Đồng bộ để tránh lãng phí nguồn lực

Giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn mới; có kế hoạch đồng bộ với việc xây dựng, phê duyệt triển khai 3 chương trình cho giai đoạn tiếp theo với các tiêu chí phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực…

Huy động, bố trí nguồn lực gặp nhiều khó khăn

Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh và thực tiễn địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Quá trình triển khai, tỉnh đã lồng ghép các chính sách, tích hợp các nguồn vốn của các Chương trình MTQG và các nguồn vốn khác, nhất là lồng ghép các chính sách về hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng trong xây dựng nông thôn mới (NTM); khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM; giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội… nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng nhà nhân ái. Ảnh: Q. Đức

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng nhà nhân ái. Ảnh: Q. Đức

Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 177/181 xã đạt chuẩn NTM (đạt 97,8% tổng số xã); trong đó, có 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 27,6% tổng số xã); 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 3,87% tổng số xã). Đồng thời, có 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM… Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Tĩnh là 3,79% - thấp hơn so với khu vực Bắc Trung Bộ 4,99%; tỷ lệ cận nghèo là 4,04% - thấp hơn so với khu vực Bắc Trung Bộ 5,05%, đạt kế hoạch Trung ương giao; không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn miền núi, thôn đặc biệt khó khăn… Đáng ghi nhận là mức thu nhập bình quân của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đạt 32,2 triệu đồng/người/năm; 100% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa, bảo đảm nhu cầu đi lại…

Bên cạnh kết quả tích cực, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn. Đơn cử, việc huy động, bố trí cân đối các nguồn lực thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM gặp nhiều khó khăn; việc đề xuất các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng, thực hiện các chuyên đề thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm… Bên cạnh đó, do hiện chưa có quy định khái niệm: “người lao động có thu nhập thấp”; “vùng nghèo, vùng khó khăn”, nên chưa thể xác định đối tượng để mở các lớp đào tạo nghề hoặc xác định đối tượng hỗ trợ;…

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: tỉnh đang gặp vướng mắc đối với việc áp dụng quy định tại khoản a, mục 9, Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ về Tiểu dự án 1- Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù. Cụ thể, Hà Tĩnh có 2 thôn (bản Rào Tre và bản Giàng thuộc huyện Hương Khê) được hưởng chính sách, dẫn đến một số nội dung cần thiết đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của đồng bào DTTS thuộc các dự án khác không được áp dụng…; việc duy trì các mô hình phát triển sản xuất tại thôn, bản dân tộc, miền núi còn khó khăn...

Hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG và hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn mới; có kế hoạch đồng bộ với việc xây dựng, phê duyệt triển khai 3 Chương trình cho giai đoạn tiếp theo với các tiêu chí phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực... Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quy định tiêu chí đánh giá hộ thu nhập thấp để triển khai chính sách hỗ trợ đào nghề cho người lao động thuộc hộ thu nhập thấp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Bổ sung đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình thuộc phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách Tiểu dự án 1, Dự án 4, phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn.

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định “thụ hưởng chính sách của tiểu dự án 1, dự án 9 thì không được thụ hưởng chính sách tại các dự án khác của Chương trình” tại khoản a, Mục 9, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho địa phương có đặc điểm dân tộc đặc thù như Hà Tĩnh được thực hiện đầy đủ các nội dung đầu tư theo nhu cầu thực tế, thực hiện tốt mục tiêu đầu tư của chương trình…

Đồng thời, bố trí các nguồn vốn thuộc thẩm quyền của các bộ, nhất là hỗ trợ, giúp đỡ Hà Tĩnh xây dựng các mô hình thí điểm theo nội dung, tiêu chí của ngành phụ trách theo các nội dung của Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025”. Thống nhất để Hà Tĩnh áp dụng quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 31.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ, không ban hành riêng quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn đối ứng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm trên địa bàn tỉnh.

Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn hồ sơ, thủ tục mua sắm giống cây trồng, vật nuôi và các loại vật tư liên quan trong việc thực hiện các mô hình phát triển sản xuất sử dụng nguồn vốn của chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng tạo thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện, phù hợp với thực tế… Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kịp thời ban hành quy trình đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP đến thời hạn, bảo đảm đơn giản tránh gây phiền hà cho cở sở; xem xét sửa đổi và ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn mới, bổ sung các bộ tiêu chí đánh giá đối với các nhóm sản phẩm, như: Tinh dầu, thực phẩm dinh dưỡng,…

Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ vay vốn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình… Kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn cụ thể tiêu chí Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt chuẩn quốc gia trong thực hiện Đề án thí điểm tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM…

Diệp Anh - Quang Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/dong-bo-de-tranh-lang-phi-nguon-luc-i346394/