Đồng bào Mông xuất khẩu lao động để thoát nghèo

Bài 1: Lựa chọn xuất khẩu lao động, con đường thoát nghèo hiệu quả

Trước đây, chưa bao giờ nghĩ đi xuất khẩu lao động có thể thay đổi cuộc sống, nhưng sau khi đi xuất khẩu lao động về, thấy công việc cũng phù hợp với bản thân, lại có tiền trang trải cuộc sống, nên tới đây có cơ hội mình lại đăng ký đi tiếp. Đó là tâm sự của anh Giàng Á Trừ ở thôn Tà Han, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn.

Nhờ đi xuất khẩu lao động anh Giàng Á Trừ ở thôn Tà Han đã mua được đám ruộng 2.000m2.

Nhờ đi xuất khẩu lao động anh Giàng Á Trừ ở thôn Tà Han đã mua được đám ruộng 2.000m2.

Cuộc sống đổi thay

Nhà của Giàng Á Trừ nằm ở lưng chừng đồi, phải vòng vèo qua mấy con dốc mới tới nơi. Nơi Trừ ở thuộc thôn Tà Han, xã Xuân Lạc, có 107 hộ dân, phần lớn là đồng bào Mông. Trước đây, cuộc sống của bà con quanh năm làm nương rẫy, chăn nuôi trâu bò, nhưng nhiều hộ chưa thoát nghèo. Phong trào xuất khẩu lao động về đến thôn như một luồng gió mới, giúp cho nhiều hộ có cơ hội thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.

Giàng Á Trừ là một trong những người như vậy. Trừ tâm sự: “Cũng xuất phát từ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, năm 2018 khi có công ty đến xã tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài, tôi và một vài thanh niên trong xã đã đăng ký và trúng tuyển đơn hàng lao động 7 tháng ở Nhật Bản. Mới đầu mình rất lo lắng, vì chưa bao giờ rời quê hương, nhưng khi sang bên nước bạn, được làm công việc phù hợp, thu nhập ổn định nên mình khá yên tâm”.

Sau 7 tháng đi Nhật, Trừ tích góp được gần 200 triệu đồng. Số tiền đó đã giúp anh mua được hơn 2.000m2 ruộng, mua máy xay xát, đầu tư quán bán hàng tạp hóa. Được biết Trừ đã học xong lớp 12 và hiện đang giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Tà Han. Từ những nỗ lực của bản thân và thành quả có được, Trừ đã truyền động lực để thanh niên trong xã mạnh dạn khởi nghiệp bằng nhiều con đường, trong đó có xuất khẩu lao động.

Theo thống kê từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nếu như năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 toàn tỉnh chỉ có 228 người đi xuất khẩu lao động thì hết 9 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh đã có 600 người đi xuất khẩu lao động hợp pháp tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan.

Xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm cũng là nơi có tỷ lệ xuất khẩu lao động cao của huyện Pác Nặm. Nhờ đi xuất khẩu lao động, nhiều hộ thoát nghèo, xây được nhà kiên cố, khang trang. Anh Lý Văn Lự, ở thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan, vừa sang Đài Loan làm việc được hơn 03 tháng. Vợ anh là chị Nông Thị Xìa cho biết: “Chồng mình sang đó làm công việc cơ khí hợp đồng 3 năm, đến nay đã ổn định và có tiền gửi về gia đình mỗi tháng gần 20 triệu đồng”. Được biết gia đình anh Lự trước đây làm nghề buôn trâu, bò, nhưng 2 năm nay do việc kinh doanh bấp bênh, nên anh Lự quyết định đi xuất khẩu lao động. Để có tiền, gia đình anh phải vay ngân hàng 50 triệu đồng. Hiện tại công việc anh Lự thuận lợi và có thu nhập ổn định.

Phong trào đi xuất khẩu lao động được khơi dậy

Mấy năm trước, nhiều gia đình còn cảm thấy e ngại khi nói đến xuất khẩu lao động, do tâm lý không muốn đi xa, sợ gặp rủi ro. Nhưng 2 năm nay phong trào này đang bắt đầu tăng lên, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số huyện như Pác Nặm, Ba Bể, Chợ Đồn... Nhiều gia đình người Mông ở các thôn, xã vùng cao bắt đầu nhận thức rõ xuất khẩu lao động không chỉ là kênh xóa đói, giảm nghèo hiệu quả mà còn giải quyết bài toán về kinh tế trong thời gian ngắn. Vì vậy, nhiều người mạnh dạn rời quê hương, bản làng đến các nhà máy, xí nghiệp trong nước và nước ngoài để kiếm việc làm.

Một lớp tư vấn xuất khẩu lao động ở xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn.

Một lớp tư vấn xuất khẩu lao động ở xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn.

Đồng chí Nông Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn) chia sẻ: “Phong trào xuất khẩu lao động ở xã Xuân Lạc bắt đầu nhen nhóm từ năm 2017. Ngày trước chỉ lác đác vài người đi, nhưng khi một số hộ kiếm được tiền gửi về cho gia đình, mua sắm được tài sản có giá trị thì mọi người tự bảo nhau. Nếu như năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đi lao động tại nước ngoài còn khiêm tốn thì đến năm 2022 toàn xã đã có 81 người đăng ký đi xuất khẩu lao động, trong đó dân tộc Mông chiếm 48 người, thị trường lao động chủ yếu là Đài Loan, Nhật Bản. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu đi xuất khẩu lao động trên địa bàn vẫn còn tăng cao, điều này sẽ góp phần đưa đời sống kinh tế đồng bào đi lên, giải quyết việc làm cho nhiều lao động phổ thông ở địa phương”.

Bằng các hình thức tuyên truyền, định hướng khác nhau, tư duy làm giàu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều hộ ở vùng cao, chưa từng đi xa thì nay đã mạnh dạn vượt qua rào cản địa lý, không gian để đặt chân đến vùng đất mới, tìm kiếm cơ hội việc làm, mang tiền về xây dựng nhà cửa và nhiều tài sản khác. Các thôn, xã vùng cao còn nhiều chuyển biến tích cực nhờ xuất khẩu lao động./. (Còn nữa)

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202210/bai-du-thi-giai-bao-chi-bua-liem-vang-dong-bao-mong-xuat-khau-lao-dong-de-thoat-ngheo-8b20971/