Đồng chí Nguyễn Đức Bình: Sự kiên định từ tầm cao trí tuệ

Năm 1967, tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp, tôi về nhận công tác tại Nhà xuất bản Sự thật-cơ quan chuyên xuất bản sách lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước. Ước mong trước đó của tôi là được nghiên cứu, sáng tác văn chương không thành, lại phải bắt tay học từ đầu về một lĩnh vực mới, đòi hỏi vừa phải học tập, nghiên cứu, vừa biên tập, xuất bản, phát hành...

Ngày ấy, các thầy giáo ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), với sự miệt mài nghiêm túc, đẫm mình trong kho tàng lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã tạo nên tên tuổi của những “cây đại thụ lý luận”, không chỉ trên giảng đường, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cho đất nước mà còn cả trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng. Các đồng chí: Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Khoa Minh, Đậu Ngọc Xuân, Lê Thành Dương, Lê Xuân Tùng, Hồ Văn Thông, Đào Xuân Sâm, Đậu Thế Biểu... là những cánh chim đầu đàn lý luận trên các lĩnh vực, mà khi nhắc đến mọi người đều kính nể.

Đầu năm 1970, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng và 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo quyết định của Bộ Chính trị, Nhà xuất bản Sự Thật cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới” của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là một văn kiện lý luận chính trị, quân sự quan trọng, một mốc son trong lý luận cách mạng sáng tạo của Đảng ta. Tác phẩm này được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, được tổ chức nghiên cứu, học tập như một đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi trong cán bộ, đảng viên. Rất nhiều người, học viên trường Đảng các cấp coi đây là “tác phẩm gối đầu giường”. Mọi người đều hiểu, tác phẩm trước hết là của tác giả, người chủ trì soạn thảo, là tầm cao trí tuệ, tư duy lý luận và trải nghiệm cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Nhưng những tác phẩm mang tầm vóc luận văn quan trọng, một văn kiện của Đảng bao giờ cũng có sự đóng góp của tập thể nhiều người, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Bình, đã tạo nên một công trình lý luận chính trị, quân sự to lớn để đời.

Có thể nói, hoạt động khoa học lý luận của các đồng chí Nguyễn Đức Bình, Lê Xuân Tùng, Nguyễn Vịnh, Đậu Ngọc Xuân, Đào Xuân Sâm... không chỉ là công tác nghiên cứu, giảng dạy mà còn là trọng trách giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn hình thành các chủ trương, đường lối, hình thành sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thực tiễn cách mạng. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982), lần thứ VI (1986) của Đảng, các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết Hội nghị Trung ương các nhiệm kỳ đại hội đảng đều có sự đóng góp của đội ngũ cán bộ lý luận này. Các đồng chí: Nguyễn Đức Bình, Lê Xuân Tùng, Đậu Ngọc Xuân, Đỗ Thế Tùng, Trần Ngọc Hiên, Trần Quỳnh, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Khánh, Hà Đăng, Việt Phương... đều có những dấu ấn quan trọng trong các văn kiện Đảng, các luận văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Là những nhà lý luận đẫm mình trong hoạt động thực tiễn, đồng chí Nguyễn Đức Bình và các đồng nghiệp làm công tác lý luận đã có những cống hiến không nhỏ trong nhận định tình hình, đánh giá thời cuộc để định ra các quyết sách của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí Lê Duẩn đã nghiêm khắc chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng tồn tại trong Đảng ta. Đó là tư tương bảo thủ, trì trệ; còn chủ quan nóng vội khi đề ra một số chỉ tiêu quá lớn về quy mô và quá cao về tốc độ trong xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất; công tác xây dựng Đảng có những mặt trì trệ kéo dài. Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư yêu cầu “đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hóa hiện hành; xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp..., vừa nắm vững giá trị sử dụng, vừa rất coi trọng giá trị và quy luật giá trị”. Tháng 5-1986, chưa đầy hai tháng trước khi từ trần, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị cho Đại hội VI, mở ra thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Chúng ta đã phạm nhiều khuyết điểm, sai lầm, có mặt nghiêm trọng... Phải thấy cho hết sai lầm, khuyết điểm, đánh giá đúng nguyên nhân, cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau bàn bạc, rút ra bài học để sửa chữa... Cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trong ý nghĩ và việc làm. Đó là đổi mới theo phương hướng đường lối của Đảng, để đường lối được thực hiện tốt hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nhân dân và đất nước”. Không phủ nhận yêu cầu bức bách từ cuộc sống, từ thực tiễn đặt ra, kể cả “những cú huých phà rào”, nhưng trên tầm vĩ mô, sự đột phá, tư duy sáng tạo của các Tổng Bí thư kế thừa nhau và đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận vẫn giữ vai trò đi đầu và quyết định.

Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Nguyễn Đức Bình gắn bó nhiều năm với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đầy nhiệt huyết trong công tác tuyên truyền, cổ động, công tác tư tưởng của Đảng ngay từ buổi đầu “dấn thân vô là phải chịu tù đày”. Đồng chí trưởng thành từ cơ sở, kinh qua các cương vị công tác tuyên truyền, cổ động từ huyện, tỉnh, khu, rồi Trung ương. Lăn lộn trong thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng, đồng chí rất hiểu giá trị của lý luận được trải nghiệm từ thực tiễn. Đối với anh, lý luận cách mạng, lý luận Mác-Lênin không phải là một thứ “tầm chương trích cú”, lý luận đẻ ra lý luận, minh họa lý luận... Càng xa lạ đối với anh, thứ lý luận hoạt đầu, thích ứng, lựa chiều; nhân danh chống giáo điều, bảo thủ để tự đánh bóng mình, phủ định những thành tựu lý luận cách mạng đã góp phần làm thay đổi thời đại. Đối với anh, phải nghiên cứu nghiêm túc để nhận thức sâu sắc, thật sự hết lòng vì Đảng, vì dân, mới làm nên sự trung thành và kiên định. Kiên định bằng tình cảm cách mạng, bằng niềm tin vào lý tưởng đời mình. Kiên định còn là sự trung thành với lẽ sống của bao thế hệ đã hy sinh cho Tổ quốc, trường tồn đến ngày nay. Kiên định không phải là bất biến, cố định trong khuôn mẫu, mà phải sáng tạo không ngừng, kế thừa, đổi mới và phát triển. Đảng ta kiên định Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là để kiên định con đường cách mạng, vì nước, vì dân. Tầm cao trí tuệ kiên định Nguyễn Đức Bình là như thế.

Không phải ngẫu nhiên, Đảng và Nhà nước giao trọng trách cho anh là một trong những người đứng đầu Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc-Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh qua bốn đại hội đảng, với thời gian suốt hơn 20 năm. Không phải ngẫu nhiên, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị của hai nhiệm kỳ đại hội đảng, Trung ương lại tín nhiệm tuyệt đối, ủy thác nơi anh là người đứng đầu chỉ đạo công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo, công tác lý luận, khoa học xã hội. Anh Nguyễn Đức Bình là một trong những người tiếp nối công tác tư tưởng của Bác Hồ, của các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Tố Hữu, Hoàng Tùng... ở thời kỳ đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, công tác tư tưởng của Đảng đầy thử thách, thậm chí có thể mất-còn. Cống hiến xuất sắc của anh là đã góp phần định hướng tư tưởng đúng và kịp thời, nhất là khi có tình hình biến động phức tạp và trong các bước ngoặt cách mạng.

Khi chúng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, tình hình quốc tế có những biến động chính trị phức tạp, chế độ XHCN ở nhiều nước Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã... Sự khủng hoảng của phong trào cộng sản quốc tế đã ảnh hưởng sâu sắc đến công tác tư tưởng của Đảng ta. Trước tình hình ấy, để giúp Trung ương tăng cường lãnh đạo công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo, Hội đồng tư tưởng, văn hóa và khoa giáo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách các cơ quan trong khối được thành lập. Đồng chí Nguyễn Đức Bình được phân công làm Chủ tịch Hội đồng. Hàng loạt các chủ trương, chính sách, rất nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Ban chấp hành (BCH) Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban xây dựng Đảng… được ban hành; các bộ máy, tổ chức làm công tác tư tưởng được kiện toàn, xây dựng... Để tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tư tưởng trước những thách thức mới đang đặt ra, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, dự thảo trình Bộ Chính trị ra một số nghị quyết quan trọng về công tác tư tưởng, đáp ứng kịp thời việc tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc và của Đảng, chỉ rõ phương hướng cơ bản xây dựng Đảng về tư tưởng, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng đáp ứng yêu cầu của cách mạng thời kỳ mới; nâng cao tính chiến đấu, tính dân chủ, công khai trong cuộc đấu tranh tư tưởng-lý luận, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Trung ương, ngày 30-10-1996, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương (LLTƯ)-cơ quan tư vấn cho BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chính sách của Đảng. Mặc dù “hai vai đã gánh nặng trọng trách”, đồng chí Nguyễn Đức Bình vẫn đảm nhận cương vị chủ tịch và là chủ tịch đầu tiên của Hội đồng LLTƯ.

Là một nhà khoa học có tầm nhìn xa, trước đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, đồng chí Nguyễn Đức Bình luôn coi trọng tổng kết thực tiễn, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh. Đồng chí đã đề xuất và chỉ đạo Hội đồng LLTƯ đưa vào chương trình nghiên cứu những vấn đề cốt lõi, có cả “độ vênh” giữa lý luận truyền thống và thực tiễn cuộc sống phát triển đòi hỏi phải đổi mới. Chương trình KHXH.05 (các năm 1998-1999) tập trung chủ đề “Một Đảng lãnh đạo và chế độ dân chủ ở Việt Nam”; rồi “Bảo đảm dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền ở nước ta”. Hội đồng LLTƯ đã tập hợp được một đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu đầu ngành cho hai cuộc hội thảo liên tiếp diễn ra trong hai tháng 6 và 7-1999. Các đồng chí lãnh đạo hội đồng và khách mời ở các cơ quan đều có tham luận rất sâu sắc và thiết thực. Là người đề xuất, chỉ đạo, nhưng đồng chí Nguyễn Đức Bình không định hướng, áp đặt mà luôn gợi mở, thảo luận dân chủ, khuyến khích tranh luận. Kết luận của đồng chí cũng để mở, tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi. Tôi nhớ mãi những lời đồng chí nói khi ấy: “Phải từ trong thực tế hiện nay mà đặt vấn đề Đảng ta phải tăng cường củng cố vai trò lãnh đạo của mình bằng cách thực hiện đầy đủ dân chủ, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Nếu không thì thật ra không phải không có nguy cơ, kể cả nguy cơ đa đảng. Có phải như thế không? Để trả lời, hoặc để đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, điều đó cũng cần thiết. Nhưng trước hết là vì Đảng ta, vì dân ta, vì mối quan hệ giữa Đảng và dân, vì quyền làm chủ của dân”.

Tôi may mắn có nhiều người anh, người bạn để học hỏi, tự soi vào những tấm gương sáng để bổ sung, hoàn thiện. Đồng chí Nguyễn Đức Bình là một người anh, người thầy như thế. Tôi quen biết anh từ những ngày công tác ở Nhà xuất bản Sự Thật, rồi ở Báo Nhân Dân, nhưng tôi được gần anh, hiểu anh và học hỏi ở anh nhiều nhất là thời gian ở Văn phòng Tổng Bí thư Lê Duẩn. Nhớ ngày tôi được bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo Báo Nhân Dân, anh gặp chúc mừng và động viên: “Chú cố gắng sắp xếp thời gian hoàn thiện luận văn để bảo vệ tiến sĩ”. Mặc dù vậy, cho đến khi nghỉ hưu, tôi vẫn không thực hiện được lời khuyên và sự quan tâm của anh. Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi. Khi Báo Nhân Dân đăng một bài đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của một trí thức, anh cho gọi tôi và đồng chí Đinh Thế Huynh lên. Anh cười đôn hậu, nhưng lời lẽ có phần nghiêm khắc: “Ban Xây dựng Đảng mở mục đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch là rất đáng hoan nghênh. Nhưng đây là lĩnh vực cực kỳ khó khăn, báo Đảng càng phải thận trọng. Người mà các chú phê phán không cần phải nặng nề như thế; phải xem xét từng đối tượng. Từ quan điểm khác nhau đến quan điểm sai trái, quan điểm chống đối, thù địch có tổ chức… còn những khoảng cách. Đấu tranh là để làm rõ phải trái, là thuyết phục nhau đi đến đồng thuận. Không phải ai khác ý mình, khác quan điểm của mình đều là chống đối...”. Lập luận này của anh, sau này tôi càng hiểu, vì sao anh rất tâm huyết đề nghị Hội đồng LLTƯ ra Tạp chí Tranh luận.

Lần cuối cùng tôi gặp đồng chí Nguyễn Đức Bình cũng khá đặc biệt. Đó là dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn. Các con, cháu của Tổng Bí thư; các đồng chí bảo vệ, lái xe, bác sĩ, y tá, thư ký, trợ lý, phóng viên, nhiếp ảnh... từng một thời “theo Anh Ba, giúp việc” không ai bảo ai, đều có mặt đông đủ. Tôi rất ngạc nhiên thấy đồng chí Nguyễn Đức Bình chống gậy chậm rãi từng bước, từng bậc lên nhà. Mọi người xúm lại đỡ, anh bảo: “Mình còn đi được. Phải đến thắp hương cho Anh Ba”. Tôi đỡ chiếc túi khá nặng trên tay anh. Đến trước ban thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn, anh rút ra từ trong túi ra một cuốn sách dày. Đó là cuốn “Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay”, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật phát hành tháng 8-2016. Tuyển tập gồm những bài viết, bài nói được chọn lựa công phu trong kho tàng lý luận chính trị của đồng chí Nguyễn Đức Bình. Anh run run, nghiêm trang dâng cuốn sách lên ban thờ, xúc động chắp tay khấn trước anh linh Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tôi nghe rõ từng ý, từng lời của anh: “Kính tặng người thầy của tôi. Cũng là tư tưởng của Tổng Bí thư, suốt đời vì nước, vì dân”.

Nhân một năm ngày đồng chí Nguyễn Đức Bình đi xa, tôi viết những dòng kỷ niệm này để nhớ về anh, dù chỉ là một góc nhìn nhỏ.

ĐỨC LƯỢNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-chi-nguyen-duc-binh-su-kien-dinh-tu-tam-cao-tri-tue-608263