Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới du lịch xanh

Du lịch tiếp tục là mảng sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt mức tăng trưởng cao về doanh thu dịch vụ và lượng du khách. Các địa phương cũng đang tập trung các giải pháp nhằm thu hút du khách các tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Du khách trải nghiệm ở đất Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Ảnh: Quốc Trung.

Du khách trải nghiệm ở đất Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Ảnh: Quốc Trung.

Những con số ấn tượng

9 tháng đầu năm, An Giang đón 8,5 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 94% so với kế hoạch năm 2024. Đặc biệt là tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 9.700 tỷ đồng (đạt 156% so với kế hoạch năm).

Tương tự, tại Kiên Giang, 9 tháng đầu năm, khách du lịch đến địa phương tăng 15,5% so với cùng kỳ (trên 8,3 triệu lượt khách, đạt 90,4% kế hoạch năm). Tổng thu từ du lịch của địa phương trong 9 tháng đạt trên 19.700 tỷ đồng (tăng 35,7% so với cùng kỳ, đạt 98,9% kế hoạch năm).

Ghi nhận tại nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, ngành du lịch cũng tăng trưởng so với cùng kỳ và đạt nhiều kết quả tích cực. Tại Bạc Liêu, 9 tháng đầu năm là thời điểm địa phương này diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội, sự kiện du lịch quan trọng thu hút lượng lớn du khách đến tham quan và trải nghiệm. Theo thống kê, tổng thu du lịch của tỉnh đạt khoảng 3.420 tỷ đồng (đạt 82,9% kế hoạch năm 2024; tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023). Còn tại Cà Mau, năm 2024 ngành du lịch tỉnh này phấn đấu đạt tổng số khách du lịch là 2.350.000 lượt với tổng thu du lịch 3.480 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2024, tổng lượt khách đến địa phương này đã đạt 1.665.106 lượt (71% so kế hoạch năm 2024), tổng thu đạt 2.402 tỷ đồng (đạt 69% so kế hoạch năm 2024).

“Để phát triển du lịch, Cà Mau không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Thực hiện xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, văn hóa và con người Cà Mau với du khách trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức: hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm, học tập kinh nghiệm…theo chương trình xúc tiến du lịch hàng năm” - ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Cà Mau nói, đồng thời cho biết, Cà Mau còn mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua việc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác: quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, kết nối doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch.

Hội đua bò Bảy Núi - một trong những sự kiện thu hút khách du lịch ở An Giang. Ảnh: Quốc Trung.

Hội đua bò Bảy Núi - một trong những sự kiện thu hút khách du lịch ở An Giang. Ảnh: Quốc Trung.

Phát huy lợi thế của ĐBSCL

Ông Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, chuyển đổi xanh không chỉ thúc đẩy phát triển du lịch lữ hành, vận tải hành khách, tăng trưởng lưu trú, mà còn tạo lực kéo cho hàng loạt chuỗi giá trị ngành văn hóa, sự kiện, nhà hàng, ẩm thực, thương mại phát triển. Chính vì vậy, đây vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm mà ngành du lịch đã và đang thực hiện. Thời gian qua, ngành cũng đã đẩy mạnh đầu tư phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng của các loại hình du lịch mới. Có thể kể đến như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm kết hợp với phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các vùng du lịch, các địa phương, nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…

Hiện, nhiều mô hình, sản phẩm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và các loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên được quan tâm đầu tư, đánh dấu bước chuyển mới của ngành du lịch. Cùng với cả nước, các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đang tích cực chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch với nhiều mô hình du lịch xanh thu hút du khách.

“ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch với đặc thù miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km, có hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước đồng bằng độc đáo, cũng đang tích cực chuyển đổi xanh ngành du lịch. Có thể kể đến các tour du lịch cộng đồng liên tỉnh thăm “vương quốc trái cây”, cù lao Thới Sơn, Tiền Giang và các làng nghề làm bánh kẹo thủ công truyền thống ở Bến Tre. Các tour du lịch làng hoa Sa Đéc, thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nghe chuyện tình vượt biên giới và trải nghiệm đời sống thực còn lưu giữ qua tiểu thuyết “Người tình - L'Amant” của nữ văn hào Pháp Marguerite Duras. Vùng Thất Sơn, Châu Đốc, An Giang với nhiều trải nghiệm thiên nhiên kỳ bí, hay các làng điện gió Bạc Liêu... đều là những mô hình du lịch xanh thu hút du khách” - ông Hiệp thông tin thêm.

Giám đốc Sở VHTTDL Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, với vị thế ba mặt giáp biển, Cà Mau được xem là vùng bán đảo có giá trị kinh tế, sinh quyển và du lịch cao trong cả nước. Địa phương có sự đa dạng, phong phú của sản phẩm du lịch đặc biệt như: Điểm cực Nam Tổ quốc; Tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt của hai Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh hạ; Tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

“Với tính đa dạng về tài nguyên du lịch, trong đó có nhiều tài nguyên khá đặc sắc, Cà Mau hoàn toàn có cơ sở để phát triển những sản phẩm du lịch không trùng lặp không chỉ đối với hoạt động phát triển du lịch của bản thân địa phương Cà Mau mà còn sẽ không trùng lặp với sản phẩm du lịch nhiều địa phương khác trong khu vực. Hơn nữa các tài nguyên này được phân bố ở các vị trí khá thuận lợi cho việc khai thác phục vụ phát triển du lịch, thuận lợi cho việc tổ chức các loại hình tham quan du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch trở về với cội nguồn, du lịch tham quan làng nghề, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch cộng đống gắn với sinh thái nhân văn của cộng đồng dân cư địa phương, nghỉ dưỡng, tham quan, khám phá, trải nghiệm... đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển du lịch của khu vực và trên thế giới có sức cuốn hút du khách hết sức mạnh mẽ” - ông Hùng chia sẻ thêm.

Du khách trải nghiệm bắt ba khía trong rừng vào ban đêm ở Cà Mau. Ảnh: Quốc Trung.

Du khách trải nghiệm bắt ba khía trong rừng vào ban đêm ở Cà Mau. Ảnh: Quốc Trung.

Tập trung các giải pháp thu hút du khách

Lãnh đạo ngành du lịch các địa phương tại ĐBSCL dự báo, những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ có sự tăng trưởng ổn định do nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp lễ cuối năm. Các địa phương cũng đang tập trung các giải pháp nhằm thu hút du khách.

Ông Lý Vỹ Triều Dương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bạc Liêu thông tin, Sở đang tập trung tổ chức chương trình khảo sát đánh giá tiềm năng các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn và Hội thảo định hướng các giải pháp phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới và triển khai một số nội dung thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2024. Tiếp tục chú trọng khai thác và phát triển các giá trị văn hóa lịch sử từ bản Dạ cổ hoài lang và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tiếp tục khai thác có hiệu quả Khu Nhà Công tử Bạc Liêu. Tiếp tục phối hợp với các chủ điểm tham quan, các cơ sở tôn giáo như: Quán âm Phật đài, Chùa Xiêm cán, Thiền Viện Trúc Lâm, Chùa Hưng Thiện, Nhà thờ Tắc Sậy tiến hành bổ sung, hoàn thiện các dịch vụ tại để tiếp tục thu hút và giữ chân du khách…

Tại Kiên Giang, ngành du lịch tỉnh này đang phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ đón 9,4 triệu lượt khách đến tham quan du lịch (tăng 10% so với cùng kỳ, vượt 2,1% kế hoạch năm) với nhiều giải pháp được đua ra. Tuy nhiên, bên cạnh những mặc tịch cực thì vẫn còn nhiều vấn đề đang tác động và ảnh hưởng đến ngành du lịch ở ĐBSCL. Đó là giá vé máy bay hiện đang vẫn còn cao, xu hướng giá tiêu dùng và dịch vụ đang tăng…

box 7

Theo ông Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, gần đây giá tiêu dùng, dịch vụ đang có xu hướng tăng, do đó giá sinh hoạt tại các điểm đến dễ bị tăng giá các dịp cuối năm. Chính vì vậy, phải tăng cường quản lý về giá cả để không làm mất đi hình ảnh. Để đối phó với chi phí di chuyển tăng cao, đặc biệt là hàng không thì các cơ quản lý nên tính toán so sánh với các quốc gia khác trong cấu thành chi phí di chuyển vì đây là khoản chi phí tác động rất lớn đến chuyến đi và ảnh hưởng du lịch.

Trong khi chờ đợi chính sách về giá, cần tăng cường liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi và có sự chia sẻ lợi ích lẫn nhau. Ví dụ ngành hàng không, vận tải phải thấy được du lịch phát triển thì ngành mình cũng có được khách hàng. Trong cấu thành các gói du lịch thì các bên như vận tải, lữ hành, khách sạn… phải liên kết tốt và có khuyến mãi để giá tour tổng thể giảm đi, kích thích khách du lịch, tạo đà tăng tốc dịp cuối năm và tạo dựng được hình ảnh du lịch.

Thanh Tiến-Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-bang-song-cuu-long-huong-toi-du-lich-xanh-10292744.html