương trong vùng được phép được chuyển đổi linh hoạt phần diện tích quy hoạch đất trồng lúa kém hiệu quả sang sang đất trồng hoa màu, trái cây,... với định mức ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn ít nhất 30% so với trung bình của cả nước.

Thứ ba, cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút đầu tư phù để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo an sinh cho người dân ở khu vực ven biển.

Thứ tư, nâng mức đặc thù về suất đầu tư cho các công trình giao thông xây dựng mới hoặc bảo trì đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ năm, chính sách đào tạo thu hút nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông báo cáo tại hội nghị. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông báo cáo tại hội nghị. Ảnh: MPI

Tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng

Về tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, các dự án cao tốc, quốc lộ trên địa bàn hiện đang triển khai tại các địa phương trong Vùng như: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM, đoạn qua tỉnh Long An; Dự án đầy tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và các dự án liên kết vùng khác đang gặp một số khó khăn vướng mắc.

Một số vướng mắc được đề cập cụ thể như: công tác giải phóng mặt bằng tại một số đoạn; nguồn vật liệu cát đắp nền đường khan hiếm do nhu cầu rất lớn trong khi thủ tục mở các mỏ cát mới rất chậm, khó đáp ứng được tiến độ dự án.

"Đề nghị UBND các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm chỉ đạo trong công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn trong vật liệu cát thay thế hoặc hoàn thiện thủ tục mởi các mỏ cát mới," Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dong-bang-song-cuu-long-grdp-6-thang-dau-nam-uoc-dat-612-30677.html