Đồng bộ trong quản lý và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị

Ngày 28/7, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức 'Hội thảo tham vấn về chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ'.

Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng, suy giảm chất lượng môi trường còn xuất hiện, diễn ra ở nhiều đô thị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng, suy giảm chất lượng môi trường còn xuất hiện, diễn ra ở nhiều đô thị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ là cơ sở nền tảng để bảo đảm cho mỗi đô thị, mỗi vùng và mỗi đất nước phát triển theo hướng bền vững.

Từ sau năm 2000 đến nay, với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng sự hỗ trợ của quốc tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các đô thị và khu vực dân cư nông thôn tập trung tại Việt Nam đã từng bước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới.

Đặc biệt, việc quản lý, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đã có hiệu quả, giúp quá trình phát triển đô thị diễn ra mạnh mẽ, chất lượng đô thị được từng bước nâng cao; tháng 12/2022, cả nước đã có 888 đô thị (tăng 133 đô thị so với năm 2010).

Tuy nhiên, dù việc quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật tại Việt Nam đạt được nhiều thành tựu và có những thuận lợi, cơ hội mới để phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh chóng trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị còn thiếu đồng bộ, kết nối; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng, suy giảm chất lượng môi trường còn xuất hiện, diễn ra ở nhiều đô thị.

Các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật hầu hết được ban hành sau nhiều năm (từ 7 - 16 năm) đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật.

Về vấn đề quản lý ngập lụt đô thị, PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, chuyên gia cao cấp của GIZ đề xuất ứng dụng mô hình “thành phố bọt biển”. Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, thuật ngữ “thành phố bọt biển” được sử dụng để mô tả các khu vực đô thị có nhiều diện tích tự nhiên như cây xanh, hồ nước và công viên nhằm mục đích hấp thụ nước mưa và giảm thiểu ngập úng đô thị.

Đô thị được quy hoạch và xây dựng theo mô hình “thành phố bọt biển” sẽ dựa vào hệ sinh thái tự nhiên để hấp thụ và lưu trữ nước mưa tạm thời; nước mưa sau đó sẽ thông qua công nghệ xử lý để được tái sử dụng, hoặc được lọc tự nhiên bởi đất và thấm nhập vào các tầng chứa nước ngầm bên dưới bề mặt đô thị.

Ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết, giải pháp “thành phố bọt biển” sẽ giúp các đô thị bảo vệ được hệ sinh thái bằng cách tối đa hóa việc bảo vệ các sông, hồ, đất ngập nước, ao, mương và các khu vực nhạy cảm về sinh thái nước khác; hạn chế các tác động đến môi trường sinh thái khi xây dựng và phát triển đô thị bằng cách kiểm soát, giữ lại không gian xanh cho đô thị, giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường nước, thúc đẩy quá trình thu gom và lọc nước tự nhiên.

Đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim đúc sẵn trong xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, ông Nguyễn Quang Tùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco), cho biết, công nghệ bê tông cốt phi kim đúc sẵn sử dụng các thành phần cấp phối phổ biến như cát, đá, nước để trộn với bê tông xây dựng, tuy nhiên công nghệ này còn sử dụng xi măng bền sunfat cùng phụ gia chống bám dính ván khuôn nhằm tạo tác dụng đông kết nhanh cho bê tông; sử dụng cốt sợi polyme phân tán PP hoặc cốt sợi thủy tinh dạng thanh Glass Fiber Reinforced Polyme để tạo ra các cấu kiện bê tông có cấu tạo kết cấu mỏng nhưng vẫn đảm bảo khả năng chịu lực.

Hiện nay, công nghệ bê tông cốt phi kim đúc sẵn đang nằm trong danh mục công nghệ cao và sản phẩm được Chính phủ ưu tiên đầu tư khuyến khích phát triển theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg. Công nghệ này cũng đã được Busadco ứng dụng hiệu quả trong xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tại nhiều địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Cà Mau..., trong đó có công trình kè bờ hồ Hoàn Kiếm (công trình nhóm A, cấp quốc gia đặc biệt) vừa hoàn thành tháng 8/2020.

Về vấn đề cơ chế, chính sách, ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp. Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng thực hiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế cho Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010, Nghị định số 72/2012/NĐ-CP ngày 24/9/2012 ban hành đã lâu, có nội dung không còn phù hợp và các căn cứ pháp lý cũng không còn phù hợp.

Cùng với đó, Sở đề nghị Bộ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dựng công trình ngầm; nghiên cứu, sớm xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý không gian ngầm đô thị phù hợp với thực tiễn, nhất là với các đô thị lớn, trải qua lịch sử phát triển lâu dài như Hà Nội.

Ông Nguyễn Thế Công cũng kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ hoặc có cơ chế thích hợp để Tổng công ty điện lực Hà Nội có nguồn vốn thực hiện việc hạ ngầm các đường dây, cáp hạ thế trên địa bàn các quận. Đồng thời, ông Công kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng đường dây, cáp hữu tuyến trong đô thị; có giải pháp quản lý nhằm khuyến khích và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật ngâm nổi./.

Hồng Giang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-bo-trong-quan-ly-va-phat-trien-ha-tang-ky-thuat-do-thi/301006.html